Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động thành phố đã chủ động ban hành 6 văn bản, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở đã triển khai 211 văn bản về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Đồng thời phân công nhiệm vụ các đồng chí Thường trực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng các Ban Liên đoàn Lao động thành phố chia thành các Tổ công tác bám sát địa bàn tuyên truyền, vận động cán bộ, đoàn viên, công nhân viên chức lao động tham gia phòng, chống dịch. Qua đó, góp phần duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, bảo vệ tốt nhất sức khỏe nhân dân và người lao động.
Từ ngày 4/5/2021, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô tạm dừng các hoạt động tập trung đông người và chủ động nghiên cứu điều chỉnh phương án tổ chức các hoạt động “Tháng Công nhân”, “Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động” năm 2021 sao cho thiết thực, hiệu quả, phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị.
Bên cạnh đó, tổ chức Công đoàn Hà Nội đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã; Công đoàn ngành, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở phối hợp với chính quyền đồng cấp hướng dẫn các doanh nghiệp thành lập Bộ phận phòng, chống dịch COVID-19 tại các doanh nghiệp, gọi tắt là “Tổ An toàn COVID-19”. Đây là “cánh tay” nối dài, là lực lượng nòng cốt làm công tác phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp.
Đặc biệt, ngày 15/5, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội đã ban hành Văn bản liên tịch số 06/VBLT-LĐLĐ-KCN chỉ đạo công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhằm ngăn chặn dịch lây lan trong các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội. Theo đó, đối với các doanh nghiệp, yêu cầu người đứng đầu chủ trì phối hợp với Công đoàn cơ sở khẩn trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của doanh nghiệp do người sử dụng lao động hoặc người được ủy quyền làm Trưởng ban Chỉ đạo, Chủ tịch Công đoàn cơ sở là Phó Ban Chỉ đạo; thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo đúng quy định “5K” và các quy định pháp luật của Nhà nước, cơ quan Y tế. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư, lắp đặt buồng khử khuẩn tự động tại cổng ra vào doanh nghiệp, đảm bảo tuyệt đối an toàn trong phòng, chống dịch bệnh và duy trì ổn định sản xuất kinh doanh; xây dựng kịch bản ứng phó ở từng cấp độ, khi doanh nghiệp có F3, F2, F1, F0 và tình huống bị phong tỏa; tránh bị động, bất ngờ.
Công đoàn cơ sở phối hợp chặt chẽ với người sử dụng lao động tuyên truyền, vận động công nhân lao động thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, không di chuyển ra khỏi nơi cư trú; hạn chế tiếp xúc; thực hiện khai báo, cách ly trung thực; tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh ở các khu vực tập trung đông người; kiểm soát chặt chẽ công nhân lao động trước khi vào ca làm việc (đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, sát khuẩn tay…). Báo cáo kịp thời với cơ quan y tế địa phương khi phát hiện trường hợp công nhân lao động có biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 để xem xét thực hiện biện pháp cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm kịp thời; sử dụng hiệu quả mạng xã hội để thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn người lao động về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; thành lập “Tổ An toàn COVID-19”.
Đối với các công ty quản lý hạ tầng ở các khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội yêu cầu thành lập Ban chỉ đạo để tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có các biện pháp quản lý bảo đảm an toàn công tác phòng, chống dịch bệnh trong khu công nghiệp của mình quản lý; phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc truy vết trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19; nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm về nhập cảnh trái phép, làm việc không có Giấy phép lao động thì báo ngay cho cơ quan có thẩm quyền xử lý; chịu trách nhiệm trước Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội và các cơ quan Nhà nước về công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Cũng theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Phi Thường, từ ngày 1/5/2021, đơn vị này tái khởi động 5 Tổ công tác đảm bảo ổn định tình hình an ninh trật tự và phòng, chống dịch COVID-19 trong công nhân viên chức lao động do 5 đồng chí Phó Chủ tịch làm Tổ trưởng. Qua đó đã kịp thời nắm bắt, tổng hợp số liệu công nhân lao động mắc COVID-19, các trường hợp tiếp xúc gần. Theo thống kê, hiện có 13 trường hợp mắc COVID-19, 969 trường hợp F1, 12.485 trường hợp là F3, F4; số lượng doanh nghiệp ngừng hoạt động là 49 doanh nghiệp với 7.185 người bị mất việc làm, 13.056 người thiếu việc làm. Các cấp Công đoàn Thủ đô đã hỗ trợ, thăm hỏi kịp thời gần 2.500 công nhân lao động với tổng giá trị hơn 2 tỷ đồng, cùng nhiều hình thức hỗ trợ khác.
Thời gian tới, để chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong các cấp Công đoàn Thủ đô, đặc biệt trong các khu công nghiệp và chế xuất, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội yêu cầu Công đoàn các cấp tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ cấp bách.
Trước hết là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên chức lao động thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch; thống kê, báo cáo kịp thời về công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp có đông công nhân lao động; thực hiện nghiêm túc chế độ khai báo y tế qua BlueZone và mã QR CODE. Các Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở bảo đảm việc thường xuyên giữ mối liên hệ với các Công đoàn cơ sở để có thông tin 2 chiều và chỉ đạo kịp thời khi có tình huống phát sinh.
Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội kiến nghị, trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, nhất là các tỉnh giáp ranh với Thủ đô có rất nhiều công nhân lao động cư trú tại Hà Nội nhưng di chuyển đi, về hàng ngày đến các doanh nghiệp khác xung quanh Hà Nội để làm việc, Thường trực Đoàn Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cần xem xét sớm ban hành văn bản chỉ đạo về công tác phối hợp giữa các Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố phía Bắc và Đồng bằng sông Hồng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.