“Vẫn còn tình trạng người dân nộp hồ sơ nhiều lần nhưng chậm giải quyết tại một số sở ngành, quận – huyện. Giải quyết thủ tục hành chính chậm chạp không loại trừ sự trục lợi cho cá nhân của một số cán bộ…Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch trong cải cách thủ tục hành chính để giảm tình trạng trên.”- Đó là nhận định của ông Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ TP Hồ Chí Minh tại hội nghị tổng kết cải cách hành chính năm 2014 tại thành phố TP Hồ Chí Minh vào ngày 2/12.
“Sở này chờ sở kia”
Có thể nói, thời gian qua các sở ban ngành, quận huyện trên địa bàn TP đã rất nỗ lực trong công tác cải cách hành chính, ví dụ với cơ chế một cửa triển khai tại 24 quận huyện đã rút ngắn thời gian chờ đợi cơ quan quản lý nhà nước xét duyệt, kéo giảm một số thủ tục hành chính… tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên, những thủ tục được rút ngắn chủ yếu tập trung ở các lĩnh vực nhẹ nhàng như đăng ký khai sinh, cấp giấy chứng minh, công chức giấy tờ cá nhân… Riêng việc xem xét, xử lý những hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai hoặc các dự án phát triển kinh tế vẫn chậm chạp, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp.
Theo ông Trương Văn Lắm, tình trạng “ngâm” hồ sơ chưa được cơ quan quản lý nhà nước loại bỏ. Rất nhiều DN mất thời gian khi xin thủ tục đầu tư dự án. Bởi vì, sở này chờ sở kia trả lời, cuối cùng một thủ tục muốn hoàn thiện mất hơn 6 tháng. Trong khi đó, thành phố quy định việc trả lời chấp nhận hay không chấp nhận hồ sơ chỉ 15 ngày kể từ ngày nộp. Như vậy, rõ ràng đang xảy ra thực trạng nơi hỏi xem như không có ai hỏi, nơi trả lời cũng không dám trả lời tại các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn thành phố.
Cải cách hành chính cần công khai minh bạch để giảm nhũng nhiễu cho dân. (ảnh chụp tai Cục Thuế TP Hồ Chí Minh) |
“Thủ tục không biết đơn giản như thế nào mà luôn xảy ra tình trạng chậm trễ giải quyết hồ sơ. Có nhiều trường hợp hồ sơ đến ngày nhận kết quả thì được thông báo trả hồ sơ. Thông báo trả hồ sơ rồi lại trả tiếp. Tức là hồ sơ liên tục bị trả về mà không lý do”- ông Lắm cho biết thêm.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính vẫn còn phiền hà gây khó cho dân. Đại diện UBND quận 4 cho hay, thủ tục hành chính còn nhiều phiền hà đến nỗi người dân muốn sửa nhà do tuổi thọ căn nhà đã quá giới hạn sử dụng, tuy nhiên khi người dân trình trên, báo dưới chờ mãi vẫn không thể sửa. Vì vậy, một số người dân đành đóng cửa “sửa chui” vào các ngày thứ 7 và chủ nhật.
Xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu
Phát biểu tại hội nghị, đại diện một số Sở ngành cho rằng, công tác cải cách thủ tục hành chính thực tế đã có phần trôi chảy hơn, cơ quan quản lý nhà nước đã có tín nhiệm với người dân hơn song tỷ lệ tín nhiệm vẫn còn thấp. Vì vậy, để công tác cải cách thủ tục hành chính có hiệu quả hơn cần tập trung cải cách cán bộ quản lý. Bởi theo ông Lắm: Giải quyết thủ tục hành chính chậm chạp không loại trừ sự trục lợi cho cá nhân của một số cán bộ. Vì vậy, vẫn còn “tồn đọng” thái độ né tránh, thờ ơ, nhũng nhiễu của cán bộ công chức trong giải quyết công việc cho người dân và doanh nghiệp. Vì vậy, cần phải công khai, minh bạch trong cải cách hành chính để giảm nhũng nhiễu, phiền hà cho dân, doanh nghiệp.
Đồng quan điểm về việc cán bộ phải làm gương, đi đầu trong cải cách hành chính. Ông Lê Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP. HCM cho rằng: “Muốn cải cách thủ tục hành chính hiệu quả, thành phố cần mạnh dạn sa thải, luân chuyển đối với những cán bộ nhũng nhiễu, hành dân. Bởi chỉ khi nào cán bộ giải quyết công việc với sự nhiệt tình, trách nhiệm cao, khi đó công tác cải cách thủ tục hành chính ở nơi đó mới đạt hiệu quả cao”.
Như vậy, có thể nói nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng thành phố chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính rất quyết liệt nhưng hiệu quả vẫn chưa cao chính là cán bộ công chức. Bởi mọi hướng dẫn, chính sách của thành phố có đến được với người dân hay không đều do người cán bộ quyết định.
Vì vậy, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP cho rằng: Sắp tới, các ngành, các cấp tăng cường công tác chỉ đạo, điều hành công tác cải cách hành chính. Thực hiện nghiêm việc xây dựng chương trình cải cách hành chính định kỳ hàng năm, phân công cụ thể các cơ quan, đơn vị, phòng, ban chuyên môn thực hiện. Đối với cán bộ nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân cần tiến hành xử lý nghiêm. Ngoài ra, thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với Thành ủy, UBND thành phố nếu có cán bộ nhũng nhiễu, hành dân mà đơn vị không phát hiện kịp thời nhằm xử lý….
Hoàng Tuyết