Theo quy định, một số loại thông tin về đất đai bắt buộc phải được công khai tại trụ sở chính quyền tỉnh, huyện, xã hoặc các trang thông tin điện tử. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, người dân muốn tiếp cận thông tin về đất đai còn gặp nhiều khó khăn.
Nặng xin - cho
Sau khoảng thời gian tiết kiệm và vay bố mẹ, anh Lê Minh (Hải Phòng) dự định mua nhà tại chung cư mini trên phố Cầu Giấy (Hà Nội). Đã được cảnh báo về tình trạng mua nhầm phải nhà xây vượt tầng, sai phép, không có sổ đỏ... nên anh Minh khá phân vân. “Tôi lo lắng không biết căn hộ mình định mua có đủ điều kiện, các cơ sở pháp lý hay không nên đến địa chính phường để hỏi thông tin. Tuy nhiên, cán bộ phụ trách vấn đề này nói rằng đang bận, không có thời gian cung cấp cho tôi. Không thể chờ đợi, tôi đành mua nhà trong tình trạng mơ hồ, chỉ dựa vào sự tin tưởng với chủ đầu tư", anh Minh cho biết.
Người dân đến làm thủ tục đăng ký đất đai tại Nghệ An.Ảnh: Thế Duyệt – TTXVN |
Bên cạnh những vụ việc “mù mờ” thông tin như anh Minh, nhiều trường hợp người dân không được cung cấp thông tin liên quan đến quyền lợi sát sườn như thông tin về bồi thường, thu hồi đất, dẫn đến những mâu thuẫn giữa người dân và chính quyền. Điển hình như vụ việc thu hồi đất của 17 hộ gia đình phục vụ việc xây dựng khu tái định cư của quận Long Biên tại phường Cự Khối (Long Biên, Hà Nội). Ông Đào Thế Dư (tổ 13, phường Cự Khối) cho biết: "Ngày 31/12/2013, UBND quận Long Biên ra Quyết định 8906 phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ đối với 17 hộ dân, nhưng chúng tôi vẫn không hề biết gì về thông tin này. Đến ngày 18/1/2014, nhờ có người quen cho biết thông tin nên tôi lên UBND để xin quyết định này, tuy nhiên các cán bộ "đá bóng" từ phòng nọ sang phòng kia, tôi phải đợi một buổi chiều mới xin được, mà cũng chỉ là bản phô tô. Chúng tôi là đối tượng trực tiếp thụ hưởng quyết định, vậy mà tại sao lại không hề được thông báo, được cho biết, mà phải đi xin mới được cho?".
Cũng theo ông Dư, những quyết định thu hồi đất cũng như các phương án bồi thường hỗ trợ do UBND phường chuyển đến đều không được thông qua họp công khai với toàn bộ các hộ dân. Sau khi những quyết định trên được ban hành, 17 hộ dân tại đây đã nộp đơn khiếu nại và đề nghị xem xét lại, tuy nhiên, không hề nhận được phản hồi của UBND phường. Đến nay, câu chuyện mâu thuẫn vẫn chưa có hồi kết.
Theo kết quả cuộc khảo sát mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), việc công khai thông tin đất đai tại Việt Nam dù đã được cải thiện hơn so với trước, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Ở một số nơi, người dân vẫn bị từ chối cung cấp thông tin với lý do là thông tin “mật” hoặc yêu cầu phải được lãnh đạo đồng ý. Thậm chí, tại xã Tân Hòa, huyện Lai Vung (Đồng Tháp), các nghiên cứu viên đến để tiếp cận một số thông tin về đất đai mà theo quy định phải được công khai thì bị đại diện chính quyền chất vấn và áp giải tới đồn công an. Điều tương tự cũng xảy ra tại phường Tân Hiệp, thành phố Biên Hòa (Đồng Nai). Đặc biệt, tình hình cung cấp thông tin bắt buộc tại trụ sở của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều rất thấp. Hà Nội chỉ ở mức 25%, TP Hồ Chí Minh 50%.
Cần minh bạch để ngừa tham nhũng
GS. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, nhiều nước cho phép và khích lệ người dân tiếp cận các thông tin về đất đai và xem đây là một trong những cách hiệu quả nhất để ngăn chặn tình trạng tham nhũng. “Một xã hội công khai sẽ tạo được lòng tin của người dân. Với những thông tin không phải mật thì cần được cung cấp, có thể được công khai trên mạng hoặc được niêm yết, công khai tại chỗ. Càng công khai và minh bạch hóa thông tin về đất đai, chúng ta càng thu được nhiều lợi ích. Bất cứ doanh nghiệp nước ngoài nào đến đầu tư, điều đầu tiên họ làm là tìm hiểu về mức độ công khai, minh bạch thông tin trong hệ thống quản lý của nước đó”.
Theo GS Võ, để tăng cường quyền tiếp cận thông tin về đất đai của người dân, cần thực thi tốt hơn những điều đã quy định trong Luật Đất đai, đồng bộ ở tất cả các cấp như phường, xã, quận, huyện và Trung ương. “Mọi người dân đều có quyền yêu cầu cung cấp thông tin, được bảo đảm quyền tiếp cận thông tin mà họ cần. Việc công khai này còn để người dân có thể cùng tham gia quản lý”, GS Võ nhấn mạnh.
Cùng với đó, nhiều chuyên gia cho rằng, để giảm nguy cơ tham nhũng trong quản lý đất đai cần nâng cao tính minh bạch đi kèm với trách nhiệm của người quản lý, có chế tài xử lý khi cán bộ không thực hiện pháp luật, điều mà hiện vẫn còn thiếu trong quá trình thực hiện.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, việc công khai thông tin đất đai là cần thiết. Trong năm 2015, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ trình Chính phủ dự thảo Nghị định về cung cấp thông tin về đất đai. “Trong văn bản này, sẽ quy định rõ thông tin nào không được cung cấp, thông tin nào được cung cấp, hình thức cung cấp và trách nhiệm của cơ quan các cấp, Đồng thời, cũng phân rõ hệ thống thông tin nào cung cấp thì người dân phải trả tiền và thông tin nào cung cấp miễn phí, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thông tin một cách thuận lợi nhất”, Thứ trưởng Hiển nhấn mạnh.
Thu Trang