Vừa qua tại chùa Phúc Sơn làng Đồng Đại xã Đồng Thanh, huyện Vũ Thư tỉnh Thái Bình, Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam đã trao Bằng công nhận hai cây đại (miền Nam gọi là hoa sứ) có tuổi gần 700 năm là cây Di sản Việt Nam.
Chùa Phúc Sơn, theo tương truyền do Linh nhân Đỗ Thị Khương hoàng hậu của vua Lý Nam Đế (544 - 548), người trang Tây Đễ (nay là thôn Hữu Lộc, xã Xuân Hòa, huyện Vũ Thư) xây dựng. Vua Trần Minh Tông (1314 - 1329) cùng đôn tử Hoàng Thái Phi về chùa cầu tự được hoàng tử Trần Kính, sau này trở thành vua Trần Duệ Tông (1372 - 1377), vua cho xây lại chùa quay về hướng Nam to đẹp hơn.
Hai cây đại được vinh danh là cây Di sản Việt Nam. |
Trải qua năm tháng, từ thời Trần qua Lê đến Nguyễn, chùa Phúc Sơn vẫn là một trong số ít chùa đẹp nổi tiếng ở trấn Sơn Nam. Sách “Đại Nam Nhất thống chí” thời vua Tự Đức (1847 - 1883) ghi nhận: “Chùa Phúc Lâm (Phúc Sơn tự) ở xã Đồng Đại, huyện Thư Trì xây dựng từ thời Trần Duệ Tông, có tháp ứng Thiên Giếng Hoành Hải, phong cảnh đẹp. Nay trong chùa có tượng phật, cầu Ngói và giếng Hoành Hải vẫn còn”, và tại chùa trên hai vì kèo nóc còn đôi câu đối.
“Trần triều Duệ đế Việt lập
Bảo Đại giáp thân trùng tu”
Chùa được trùng tu lần thứ nhất thời Lê Trung Hưng niên hiệu Chính Hòa năm thứ 6 (15), năm 1944 Giáp Thân được trùng tu lần thứ hai. Ngôi chùa là một công trình kiến trúc nghệ thuật mang dấu ấn của thời Lê, Nguyễn. Chùa được xây trên một khu đất cao có không gian rộng với nhiều cây xanh cổ thụ. Chùa chính, bái đường gồm 5 gian, cao rộng, tôn nghiêm, nóc chùa đắp ngọc long ngậm đai bờ dáng hổ phù đội vầng mặt nguyệt, các góc bờ cong đắp lưỡng nghê du ký, đao cong guột đắp rồng chầu phượng mớm. Trong chùa còn lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị văn hóa, lịch sử. Năm 2002 chùa được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.
Trong khuôn viên chùa rợp bóng cây xanh. Đẹp nhất phải kể đến hai cây đại (cây sứ) cổ thụ, có tuổi thọ gần 700 năm với bộ gốc xù xì, cành cong queo như rồng bay, phượng múa, tán lá che kín 9 bậc thềm lên xuống và toàn bộ mặt sân ước tính khoảng 360 m2, về mùa hoa tỏa hương thơm ngát, nở trắng đầy cành, rụng trắng mặt sân gạch rêu phong. Theo tư liệu còn lưu giữ cho biết hai cây đại được trồng vào năm Canh Thìn 1348.
Hai cây đại cổ thụ tồn tại phong trần vượt qua bão táp và chứng kiến bao đổi thay của quê hương. Chỉ tính riêng ở thế kỷ 20, ngôi chùa và hai cây đại cổ đã là địa chỉ sinh hoạt của chi bộ Đảng đánh đổ chế độ phong kiến thành lập chính quyền trong tổng khởi nghĩa 1945; là nơi che chắn du kích luyện tập chiến đấu thời kháng chiến chống thực dân Pháp; nơi treo kẻng báo động khi máy bay Mỹ đánh phá vào quê hương, che mát sân kho hợp tác xã và các sinh hoạt của cộng đồng toàn xã Đồng Thanh, tiễn con em lên đường nhập ngũ, nơi vui chơi cho toàn thế hệ trẻ.
Bài và ảnh: Duy Tường