Nguyên nhân là do chính quyền địa phương không huy động được thêm nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư hoàn thiện toàn bộ công trình, như chủ trương ban đầu đã đề ra.
Mặt bằng công trình này có diện tích trên 14.000 m2. Bằng nguồn vốn ngân sách, từ năm 2010, Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm đã đầu tư xây dựng các hạng mục như: san lấp mặt bằng, xây dựng nhà điều hành, cổng, tường rào xung quanh, bể nước ngầm, đài nước, hệ thống cấp nước, điện chiếu sáng trong và ngoài nhà, hệ thống cấp điện và sân, đường nội bộ. Còn một số hạng mục thiết yếu khác phục vụ trực tiếp việc giết mổ gia súc, gia cầm như: khu mổ, nhốt bò, lợn trước khi giết mổ, hệ thống xử lý chất thải… có số vốn đầu tư khoảng 4 tỷ đồng, thì Ủy ban nhân dân huyện Cam Lâm chủ trương thực hiện xã hội hóa.
Công trình khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở thị trấn Cam Đức, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa bỏ hoang nhiều năm nay. |
Theo đó, địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư xây dựng những hạng mục trên để hoàn thiện toàn bộ công trình. Để thực hiện điều này, địa phương có nhiều chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư như: giao đất dài hạn, giảm thuế 3 năm đầu, vay vốn ưu đãi... Các hộ vào khu giết mổ tập trung cũng được hỗ trợ phí giết mổ gia súc, gia cầm trong vòng 6 tháng đầu.
Tuy nhiên, do các doanh nghiệp không mặn mà với việc đầu tư vào công trình nên việc huy động vốn từ xã hội hóa bị thất bại, khiến công trình không hoàn thiện được. Hệ quả là các hạng mục đã được xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách từ năm 2010, không thể đưa vào sử dụng nên đang bị bỏ hoang và bị xuống cấp. Mặt khác, các hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm ở địa phương chủ yếu có quy mô nhỏ lẻ nên họ cũng không muốn vào khu giết mổ tập trung, vì phải trả các khoản phí và ràng buộc bởi nhiều quy định.
Đại diện Ủy ban nhân dân thị trấn Cam Đức cho biết, từ khi xây dựng công trình đến nay, chưa có một hộ nào đến đăng ký vào khu giết mổ tập trung để hành nghề. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ làm nghề giết mổ gia súc, gia cầm vào khu giết mổ tập trung nhưng không có kết quả.
Anh Bảo, 37 tuổi, một người sinh sống gần công trình cho biết, từ ngày công trình xây dựng xong đến nay, không thấy diễn ra hoạt động gì cả, cũng không thấy ai trông coi. Nhiều lúc còn thấy người dân đưa bò vào chăn thả. Ghi nhận của phóng viên, cả cổng chính và cổng phụ vào khu giết mổ tập trung này đều luôn trong tình trạng “cửa đóng, then cài”. Cánh cửa cổng bằng sắt đang hoen gỉ, sơn bong tróc lem nhem, cỏ dại mọc cao che khuất một phần cánh cửa. Phía bên trái cổng chính là căn nhà cấp 4 được xây dựng để làm nhà điều hành đang bị xuống cấp, một số cánh cửa đã bung ra, xung quanh nhà có nhiều khóm cây dại mọc um tùm. Hệ thống điện chiếu sáng, đài nước thì ngày ngày nằm bất động dưới nắng, mưa. Bể nước ngầm, giếng nước… đã bị cỏ mọc che gần hết.
Ông Huỳnh Uy Viễn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Cam Đức cho biết, địa phương đã tính đến việc hoán đổi công năng sử dụng của công trình này, bằng cách cho tổ chức, doanh nghiệp thuê, nhưng đến nay vẫn chưa có đơn vị nào hỏi thuê lại. Cũng theo ông Viễn, muốn vận động được người dân vào khu giết mổ tập trung thì trước hết phải hoàn thiện cơ sở hạ tầng để họ thấy an toàn, sạch sẽ.
Thị trấn Cam Đức có 9 điểm giết mổ gia súc, bình quân giết mổ 50 con/ngày và một số điểm giết mổ gia cầm. Các cơ sở này đều nằm trong khu dân cư, không có hệ thống xử lý chất thải, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ gây lây lan dịch bệnh… Vì vậy, việc đầu tư xây dựng khu giết mổ tập trung ở địa phương là cần thiết. Tuy nhiên, với cách làm như trên của chính quyền địa phương thì không biết đến bao giờ công trình mới được đưa vào khai thác, trong khi sự lãng phí thì đã thấy rõ.
Theo ông Lương Dự, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Cam Lâm, huyện không có khả năng tiếp tục đầu tư vào công trình được nữa. Huyện sẽ chờ quy hoạch chung của tỉnh về việc xây dựng khu giết mổ gia súc, gia cầm tập trung. Chỉ khi đó, mới biết tỉnh có phân bổ nguồn vốn đầu tư cho công trình nữa hay không. |