Trên đường Tô Ký (phường Trung Mỹ Tây, quận 12) một thủy đài được Pháp xây dựng từ đầu thế kỷ 20 để phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân xung quanh đã bị bỏ hoang hơn 20 năm nay không sử dụng. Theo lời bà Nguyễn Thị Em (70 tuổi) đã từng sinh sống ở đây từ năm 1975, chồng bà là Nguyễn Văn Tân được đơn vị quân đội giao nhiệm vụ trông coi thủy đài và phục vụ tới năm 1985 thì đơn vị đến tháo dỡ máy móc thiết bị, đường ống. Từ đó thủy đài bị bỏ hoang không sử dụng đến ngày hôm nay.
Thủy đài nằm trên đường Tô Ký đã bỏ hoang, không sử dụng hơn 20 năm qua. |
“Mỗi lần mưa gió là tôi và nhiều cư dân sinh sống xung quanh thủy đài này đều lo sợ nó sẽ đổ sập bất cứ lúc nào. Kể từ khi bỏ hoang, không đơn vị nhà nước nào quan tâm, cứ để bào mòn theo năm tháng. Đến bây giờ thủy đài này xuống cấp lắm rồi, không biết đến lúc nào đổ sụp xuống và gây hậu quả như thế nào. Chẳng nhẽ cứ để đến khi xảy ra thì mới xử lý?”, bà Em bức xúc nói.
Bà Em dẫn chúng tôi đi quan sát chiếc thủy đài mà bà ví von như là “lưỡi dao của máy chém” chỉ chờ rơi xuống, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân. Qua quan sát, thủy đài này được thiết kế với một bồn chứa nước bê tông hình trụ có 8 chân cột chống với chiều cao khoảng trên 20 mét. Bằng mắt thường cũng dễ dàng nhận ra hiện trạng thủy đài này đã xuống cấp rất nghiêm trọng, các cột chống bị bong tróc lớp bê tông, lộ rõ cốt thép đã gỉ sét. Phía trên những trụ bê tông là bồn chứa nước hình tròn, lớp bê tông ở đáy bồn cũng đã bong tróc thành mảng lớn, phía trên nóc bồn cây cỏ dại mọc um tùm.
Đáng nói là ngay bên dưới, những căn nhà mái tôn nằm bao quanh, thậm chí có căn nhà tạm lụp xụp bao quanh chân thủy đài tồn tại từ nhiều năm qua. Có thể nói, nhiều người dân lưu thông qua tuyến đường Tô Ký chứng kiến hình ảnh hoang tàn của chiếc thủy đài này đều không khỏi rùng mình khi nghĩ đến hậu quả sẽ như thế nào cho hàng chục người dân sinh sống dưới chân thủy đài nếu như bị bị ngã đổ.
Bà Nguyễn Thị Em chỉ những dấu hiệu xuống cấp của thủy đài và lo sợ sẽ đổ ngã bất cứ lúc nào. |
Mặc dù các hộ dân đã kiến nghị tháo dỡ thủy đài này đến chính quyền địa phương, tuy nhiên, do thủy đài không thuộc quyền quản lý của địa phương mà thuộc trường quân sự Quân khu 7 nên chính quyền địa phương chỉ có thể ghi nhận và có văn bản với đơn vị quản lý xử lý.
Thủy đài nằm trên đường Tô Ký nói trên là một trong những thủy đài đã xuống cấp rất nghiêm trọng và cần phải được nhanh chóng tháo dỡ trong thời gian sớm nhất. Trên địa bàn thành phố hiện còn các thủy đài tương tự nằm rải rác tại quận 4, quận 6, quận 11, Gò Vấp và Phú Nhuận. Các thủy đài này do người Mỹ thiết kế, xây dựng từ năm 1965 đến 1969 cùng chung một hệ thống. Chúng được thi công đồng loạt với mục đích ổn định nguồn nước cho các khu vực ở xa nhà máy nước Thủ Đức với tổng dung tích gần 50.000 m3 và công suất bơm khoảng 480.000 m3 một ngày.
Thống kê toàn thành phố, hiện có hơn 100 thủy đài lớn nhỏ, hầu hết không còn sử dụng vào mục đích chứa nước, điều hòa áp lực nước. Trong đó có nhiều thủy đài được xây từ thời Pháp, Mỹ, đang trong quá trình rệu rã, hư hỏng nặng. Kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải cho biết: “Hiện nay kết cấu của những thủy đài này gần như đã bị rệu rã rất nhiều và có thể sập bất cứ lúc nào mà chúng ta hoàn toàn không có thể lượng định được”.
Thủy đài đang xuống cấp ngày càng nghiêm trọng. |
Một trong những đơn vị tham gia quản lý các thủy đài - Công ty cấp thoát nước Sài Gòn (SAWACO) cho biết, công ty này chỉ quản lý 8 thủy đài do chế độ cũ để lại dùng để cấp nước và điều phối áp lực nước. Tuy nhiên, do có những vấn đề về mặt kỹ thuật nên các thủy đài này không đưa vào sử dụng. SAWACO cũng đã đưa ra hai phương án xử lý, một là kiểm tra và tiến hành xử lý các vị trí gây rò rỉ nước để tái sử dụng, hai là đập bỏ để lấy quỹ đất làm bể ngầm chứa nước, nhưng phương án này cần xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố. Ngoài ra, các thủy đài lớn, nhỏ khác lại thuộc sự quản lý của nhiều đơn vị và cũng cần có sự thống nhất của lãnh đạo thành phố trong việc xử lý.
Câu chuyện về những chiếc thủy đài xuống cấp này đã được ngành chức năng khảo sát, đánh giá từ nhiều năm trước đây. Việc tìm phương án xử lý thích hợp cho từng thủy đài, tái sử dụng hoặc đập bỏ để tránh nguy hiểm đồng thời lấy đất sử dụng vào những mục đích khác... đã được đề cập nhiều. Tuy nhiên, cho đến nay hình ảnh những chiếc thủy đài cũ kỹ, vẫn bỏ hoang trong thời gian dài và ngày càng xuống cấp vẫn tiếp tục tồn tại.
Có ý kiến cho rằng, đến lúc này nếu ngành chức năng vẫn còn có ý kiến đề xuất việc tái sử dụng các thủy đài này thì sẽ gây tốn kém không cần thiết và tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Các cơ quan chức năng nên sớm có phương án tháo dỡ để vừa không gây lãng phí, vừa không ảnh hưởng đến an toàn và cuộc sống của người dân khi có sự cố xảy ra, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa bão diễn biến phức tạp như hiện nay. “Hiện nay các thủy đài đã xuống cấp rất nhiều, nếu muốn vận hành lại chúng ta phải bỏ ra một nguồn kinh phí không nhỏ, thậm chí có thể nó tốn kém hơn cả chúng ta xây mới, nên không cần thiết phải vận hành trở lại”, kiến trúc sư Huỳnh Xuân Hải kiến nghị.