Trong những năm qua, được sự đầu tư của Nhà nước, Tập đoàn Điện lực Việt Nam và của tỉnh Hà Giang, sự chỉ đạo linh hoạt, quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc và sự cố gắng nỗ lực của CBCNV, Công ty Điện lực Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả đáng tự hào.
Công nhân Công ty Điện lực Hà Giang thi công đường điện tới các huyện vùng sâu, xa. |
Nhân dịp năm mới Xuân Ất Mùi, phóng viên Báo Tin tức - TTXVN có cuộc phỏng vấn đồng chí Hoàng Văn Thiện, Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công ty Điện lực Hà Giang.
PV: Thưa đồng chí, trong những năm qua, Công ty Điện lực Hà Giang đã gặt hái được nhiều thành công trên tất cả các lĩnh vực thuộc ngành, xin đồng chí đánh giá những thành quả tiêu biểu mà Công ty đã đạt được trong thời gian gần đây?
Công ty Điện lực Hà Giang có nhiệm vụ sản xuất và kinh doanh bán điện trên địa bàn tỉnh Hà Giang, là một tỉnh miền núi, kinh tế xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Được sự quan tâm đầu tư của ngành và địa phương, năm 2007 Công ty Điện lực Hà Giang là đơn vị đầu tiên trong 6 tỉnh biên giới phía Bắc hoàn thành 100% số xã có điện lưới quốc gia. Góp phần làm thay đổi căn bản cuộc sống của người dân ở các vùng nông thôn trong tỉnh. Hiện nay Công ty đang quản lý 1.209 TBA với tổng dung lượng 215.190 KVA; đường dây trung áp 2.474 km; đường dây hạ áp 2.536 km; được cấp điện qua bốn TBA 110KV tổng dung lượng 100 MVA và 18 nhà máy thủy điện nhỏ với tổng công suất đặt là 118 MW hòa vào lưới điện tỉnh Hà Giang.
Sau những năm thực hiện chương trình đưa điện về xã, thôn cấp điện cho hộ dân đến nay toàn tỉnh đã có 127.698/164.059 hộ đạt 77,83% được sử dụng điện; số thôn có điện 1615/2057 thôn đạt 78,51% (còn 442 thôn chưa có điện). Đã hoàn thành công trình đường dây và TBA 110 kV Hà Giang - Yên Minh, đường dây và TBA 110kV Bình Vàng, kịp thời cấp điện phục vụ sản xuất cho các nhà máy tại khu Công nghiệp Bình Vàng, đồng thời đảm bảo cho việc cấp điện ổn định cho toàn tỉnh Hà Giang. Giải tỏa công suất phát cho 4 nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh lên lưới 220 KV với dung lượng 95 MW. Thực hiện tốt chủ trương tiếp nhận lưới điện hạ thế và bán lẻ đến tận hộ dân, mang lại lợi ích, công bằng trong sử dụng điện đối với mọi hộ dân từ thành thị đến nông thôn. Đồng thời tạo điều kiện nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng, đáp ứng yêu cầu đảm bảo cung cấp điện ổn định, chất lượng và an toàn. Từ năm 2008 đến nay đã tiếp nhận được 35.019 hộ hộ được bán điện trực tiếp của ngành điện.
PV: Ngoài việc cung cấp điện cho đô thị, những khu vực khác đã được Công ty Điện lực Hà Giang tập trung đầu tư như thế nào?
Đối với điều kiện địa hình như tỉnh Hà Giang, tập quán sinh hoạt, canh tác của các dân tộc thì việc đầu tư đưa điện về khu vực nông thôn vô cùng khó khăn. Để đáp ứng được nhu cầu trên cần phải đầu tư nguồn vốn rất lớn với suất đầu tư cao. Công ty đã có rất nhiều nỗ lực như xin bổ sung các nguồn vốn của Tổng Công ty Điện lực miền Bắc như: Vốn khấu hao, vốn vay thương mại, các nguồn vốn vay ưu đãi như DEP 1, DEP 2, ADB, KFW... Từ năm 2013 đến nay, tổng số vốn huy động 460 tỷ đồng, với số hộ được sử dụng điện trên 6.200 dộ. Công ty còn tham mưu với UBND tỉnh huy động các nguồn vốn đầu tư cấp điện cho đồng bào dân tộc thiểu số sống phân tán ở khu vực miền núi xa xôi. Những nơi điều kiện đặc biệt khó khăn thì sử dụng các loại năng lượng khác như xe đạp điện, bình ắc quy… phù hợp với chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước.
PV: Khi đầu tư vào bất cứ địa phương nào điều quan tâm nhất của các doanh nghiệp là vấn đề cơ sở hạ tầng trong đó có hệ thống điện. Cảm nhận của đồng chí về môi trường đầu tư tại Hà Giang cùng ý kiến đóng góp nhằm nâng cao chỉ số PCI cho tỉnh?
Hà Giang có rất nhiều tiềm năng lợi thế để thu hút đầu tư đây là điều kiện tốt để tỉnh nâng cao PCI trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh cần từng bước giải quyết các khâu yếu trong các chỉ số thành phần của PCI. Chú trọng đến những giải pháp nhằm tối ưu hóa công tác quản lý, điều hành của các cơ quan hành chính Nhà nước giúp cho hoạt động của doanh nghiệp phát triển tốt hơn. Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện mạnh mẽ hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho các nhà đầu tư. Có chính sách phù hợp để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến với Hà Giang.
PV: Xin đồng chí cho biết việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được triển khai như thế nào?
Xác định việc áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất kinh doanh là “chìa khóa” dẫn đến mọi thành công. Nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, giúp quá trình thanh toán tiền điện của khách hàng nhanh chóng, thuận tiện cho việc lập, gửi, nhận hóa đơn thực hiện qua các phương tiên điện tử. Tháng 12/2014, Công ty Điện lực Hà Giang tổ chức tập huấn triển khai áp dụng hóa đơn điện tử cho điện lực các huyện, thành phố. Việc triển khai hiệu quả hóa đơn điện tử sẽ là một bước đột phá trong công tác ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin vào quản trị doanh nghiệp, góp phần tích cực trong cải cách thủ tục hành chính, giúp cho khách hàng giảm được chi phí bảo quản, hóa đơn được lưu trữ trên Website của bên phát hành hóa đơn.
PV: Hiện nay, tốc độ phát triển của Hà Giang ngày càng mạnh, nhất là khi Việt Nam đã gia nhập WTO. Để đáp ứng với tốc phát triển này, xin đồng chí cho biết mục tiêu phát triển của Công ty trong thời gian tới?
Đây là cơ hội rất tốt cho Việt Nam nói chung, với trách nhiệm của mình, trong thời gian tới Công ty Điện lực Hà Giang phấn đấu đầu tư đạt hiệu quả, bền vững. Phối hợp với các ban, ngành xây dựng quy hoạch phát triển điện lực cho sát với thực tế, phù hợp báo cáo Tổng Công ty Điện lực miền Bắc để bố trí, sắp xếp và thực hiện tốt nhất vai trò đảm bảo cung cấp điện ổn định, an toàn, liên tục phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Giang.
Xin cảm ơn đồng chí!
P.V (thực hiện)