Sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nhưng không tìm được việc làm từ lâu đã là vấn đề nan giải. Để xảy ra tình trạng này, bên cạnh những bất cập của chính sách vĩ mô về lao động, việc làm, còn có nguyên nhân từ chính người học và chương trình đào tạo.
Bài 1: Chính người học thờ ơ với tương lai
Có rất nhiều nguyên nhân khiến sinh viên ra trường không có việc làm, trong đó nguyên nhân đầu tiên là từ chính người học.
Cứ 5 - 6 giờ chiều mỗi ngày, Thanh Hòa, cựu sinh viên khoa Kế toán trường ĐH Công nghiệp Hà Nội lại xếp mấy chiếc ghế nhựa ra phố Cầu Diễn, Từ Liêm, Hà Nội. Đã 2 năm từ khi cầm tấm bằng cử nhân, không có việc làm, Hòa đành chọn cách bán nước mỗi tối để kiếm thêm thu nhập. Ban ngày Hòa tranh thủ đi dạy Aerobic dù đó hoàn toàn không phải chuyên môn của cô. Hiện nay Hòa vừa đăng ký học thêm một khóa học về chăm sóc khách hàng của một mạng di động, hy vọng sẽ xin được việc làm.
Mặc dù tốt nghiệp ĐH Xây dựng đã 2 năm nay nhưng Trùng Khánh làm công việc bán nước. |
“Mỗi tháng, em cần 4 triệu đồng trả tiền thuê nhà, ăn uống. Nếu không bán nước, đi dạy thêm thì em không biết xoay sở ra sao. Khoản tiền bố mẹ vay ngân hàng cho em đi học, đến nay vẫn chưa trả được”, Thanh Hòa than thở.
Ngàn lẻ một chuyện thất nghiệpCùng hoàn cảnh như Hòa là Đức Giang, tốt nghiệp trường Đại học Xây dựng, nhưng vẫn chưa xin được việc. Ban ngày Giang trông xe cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm còn tối đến thì chơi điện tử thâu đêm “cho đỡ buồn chán”, Giang tâm sự
Phú Khánh, tốt nghiệp trường ĐH Bách Khoa, ở lại Hà Nội với số tiền chi tiêu một tháng hơn 3 triệu đồng. Hàng ngày, Khánh đón con cho một gia đình còn tối đến thì đi rửa bát cho các quán ăn.
Trong khi đó, Lê Linh, tốt nghiệp trường Lao động Xã hội, thì ban ngày làm PG (giới thiệu) thuốc lá còn chiều và tối thì làm thêm tại một quán cà phê.
Những cử nhân như Hòa, Giang, Linh, Khánh hiện nay không hiếm. Học 4 – 5 năm đại học với chi phí tốn kém, họ không tìm được việc làm đúng chuyên môn của mình, đành phải đi làm thêm những công việc phổ thông như rửa bát đĩa, hay bưng bê quét dọn… Với họ là sự lãng phí về tiền bạc, thời gian, công sức đã bỏ ra để học đại học còn với xã hội là một sự lãng phí lớn về công sức đào tạo của các trường.
Nguyên nhân từ “người trong cuộc”Khi nói đến trách nhiệm của người học đối với tương lai của mình không thể không nhắc tới tình trạng ngay từ đầu khi chọn ngành nghề học, các sinh viên đã không có sự cân nhắc, lựa chọn tốt. Rất nhiều học sinh phổ thông đăng ký học các ngành chỉ vì lý do “tên gọi hay” chứ không biết tính đến tương lai khi tốt nghiệp ra trường. Họ cũng chưa cân nhắc được liệu ngành nghề này có phù hợp với khả năng của bản thân hay chỉ là sự thích thú nhất thời và tưởng tượng ra một công việc tốt đẹp.
Thậm chí trong quá trình học tập năm cuối, khi được hỏi, có nhiều sinh viên chưa xác định được công việc sẽ làm khi ra trường. Họ thường trả lời chung chung với câu hỏi về dự định nghề nghiệp, đại ý: Nếu không tìm được việc đúng với nguyện vọng sẽ tìm tạm một việc nào đó để chờ đợi.
Trong khi các bạn học sinh phổ thông khi đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời còn chưa có định hướng rõ ràng cho mình thì nhiều gia đình không định hướng cho con được ngành nghề phù hợp với bản thân mà chỉ hướng cho con theo những ngành nghề đang “nóng” hoặc bố mẹ hay định hướng nghề cho con theo ngành nghề mình đã làm. Điều này khiến sinh viên tốn thời gian công sức học tập nhưng không hiệu quả khi ra trường lại phải học thêm ngành nghề khác. Công tác hướng nghiệp ở cấp 3 chưa được quan tâm đúng mức cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.
Ông Nguyễn Phong Điền, trưởng phòng đào tạo Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết:
Về vấn đề sinh viên ra trường làm trái ngành nghề, lỗi nằm ở nhiều phía, trong đó có cả lý do từ nền kinh tế và công tác đào tạo. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp không tạo điều kiện cho sinh viên cũng như nhà trường. Quan trọng hơn là bản thân sinh viên khi còn đi học đã không chịu rèn luyện nhất là kỹ năng mềm.
Bên cạnh đó, không ít sinh viên khi ra trường rồi còn thờ ơ với các cơ hội để tìm kiếm như sàn giao dịch việc làm, những website, các thông báo tuyển dụng… Bản thân họ không chịu năng động tìm kiếm mà thường đổ lỗi cho hoàn cảnh chung.
Tuấn Anh
Bài 2: Đào tạo nghề không hiệu quả