Để làm rõ hơn những vấn đề này, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hưng Thịnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau đây là nội dung cuộc trao đổi:
Nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường
Thưa ông, Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định cộng đồng dân cư là một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Ông kỳ vọng gì ở việc này?
Đây là lần đầu tiên cộng đồng dân cư được quy định như một chủ thể trong công tác bảo vệ môi trường. Với quy định này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 kỳ vọng sẽ góp phần phát huy hơn nữa vai trò của cộng đồng dân cư để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ môi trường. Cụ thể là phát huy tính đoàn kết, gắn bó, hỗ trợ lẫn nhau vì quyền lợi chung, sự sáng tạo và duy trì các sáng kiến gắn với địa bàn, lòng tự hào về truyền thống của làng xóm, quê hương của cộng đồng dân cư đối với công tác bảo vệ môi trường. Qua đó sẽ hình thành, thúc đẩy và duy trì hiệu quả các mô hình chung tay bảo vệ môi trường ngay tại cơ sở như mô hình đường làng, ngõ xóm xanh-sạch-đẹp, phân loại rác tại nguồn; bảo vệ môi trường trong hương ước…
Sự tham gia của cộng đồng vào bảo vệ môi trường không chỉ tạo thêm nguồn lực tại chỗ cho công tác này mà còn là lực lượng đóng góp, cung cấp thông tin, giám sát môi trường nhanh và hiệu quả, giúp giải quyết kịp thời các vấn đề môi trường ngay từ khi mới xuất hiện, nhất là các vấn đề môi trường liên quan trực tiếp đến số đông dân cư, ảnh hưởng đến cuộc sống của cộng đồng như ô nhiễm môi trường không khí, đất, nước, sự cố môi trường, rác thải…
Việc phát huy vai trò, tạo điều kiện thuận lợi đối với sự tham gia của cộng đồng dân cư cũng nâng cao hiệu quả tham vấn, phản biện và quá trình thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường, phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường.
Nhằm tạo thuận lợi cho cộng đồng dân cư phát huy được vai trò của mình, Luật đã xác lập, thể hiện rõ quyền, trách nhiệm của cộng đồng dân cư cũng như quy định rõ các hoạt động hỗ trợ của Nhà nước đối với cộng đồng dân cư tham gia bảo vệ môi trường. Nhất là bổ sung quy định thiết lập hệ thống trực tuyến tiếp nhận, xử lý, trả lời phản ánh, kiến nghị, tham vấn của tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về bảo vệ môi trường; đồng thời người dân có thể tham gia giám sát thông qua công nghệ thông tin, tương tác bằng các ứng dụng thông minh trên điện thoại di động.
Thúc đẩy phân loại rác thải tại nguồn
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định, chậm nhất trước ngày 31/12/2024 các hộ gia đình bắt buộc phải phân loại rác thải sinh hoạt trước khi rác được thu gom, vận chuyển, nếu không muốn bị đơn vị thu gom, vận chuyển rác từ chối phục vụ. Ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của quy định này?
Công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam trong thời gian qua còn có nhiều bất cập từ chính sách, cơ sở hạ tầng cho đến cách thức tổ chức thực hiện. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phải chôn lấp còn cao là do chưa chú trọng đến công tác phân loại rác thải tại nguồn. Tại một số địa phương, các mô hình phân loại rác ở quy mô nhỏ đã được triển khai thí điểm nhưng hiệu quả đạt được không như kỳ vọng do chưa đồng bộ từ hạ tầng tiếp nhận rác sau khi phân loại đến khâu thu gom và cuối cùng là khâu xử lý.
Để khắc phục triệt để các bất cập này, Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã có quy định đột phá trong quản lý chất thải rắn sinh hoạt. Đó là quy định việc thu phí rác thải dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay. Cơ chế thu phí này sẽ góp phần thúc đẩy người dân phân loại, giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn. Rác thải sinh hoạt phải được phân làm 3 loại là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Theo đó, chất thải rắn có khả năng tái chế, tái sử dụng sẽ không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, xử lý. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nghiên cứu kỹ lưỡng mô hình và kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới hiện đang thực hiện rất thành công việc thu phí xử lý rác thải qua hình thức bán bao bì, thiết bị đựng rác như Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia phát triển khác.
Về lộ trình, Luật đã có quy định giao UBND dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện kinh tế-xã hội của địa phương sẽ quyết định việc phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt với thời hạn áp dụng chậm nhất ngày 31/12/2024. Do vậy, lộ trình này là do UBND cấp tỉnh quyết định chứ không phải áp dụng cho tất cả các địa phương từ ngày Luật có hiệu lực thi hành là ngày 1/1/2022.
Theo đó, để bảo đảm tính khả thi của cơ chế quản lý chất thải rắn sinh hoạt, Luật đã đưa ra một số quy định như: Tại các điểm tập kết rác thải, nếu phát hiện việc phân loại không đúng quy định thì đơn vị thu gom, vận chuyển có quyền từ chối thu gom, vận chuyển và thông báo cơ quan có thẩm quyền để kiểm tra, xác định hộ gia đình, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm. Việc phát hiện vi phạm thông qua hệ thống camera giám sát; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị-xã hội các cấp vận động cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; cộng đồng dân cư, tổ chức chính trị-xã hội có trách nhiệm giám sát việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt của các hộ gia đình, cá nhân. UBND cấp xã có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ, xử lý hoặc chuyển cấp có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định; hướng dẫn cộng đồng dân cư giám sát và công khai trường hợp không tuân thủ quy định về phân loại, thu gom chất thải rắn sinh hoạt.
Về hạ tầng kỹ thuật, Luật cũng giao trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan liên quan để bảo đảm các điều kiện về hạ tầng tốt nhất cho người dân để thực hiện chính sách về phân loại rác như: UBND các cấp có trách nhiệm bố trí mặt bằng điểm tập kết, trạm trung chuyển đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp với từng loại chất thải rắn sinh hoạt sau khi được phân loại. Chủ dự án đầu tư, chủ sở hữu, ban quản lý khu đô thị mới, chung cư cao tầng, tòa nhà văn phòng phải bố trí thiết bị, công trình lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với các loại chất thải.
Đây sẽ là tiền đề để thay đổi toàn diện công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt ở Việt Nam hiện nay, sớm bắt kịp với các nước tiên tiến trên thế giới.
Khuyến khích các hoạt động phát triển hài hòa với thiên nhiên
Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định về việc kiểm soát chặt chẽ các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường. Theo ông, liệu điều này có làm khó các doanh nghiệp và ảnh hưởng đến chiến lược của Chính phủ về việc phục hồi và phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 diến biến phức tạp?
Luật Bảo vệ môi trường 2020 đã thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý môi trường thông qua thể chế hóa chính sách phát triển dựa trên quy luật tự nhiên, không hy sinh môi trường để đổi lấy tăng trưởng kinh tế. Tức là tập trung nguồn lực, công cụ quản lý để kiểm soát khoảng 20% số cơ sở có nguồn thải lớn, thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Cùng với đó, Luật vẫn bảo đảm tinh thần cải cách mạnh mẽ cho doanh nghiệp, đặc biệt là các chính sách nhằm khuyến khích các hoạt động sản xuất, phát triển hài hòa với tự nhiên, bảo vệ và phát triển tự nhiên.
Dựa trên nguyên tắc này, Luật đã tiếp cận phương pháp quản lý môi trường xuyên suốt, khoa học đối với dự án đầu tư dựa trên các tiêu chí môi trường; sàng lọc, không khuyến khích các dự án không tuân theo quy luật tự nhiên, chiếm dụng lớn diện tích rừng, đất lúa, tác động đến các di sản thiên nhiên, khu bảo tồn; áp dụng công cụ quản lý môi trường phù hợp theo từng giai đoạn từ việc xây dựng chiến lược, quy hoạch đến thực hiện dự án đầu tư. Từ đó, dự án đầu tư được phân thành 4 nhóm gồm có nguy cơ cao, có nguy cơ, ít có nguy cơ hoặc không có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.
Tương ứng với từng đối tượng dự án cụ thể, cơ quan quản lý nhà nước về môi trường sẽ áp dụng các cơ chế quản lý phù hợp. Cụ thể là quy định chỉ đối tượng có nguy cơ cao (nhóm I) mới phải đánh giá sơ bộ tác động môi trường, nhằm khắc phục các hạn chế, bất cập của pháp luật hiện hành, giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhiều nhà đầu tư.
Luật áp dụng đầy đủ các công cụ môi trường để quản lý, sàng lọc dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường mức độ cao như đánh giá sơ bộ tác động môi trường, đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường nếu phát sinh chất thải. Các dự án áp dụng công nghệ tiên tiến và thân thiện môi trường được cấp giấy phép môi trường ngay từ giai đoạn nghiên cứu khả thi và tổ chức hậu kiểm (thông qua thanh tra, kiểm tra) khi dự án đi vào hoạt động hoặc chỉ phải đăng ký môi trường (không phải là thủ tục hành chính, được thực hiện bằng hình thức trực tuyến, đơn giản) tại UBND cấp xã. Bên cạnh đó, Luật cũng cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính thông qua việc tích hợp toàn bộ các giấy phép, giấy xác nhận về môi trường vào chung 1 giấy phép môi trường và bãi bỏ các giấy phép có liên quan.
Xác lập lại đúng vai trò hoạt động quan trắc chất thải của doanh nghiệp, Luật quy định các đối tượng xả nước thải, bụi, khí thải lớn ra môi trường phải quan trắc định kỳ. Đối tượng phải quan trắc tự động, liên tục bao gồm các cơ sở thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải trung bình trở lên và cơ sở không thuộc loại hình có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường với lưu lượng phát thải lớn, các khu, cụm công nghiệp.
Nhằm tháo gỡ khó khăn đối với doanh nghiệp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, rất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp do Bộ đề xuất đã được Chính phủ đồng ý và thể hiện trong Nghị định này, như lùi thời hạn phải lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục; tiếp tục gia hạn giấy phép môi trường thành phần đến hết năm 2022 cho một số đối tượng; quy định lộ trình phù hợp đối với một số loại sản phẩm, bao bì phải thực hiện chế định trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất.
Ông có thể rút ra thông điệp ngắn gọn của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đối với người dân và các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay?
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, môi trường bao gồm các yếu tố vật chất tự nhiên và nhân tạo quan hệ mật thiết với nhau, bao quanh con người, có ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, xã hội, sự tồn tại, phát triển của con người, sinh vật và tự nhiên. Chính vì vậy, bảo vệ môi trường chính là bảo vệ sự tồn tại của con người, bảo đảm cho sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội. Vì lẽ đó, người dân, doanh nghiệp đóng vai trò cốt yếu trong công tác bảo vệ môi trường. Yêu cầu về bảo vệ môi trường hay tiêu chí môi trường đã và đang được thể hiện trong các cam kết quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới, do đó, thực hiện tốt Luật Bảo vệ môi trường là động lực và lợi thế để hội nhập quốc tế thành công và hiệu quả.
Từ các chính sách, quy định có liên quan, thông điệp ngắn gọn của Luật Bảo vệ môi trường 2020 đưa ra đối với người dân và doanh nghiệp là "Người dân, doanh nghiệp là một phần không thể tách rời của môi trường. Chủ động, có trách nhiệm với môi trường chính là bảo đảm chất lượng sống của người dân và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp".
Trân trọng cảm ơn ông!