Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh. tử vong trong đại dịch COVID-19 góp phần cùng cộng đồng san sẻ đau thương và nhắc nhở mỗi chúng ta bằng những việc làm cụ thể, sống có trách nhiệm với bản thân, cộng đồng, xã hội nhằm đẩy lùi dịch bệnh.
Với gia đình chị Nguyễn Thị Dung, thôn Công, xã Mão Điền, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, mặc dù đã gần 6 tháng trôi qua nhưng những mất mát, đau thương do dịch bệnh để lại vẫn vẹn nguyên trong ký ức của 4 mẹ con chị.
Chị Dung cho biết gia đình chị có 5 người thì có 2 vợ chồng chị mắc COVID-19 do lây nhiễm từ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 trong thời gian chị chăm chồng ốm tại viện vào đầu tháng 5/2021.
"Sau đó, ngày 5/5, sau khi được xét nghiệm và dương tính với SARS-CoV-2, hai vợ chồng tôi được đưa đi điều trị. Hình ảnh hai vợ chồng được chở trên chiếc xe cứu thương chạy đằng trước và ba con nhỏ (11 tuổi, 9 tuổi và 4 tuổi) đạp xe khóc chạy theo mẹ sẽ là khoảnh khắc tôi không bao giờ quên", chị Dung nói.
Và sau đó, các con của chị cũng được đưa đi cách ly tập trung do là đối tượng F1. Nỗi đau chồng chất nỗi đau khi chị nhận được tin chồng không qua khỏi do mắc COVID-19 kết hợp với bệnh nền và cậu con trai cũng bị mắc COVID-19. Vừa kể, chị Dung không thể nén được nước mắt.
Chị Dung chia sẻ, mặc dù biết chồng mất nhưng do đang điều trị bệnh, chị cũng không được nhìn mặt chồng lần cuối, không thể tổ chức tang lễ cho chồng, chị rất đau lòng. Chị chỉ biết nhìn ngắm kỷ vật của chồng và dặn mình cùng các y, bác sĩ vượt qua bệnh tật, để sớm được về nhà chăm lo cho các con. Những câu nói ngây ngô của con nhỏ "Sao bố không về?", hay "Con nhớ bố" càng làm quặn thắt thêm nỗi đau người mẹ trẻ.
Trước khi điều trị bệnh trở về nhà, chị rất lo làng xóm kỳ thị nhưng sau khi trở về nhà, mọi người trong làng, xã đều cảm thông, chia sẻ, động viên gia đình chị cố gắng vượt qua nỗi buồn, giữ gìn sức khỏe, phòng dịch thật tốt. Đây cũng là niềm an ủi để gia đình chị tiếp tục với cuộc sống mới.
Không chỉ vậy, với tinh thần tương thân, tương ái, sẻ chia của các cấp chính quyền, cộng đồng và toàn xã hội, thời gian qua gia đình chị đã nhận được sự động viên bằng cả vật chất và tinh thần giúp gia đình chị vượt qua nỗi đau, vơi bớt đi những khó khăn, nhất là trong thời gian vợ chồng chị và các con đi điều trị và cách ly.
Đến nay, cuộc sống đã trở về trạng thái "bình thường mới", vẫn những việc làm trước đây, hàng ngày chị Dung đi làm, bán bánh cuốn, dán hàng mã và chăm sóc con cái nhưng trong gia đình không còn người chồng, bố, "trụ cột" gia đình. Vì vậy, mẹ con chị càng yêu thương nhau, cùng nhau vượt qua khó khăn để tiếp tục sống.
Ông Vũ Văn Mạnh, Bí thư Đảng ủy xã Mão Điền, huyện Thuận Thành cho biết: Trước đây xã Mão Điền, huyện Thuận Thành là địa phương có tình hình dịch bệnh phức tạp nhất tỉnh Bắc Ninh với hơn 300 người mắc và 2 người tử vong. Lúc này, mặc dù cùng một lúc phải thực hiện nhiều nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nhưng địa phương cũng làm tốt công tác chăm lo cho đời sống người dân. Với hoàn cảnh gia đình chị Nguyễn Thị Dung, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ xã, thôn bằng các hình thức tuyên truyền, kêu gọi sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân thăm hỏi, chia sẻ nỗi đau, hỗ trợ gia đình vượt qua khó khăn.
Đặc biệt, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phối hợp với một số tỉnh, thành phố vừa tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào và cán bộ chiến sĩ hy sinh, tử vong trong đại dịch COVID-19, một lần nữa những ký ức buồn lại ùa về nhưng sâu thẳm trong lòng chị Dung. Đây còn là dịp để gia đình chị được bên nhau, thắp nén nhang thành kính tưởng nhớ người đã mất. Sự kiện này như một lời chia sẻ những nỗi đau, mất mát của các cấp chính quyền với gia đình chị.
Trong Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong vì COVID-19, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Bắc Ninh đề nghị các tổ chức tôn giáo hưởng ứng và có hình thức tham gia phù hợp. Đồng thời, hướng dẫn các cơ sở tôn giáo, tín đồ tôn giáo tổ chức hoạt động tưởng niệm trực tiếp tại các cơ sở tôn giáo, trực tuyến, online tại nhà riêng với những nghi thức truyền thống tại mỗi tôn giáo như: Dâng hương, dâng hoa, dâng nến... Đồng thời, tỉnh Bắc Ninh cũng yêu cầu các tổ chức, cá nhân dừng các hoạt động văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí trong thời điểm tổ chức Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19.
Mặc dù cầu nguyện khi xem chương trình truyền hình trực tiếp Lễ tưởng niệm đồng bào tử vong và cán bộ, chiến sỹ hy sinh trong đại dịch COVID-19 vào tối 19/11 nhưng bác Nguyễn Văn Lâm, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh cũng không giấu nổi niềm xúc động trước hoạt động nhân văn, nhân đạo của Nhà nước.
Bác Lâm cho biết, do có việc ở ngoài Bắc nên bác tạm xa gia đình trong Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, do ảnh hưởng COVID-19 bác không thể trở lại đoàn tụ với gia đình. May mắn là mọi người trong gia đình bác vẫn mạnh khỏe nhưng cũng có một số người bạn, đồng hương đã không thể vượt qua đại dịch. Đây cũng là dịp để bác thỏa ước nguyện sau bao ngày không thể trở về đó dự lễ tang.
Với nỗi mất mát, đau thương, bác cũng tự dặn mình và truyền thông điệp đến tất cả mọi người dịch bệnh không loại trừ ai. Vì vậy, mỗi chúng ta phải thức tỉnh, thay đổi và thích ứng để bảo vệ cuộc sống của chính mình, của người thân và của đồng bào mình, từ việc nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi người cùng chung tay, góp sức tham gia phòng, chống dịch.
Hiện nay, mọi hoạt động đời sống kinh tế, xã hội trong tỉnh Bắc Ninh cơ bản trở lại trạng thái "bình thường mới". Tuy nhiên, cuộc chiến chống COVID-19 còn nhiều diễn biến khó lường, cam go, phức tạp, cùng với quyết tâm của các cấp chính quyền, rất cần sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng của toàn thể nhân dân, có vậy mới đẩy lùi dịch bệnh, không còn nhiều "cuộc chia ly" buồn.