Người nông dân bị thu hồi đất tại dự án Ecopark luôn được chủ dự án quan tâm đào tạo nghề, đảm bảo việc làm, đào tạo nghề để ổn định cuộc sống. Nhiều lớp đào tạo chuyển đổi nghề cho bà con nông dân các xã đã tạo hàng ngàn công ăn việc làm cho người dân địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực chăm sóc, phát triển cây xanh, vệ sinh môi trường, an ninh khu đô thị…
Để đảm bảo khu đô thị với cảnh quan cây xanh luôn được chăm sóc kỹ lưỡng, an ninh đảm bảo, chủ đầu tư đã đưa ra chính sách ưu tiên sử dụng lao động địa phương, đặc biệt là những xã có đất bị thu hồi nằm trong dự án.
Hiện nay, số lượng lao động tại khu đô thị Ecopark đã lên đến 1.300 người. Trong đó có những phòng ban như ban An ninh đô thị chiếm đến 80% là người địa phương.
Anh Nguyễn Đức Đạt (27 tuổi), nhà ở Xuân Quan chia sẻ: Nhà có 8 miếng đất ruộng bị thu hồi làm dự án. Vốn tốt nghiệp ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp, ra trường đi làm thợ điện ở Cầu Giấy, cách nhà 27 km, cuộc sống bấp bênh, thu nhập chẳng đáng là bao. Sau khi biết bên Ecopark tuyển nhân viên Đạt đã vào đầu quân cho ban An ninh năm 2012 cho gần nhà tiện chăm sóc gia đình. Tại đây, Đạt được dạy về kỹ năng an ninh, võ thuật, kỹ năng phòng cháy chữa cháy, ứng xử giao tiếp.v.v... Sau 6 năm công tác, giờ Đạt là đội trưởng, thu nhập 9 triệu/tháng.
Còn chị Nguyễn Thị Chúc công nhân ban Cây xanh khu đô thị Ecopark có thâm niên 9 năm tâm sự : “Cũng như bao gia đình nông dân khác có đất chuyển giao một phần diện tích đất ruộng cho dự án, chị được nhận vào làm tại đây. Công việc ở đây khá quen thuộc với những người làm nông nên bắt kịp rất nhanh. Nếu với tuổi cao như tôi và không có tay nghề đi xin việc chắc chẳng nơi nào nhận. Tôi cảm thấy rất vui mừng và phấn khởi vì đã có một việc làm ổn định và tin rằng mình sẽ gắn bó lâu dài với công ty. Với thu nhập của tôi hiện nay ổn định hơn nhiều, đủ để trang trải mọi mặt cuộc sống”.
Trước đây, người dân xã Phụng Công cơ bản là trồng lúa, một năm 2 vụ lúa, thu nhập mang tính chất thời vụ. Tuy nhiên, khi được nhận vào làm tại dự án Ecopark, anh Phạm Đức Thanh, người xã Phụng Công đã cảm thấy an tâm hơn hẳn trước, không còn phải lo mất mùa, lúa lép. "Ngày làm việc 8 tiếng, không phải thức khuya dậy sớm, được nghỉ ngày Chủ nhật dành chăm sóc gia đình”, anh Thanh tâm sự.
Đánh giá về việc chuyển đổi nghề cho người dân, ông Lê Quý Đôn, Chủ tịch xã Xuân Quan (Văn Giang, Hưng Yên) chia sẻ “Sự phát triển của khu đô thị Ecopark đã đem lại cuộc sống mới cho người dân trong xã. Những người nông dân đã tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề từ dự án, sử dụng các kiến thức đã học để làm giàu chính trên mảnh đất quê hương mình”.