Cuộc sống muôn màu của “Cái Bang”

“Ăn xin” – khái niệm đã quá quen thuộc, thường để chỉ những người không còn khả năng lao động, kiếm tiền và phải sống nhờ vào tình thương của cộng đồng. Nhưng khái niệm đó giờ đã “xưa như diễm”, bởi nó biến tướng và trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội. Có những số phận bị đẩy đưa vào đường dây chăn dắt người ăn xin, cũng có những kẻ lười lao động dùng đủ mánh khóe kiếm tiền… “Giới ăn xin” đang có cuộc sống muôn màu, muôn sắc…

Bài 1: Khi ăn xin mặc cả với khách

Lòng tốt bị lợi dụng

Dạo qua một vòng các bến xe tại thành phố Hà Nội như: Giáp Bát, Mỹ Đình, Nước Ngầm... rất dễ bắt gặp cảnh những người ăn xin đang “tác nghiệp” bằng nhiều hình thức khác nhau. Buổi chiều ngày thứ tư (11/4), chúng tôi có mặt trên chuyến xe buýt 06. Trong lúc chờ đợi xe chuyển bánh, một phụ nữ trung tuổi bế đứa bé lên, với vẻ mặt thiểu não và nước mắt lưng tròng, bà ta chìa chiếc ca nhựa cũ kĩ đến từng hành khách đi xe: “Các bác, các cô thương tình, hai bà cháu từ quê lên, bị móc túi, giờ không biết lấy đâu ra tiền để về”. Có người đã không tỏ ra nghi ngại sẵn sàng cho hai bà cháu tới vài chục nghìn đồng. Sau khi đã tác nghiệp xong, người phụ nữ cảm ơn rối rít rồi nhanh lẹ bước xuống xe. Qua khe cửa chúng tôi quan sát, đứa trẻ đã không muốn lên xe khác xin tiền nữa, người phụ nữ liền kéo lại “phát” liên tiếp vào mông, mắng chửi té tát.

Ăn xin tại chùa Bái Đính (Ninh Bình).


Vì các bến xe có đông khách qua lại, nên cảnh tượng ăn xin cũng nhộn nhịp không kém phần. Bạn Vũ H (sinh viên) cho biết: Do trường xa nên H thường đi xe buýt đến trường, ngày nào cũng có mặt tại Bến xe Giáp Bát (Hà Nội) thường chứng kiến nhiều người ăn xin với những hoàn cảnh khác nhau, nhưng có trường hợp làm H không thể quên. “Tôi đang muộn học, cố chạy kịp xe buýt thì một bà già đến xin tiền, tôi vội rút ra cho, nhưng vì toàn tiền chẵn, đã đưa bà 20.000 đồng và đang định chạy cho kịp xe, bà ta kéo tôi và đưa lại 15.000 đồng” - H ngỡ ngàng và có vẻ thắc mắc kể.

Một người bạn tôi nhớ lại, có lần vừa vào quán ăn sáng, một người đàn ông đến xin tiền thì bạn tôi nói: “Cháu có mỗi 50.000 đồng để trả tiền ăn sáng”. Người đàn ông nhanh nhảu đáp: “Đưa bác phụ lại cho, có người cho bác cả 50.000 đồng, nhưng sinh viên làm gì có tiền cho nhiều, bác xin 20.000 đồng thôi”. Nghe xong ai cũng buồn cười có người đi ăn xin còn đòi mặc cả với người cho… Những hành động trên đang là trò cười, nhưng cũng không ít người nhẹ dạ tin theo.

Tôi đã chứng kiến một người phụ nữ vẫn khỏe mạnh, chị ta đứng ở nơi đông người là cây xăng. Khi thấy tôi đến, chị ta liền xấn đến gần và chìa tay ra xin: “Cho chị xin 20.000 đồng, chị là người ở xa đi thăm bà cô bị bệnh nhưng trên đường bị mất hết, giờ không còn tiền về, chị xin được 30.000 đồng rồi, em cho chị xin thêm 20.000 nữa là đủ”. Thấy hoàn cảnh đáng thương, tôi cũng cảm thông cho chị tiền như mức đề nghị và hỏi thăm về bệnh tình người nhà. Nhưng ai ngờ, sau đó ít hôm tôi đến đổ xăng lại thấy chị ta vẫn ở đó, giật mình tôi nghĩ: “Thì ra là trò bịp bợm”.

Tiếp tay cho tệ nạn

Thời gian qua, phương tiện truyền thông, phim ảnh lên án không ít chuyện trong xã hội có những kẻ lười lao động hoặc vì nghiện lô đề, cờ bạc, rượu chè bê tha dẫn đến mất nhân tính, đánh đập con cái rồi bắt chúng đi ăn xin phục vụ cho mình. Xưa kia, Trung Quốc từng tồn tại hẳn một hội Cái Bang dành cho người ăn mày tụ họp, còn ở ta cũng có một số “làng ăn xin” được mọi người biết đến. Lúc nông nhàn, cả làng lại kéo nhau đi tứ xứ, thập phương kiếm cơm bằng cái nghề mà chỉ dành cho những người không đủ khả năng lao động cần tình thương của cộng đồng che chở. Sau mỗi thời vụ ăn xin, khi trở về có người xây nhà, mua sắm đồ đạc sung túc trong gia đình… và nghỉ dưỡng để chờ đợi đợt “ra quân” mới.

Chị Hiền, bán xôi gần Quảng trường Hồ Chí Minh, thành phố Vinh (Nghệ An) có vẻ không hài lòng cho biết, có người ăn xin thu nhập mỗi ngày từ 300.000 – 500.000 đồng. Mỗi buổi tối họ lại “mở tiệc” trông rất phản cảm.

Tuy nhiên, hiện nay cũng có không ít những số phận vì mù lòa, què quặt, tật nguyền đang cần cả xã hội quan tâm, mà nét đẹp “lá lành đùm lá rách” xưa nay đã ăn sâu vào tiềm thức mỗi người. Cạnh đó, cũng cần lên án những kẻ tán tận lương tâm bằng mọi thủ đoạn trái pháp luật, trục lợi một cách vô lương tâm bằng cách đẩy bố già, con trẻ ra đường xin tiền.

Không ít người lại giả tật nguyền để dụ lòng khách cho. Tại các địa điểm như: Hội Lim, đền Củi, chùa Hương, chùa Bái Đính… có thể dễ dàng bắt gặp hàng loạt người ăn xin nằm rải rác khắp nơi. Họ lê lết từng bước chân xung quanh chùa để xin tiền, nhưng có ai biết trong đó có người “què giả”. Một người bán hàng ở khu chùa Bái Đính (Ninh Bình) cho biết, có người khi đi xin giả vờ tàn tật, dùng những chiêu để thu hút sự thương cảm của mọi người xung quanh, nhưng lúc không phải đóng kịch, họ vẫn hoạt động bình thường. Vô hình trung, tình trạng này làm những người có lòng từ thiện không còn biết đâu là thật giả và luôn canh cánh tư tưởng “phòng thủ” tránh xa kẻ ăn mày.

Bài và ảnh: Văn Cảnh - Trần Thu

Bài 2: Trả tiền phỏng vấn “ăn mày”

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN