Trên tuyến đường sắt chạy qua 3 quận Đống Đa, Ba Đình và Hoàn Kiếm (Hà Nội) hàng ngày các chuyến tàu vẫn nhộn nhịp hối hả vận chuyển hành khách và hàng hóa.
Song hành với nó là cuộc mưu sinh của hàng trăm hộ dân sống ven đường sắt bất chấp khói bụi, tiếng ồn và thậm chí là nguy hiểm tính mạng. Phần lớn người dân sinh sống ở khu vực này là công nhân đường sắt ở đây từ 15 - 20 năm về trước, người đến thuê nhà và dân buôn bán.
Sống trong môi trường thiếu an toàn
Theo những cán bộ làm công tác rào chắn ở đường Lê Duẩn thì hàng ngày trên tuyến đường sắt này có khoảng hơn 20 chuyến tàu qua lại. Với tần suất tàu chạy như vậy nhất là vào ban đêm, cuộc sống bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi. Khói bụi và tiếng ồn là những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất tới cuộc sống của nhiều người dân, nhất là người già và trẻ nhỏ. Hơn nữa một số nhà dân được xây dựng không chắc chắn, khi tàu chạy bị rung lắc khó chịu.
Người dân nghỉ ngơi ngay trên đường tàu. |
Bên cạnh đó, việc thiếu nước sinh hoạt luôn là vấn đề thường trực, thậm chí họ còn không dám xây nhà vệ sinh vì công tác quy hoạch từ năm 1993 tới nay. Không chỉ có khói bụi và tiếng ồn, một số người đi tàu thiếu ý thức ném chất thải, xú uế xuống đường tàu khiến mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ông Trần Duy Trức (khu dân cư số 3, đường Điện Biên Phủ) cho biết: “Đêm đến, nhiều khi đang ngủ phải tỉnh dậy vì tiếng ồn, còn sáng ra thì phải đi dọn vệ sinh, “hậu quả” của việc vô ý thức của người đi tàu”.
Việc đi lại của người dân ở đây hết sức khó khăn khi phải di chuyển trên đường tàu. Thậm chí nhiều người dân sống quanh khu vực coi nó như phố đi bộ vì ô tô thì không thể vào còn xe máy thì phải dắt. Việc để xe máy gần đường tàu rất có thể bị tàu cuốn. Tình trạng trộm cắp và nghiện hút thường xảy ra do đoạn đường vắng vẻ...
Bên cạnh những người dân sống lâu năm ở đây, còn có những người đến đây thuê nhà trọ để ở và buôn bán quanh đường tàu. Với giá thuê từ 1 - 2 triệu đồng, nhiều căn nhà ở đây được người lao động thuê ở chung, sống bằng nghề buôn ve chai với mức khoảng 100.000 đồng/ngày. Lao động vất vả như vậy nhưng nguy hiểm thì luôn rình rập. Chị Trần Thị Thảo (khu dân cư số 5, phường Cửa Đông) một người buôn ve chai ở đường tàu cho biết: “Hàng ngày chúng tôi bầy sắt vụ và vỏ lon bia, nước ngọt ra đường tàu phân loại. Biết là nguy hiểm đấy nhưng vẫn phải làm. Trước đây mới đến thì chưa nắm rõ giờ tàu, nay biết thời gian tàu chạy rồi nên cứ bày la liệt nhiều thứ, miễn là thu gọn trước giờ tàu vài phút”.
Được biết những căn nhà ở đây có giá từ 300 triệu đồng đến hơn 1 tỷ đồng nhưng khó khăn là không có sổ đỏ. Năm 2013 thành phố có quyết định di dời nhưng sau đó lại tạm dừng khiến nhiều hộ dân không dám sửa sang nhà cửa và đành chọn phương án cho thuê với giá rẻ. Chị Nguyễn Thị Thanh (khu vực dân cư số 4, đường Trần Phú) một người sống lâu năm cho biết: “Tôi về làm dâu ở đây đã hơn chục năm, khói bụi và ô nhiễm nhưng vẫn chịu đựng vậy thôi”.
Sống chung với... đường sắt
Theo một số người dân sinh sống ở đây cho biết, vào năm 1979 đã xảy ra vụ tai nạn đường sắt nghiêm trọng khi 2 chuyến tàu đâm nhau khiến nhiều người thiệt mạng, hay vụ tai nạn xảy ra cách đây hơn chục năm do một người dân đuổi theo con chó gia đình nuôi đúng lúc tàu chạy khiến cho tai nạn thương tâm xảy ra.
Khi được hỏi về vấn đề an toàn trong sinh sống ở khu vực đường sắt nhiều người dân cho hay khi còn nhỏ, trẻ em ở đây đã ý thức với việc an toàn và thuộc giờ tàu như bảng cửu chương nên không có chuyện nguy hiểm và ví von rằng sống chung với đường sắt cũng như sống chung với lũ. Nguy hiểm có thể đến bất ngờ, nhưng họ vẫn phải bám trụ vì không còn cách nào khác.
Anh Adam Armstrong, tác giả của đoạn phim ngắn về cuộc sống của người dân ngay cạnh đường tàu tại Hà Nội nói: “Tôi cứ nghĩ rằng chỉ có khu chợ thực phẩm ở Thái Lan là nơi duy nhất trên thế giới này mà người dân phải giáp mặt với tàu hỏa hàng ngày. Nhưng hóa ra, đó không phải là nơi có một không hai mà khi đến Việt Nam, tôi cũng bắt gặp điều tương tự như thế”.
Mặc dù cuộc sông gần đường sắt gặp phải nhiều khó khăn và nguy hiểm luôn rình rập nhưng những con người ở đây vẫn cố sinh sống qua nhiều thế hệ vì khó thay đổi hoàn cảnh. Vì vậy cần có sự chung tay các cấp một cách mạnh mẽ hơn để giải quyết khó khăn phần nào giúp người dân ổn định cuộc sống.
Bài và ảnh: Tuấn Anh