Kẹt xe kinh hoàng trên đường Huỳnh Tân Phát (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN phát |
Khu vực ngã tư An Sương (cửa ngõ phía Tây) trong giờ cao điểm vào những ngày thường vẫn hay ùn tắc giao thông kéo dài. Hiện tại, do đang triển khai dự án hầm chui An Sương nên giao thông tại khu vực này lâm vào cảnh tắc nghẽn nghiêm trọng. Xe tải, xe container, xe ô tô xếp hàng dài, chiều lưu thông từ quốc lộ 22 hướng Campuchia qua cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, huyện Củ Chi và Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh đổ về ngã tư An Sương để ra quốc lộ 1 đi ra các tỉnh phía Bắc hoặc về các tỉnh miền Tây.
Tại cửa ngõ phía Đông (quận Thủ Đức, quận 9, quận 2), tình hình giao thông cuối năm cũng không mấy “sáng sủa”. Đây là khu vực phát triển rầm rộ các dự án nhà ở nên tập trung đông dân cư, gia tăng áp lực lên tuyến đường Xa lộ Hà Nội, Mai Chí Thọ để vào trung tâm quận 1. Hàng ngày, những tuyến đường này đang gánh hàng chục nghìn lượt xe tải, xe container từ cảng Cát Lái về Khu công nghệ cao quận 9, Khu chế xuất Linh Trung quận Thủ Đức (và chiều ngược lại)…
Theo ghi nhận của phóng viên, ùn ứ kéo dài vẫn tiếp diễn hàng ngày vào giờ cao điểm buổi sáng từ 7h30 đến 9h và vào buổi chiều từ 17h đến 19h tại khu vực cầu vượt Hoàng Hoa Thám, vòng xoay Lăng Cha Cả, mũi tàu Âu Cơ - Trường Chinh, công viên Hoàng Văn Thụ (đoạn trước Quân khu 7), khu vực chợ Cầu giao lộ Quang Trung - Phan Huy Ích, Quang Trung - Nguyễn Văn Quá, cầu Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương… Tại nhiều tuyến đường tập trung nhiều khu công nghiệp, cơ sở sản xuất như quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân, Gò Vấp thường xuyên có nhiều xe tải nhỏ, gây ùn tắc kéo dài, đặc biệt trước cổng Khu công nghiệp Tân Bình, đường Tân Kỳ Tân Quý, tỉnh lộ 10.
Gần đây, tại trung tâm thành phố, khu vực hầm sông Sài Gòn gia tăng đột biến lưu lượng phương tiện từ quận 2 qua quận 1 và ngược lại. Vào giờ cao điểm buổi chiều, hoặc khi xảy ra sự cố là giao thông qua hầm lại bị ùn tắc nghiêm trọng, nhất là phía đầu hầm quận 1. Theo Sở Giao thông Vận tải thành phố, trung bình mỗi ngày có gần 44.000 lượt xe ôtô và 230.000 lượt xe máy qua hầm sông Sài Gòn. Tính đến tháng 11/2017 đã có hơn 14,6 triệu lượt ô tô và 66 triệu lượt xe máy qua lại; tăng gần 3 triệu lượt ôtô và tăng 9 triệu lượt xe máy so với cùng kỳ năm 2016.
Đánh giá về tình hình giao thông, ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh cho biết, giao thông thành phố tiếp tục diễn biến phức tạp, tình trạng kẹt xe xảy ra vào giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường hướng tâm của thành phố, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái, cửa ngõ thành phố như Xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1…
Đến nay tình hình ùn tắc tại 37 điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông đã được cải thiện; trong đó, có 4 điểm được xoá gồm Xa lộ Hà Nội - Thảo Điền - Quốc Hương, đường Lã Xuân Oai (từ cầu Tăng Long đến ngã ba Lò Lu), đường Quang Trung - khu vực chợ Hóc Môn, khu vực cầu Ông Thìn. Trong 33 điểm còn lại có 5 điểm ít chuyển biến, 7 điểm có tình hình giao thông phức tạp. Ngoài 37 điểm nêu trên, thực tế phát sinh thêm 2 điểm có tình hình giao thông phức tạp gồm đường Dương Bá Trạc và quốc lộ 1 - đoạn cầu Bình Điền.
Trong thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã triển khai và đưa vào sử dụng nhiều cầu vượt bằng thép với vốn đầu tư ngân sách hàng nghìn tỷ đồng nhằm giải quyết ùn tắc cục bộ tại các giao lộ như ngã tư Hàng Xanh, ngã tư Thủ Đức, cầu vượt Hoàng Hoa Thám, cầu vượt Nguyễn Tri Phương… Mặc dù đã góp phần giảm ùn tắc cục bộ vào giờ cao điểm, nhưng “tác dụng” của những dự án này không theo kịp tốc độ gia tăng dân số và sử dụng phương tiện cá nhân, nên một số cầu vượt đang trở nên quá tải.
Kẹt xe xung quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Lê Anh
|
Theo ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh, trong năm 2017, thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 6 công trình cầu vượt gồm cầu vượt tại nút giao quốc lộ 1 - Nguyễn Thị Tú - Lê Trọng Tấn, cầu vượt thép tại nút giao Trường Sơn - đường nối dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài, cầu vượt thép tại nút giao Nguyễn Thái Sơn - Nguyễn Kiệm, cầu vượt thép tại nút giao ngã sáu Gò Vấp, nhánh cầu kết nối cầu Nguyễn Văn Cừ và đường Võ Văn Kiệt, nhánh cầu kết nối cầu Nguyễn Tri Phương và đường Võ Văn Kiệt.
Về tổng thể, các cầu vượt nêu trên sau khi đưa vào sử dụng đã phát huy rõ rệt hiệu quả và giảm ùn tắc giao thông tại khu vực nút giao. Tuy nhiên, do số lượng phương tiện giao thông cá nhân ngày càng tăng, tốc độ thoát xe qua nút giao tăng lên dẫn đến tình trạng ùn ứ giao thông xuất hiện ở các nút giao kế cận. Cụ thể, dòng xe trên đường Phạm Ngũ Lão thoát nhanh về đường Nguyễn Oanh làm gia tăng tình trạng ùn ứ tại giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị vào giờ cao điểm chiều. Dòng xe trên đường Quang Trung và đường Nguyễn Kiệm thoát nhanh qua nút giao gây ùn ứ tại các giao lộ trên đường Hoàng Minh Giám vào giờ cao điểm sáng.
Đối với cầu vượt trên đường Trường Sơn, do giảm bớt các giao cắt nên lượng xe từ hướng quận Gò Vấp di chuyển nhanh về đường Trường Sơn, đường Hoàng Văn Thụ, đường Cộng Hòa... đã gây ùn ứ giao thông khu vực công viên Hoàng Văn Thụ và vòng xoay Lăng Cha Cả.