Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm là lại đến mùa vỡ hụi, hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh trắng tay, có người còn tự vẫn vì chơi hụi. Bài học vỡ hụi hằng năm lúc nào cũng là quá đắt, nhưng rồi vì mờ mắt trước những lãi suất khủng của chủ hụi đưa ra mà người dân vẫn cắm đầu lao vào. Để rồi cuối cùng chuốc lấy nỗi ê chề mang tên “vỡ hụi”.
Từ hụi chợ đen đến hụi “cán bộ”
Trong thời gian vừa qua, đặc biệt là đợt cao điểm cuối năm 2013, liên tiếp những vụ vỡ hụi tiền tỷ xảy ra làm hàng ngàn người điêu đứng, nhiều gia đình kiệt quệ lâm vào cảnh nợ nần chồng chất, thậm chí có người đã đột quỵ, tự vẫn khi không thể đòi lại số tiền đóng vào các đường dây hụi này.
Người dân vỡ hụi tại TP Hội An trình bày với phóng viên. |
Điển hình gần đây là vụ vỡ hụi mà nạn nhân là một cán bộ nhà nước tại huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) là chị Hứa Thị Thu Phượng (cán bộ văn phòng UBND huyện Duy Xuyên, vợ Viện phó Viện KSND huyện Duy Xuyên) “tố” bị các đối tượng Trần Thị Quỳnh Nga, Nguyễn Thị Hồng Minh, Trần Thị Lệ Thủy (cùng địa phương nhưng cả 3 đã bỏ trốn) lừa gạt hơn 29 tỷ đồng. Số tiền đó chị Phượng cũng gom góp, vay mượn và huy động từ nhiều người thân và bạn bè mới có được để gửi cho các đối tượng nhằm hưởng lãi suất chênh lệnh. Tuy nhiên khi có tiền, đến ngày trả nợ, những đối tượng trên đã cao chạy xa bay. Trong khi vụ việc này đang còn trong quá trình điều tra, thì tại TP Hội An, địa điểm cách vụ việc trên chừng 10 km, lại xảy ra một vụ vỡ hụi lớn với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Với chức danh Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại TP Hội An (Quảng Nam), Huỳnh Lê Khánh Vân (36 tuổi, trú tại TP Hội An) đã vay nhiều tỷ đồng của nhiều người. Tuy nhiên đến ngày 9/12/2013, Vân bỗng dưng “biến mất” khiến hàng chục chủ nợ phải gửi đơn đến công an cầu cứu. Theo trình báo của các “khổ chủ”, tổng số tiền Vân vay mượn của họ lên đến hơn 13,5 tỷ đồng.
Cùng thời điểm với vụ vỡ hụi tại Hội An, thì tại Thừa Thiên - Huế cũng xảy ra một vụ vỡ hụi khác cũng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Bi đát hơn, con nợ không có tiền trả nên đã chọn cái chết để giải quyết. Sáng 10/12/2013, nhiều người dân sống tại tổ 14, khu vực 3, phường Phú Hậu (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên-Huế) phát hiện thi thể của chị Thái Thị Thuận (SN 1970, trú tại khu vực trên) tại sân trước của một tòa nhà cao tầng. Trước khi tử vong, chị Thuận là một chủ hụi nhưng do mất khả năng trả nợ cho các hụi viên nên chị Thuận đã đi khỏi nơi cư trú. Ngày 9/11, người dân tham gia chơi hụi trong khu vực đã phát hiện chị Thuận đang lẩn trốn tại thị xã Hương Trà nên bắt giữ, giao cho Công an phường Phú Hậu xử lý. Cơ quan công an đã cho người thân của chị Thuận viết đơn bảo lãnh và yêu cầu chị phải có mặt tại trụ sở Công an phường Phú Hậu vào lúc 8 giờ ngày 10/12 để điều tra làm rõ. Tuy nhiên chưa kịp làm việc với cơ quan công an thì chị Thuận đã tử vong.
Đó chỉ là 3 trong số rất nhiều vụ việc vỡ hụi xảy ra gần đây trong cả nước. Số phận những “chủ nợ” bỗng dưng trắng tay vì chơi hụi đang rất bi đát. Những vụ vỡ hụi đã cuốn đi biết bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả tính mạng con người khiến biết bao gia đình đang yên ấm bỗng rơi vào cảnh tan nát, tình cảm gia đình, hàng xóm phôi phai.
Vì sao thường vỡ hụi vào dịp cuối năm?
Nhà nước ta nghiêm cấm việc tổ chức họ để cho vay nặng lãi, lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm hoặc các hành vi trái pháp luật khác để chiếm đoạt tài sản của người khác. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, cách chơi hụi đã bị biến tướng, bóp méo, dẫn đến cảnh mất mát về người và tài sản xảy ra một cách nghiêm trọng.
Nhiều người chơi hụi đều khẳng định đó là một cách để có vốn làm ăn. Nhưng mọi người đều dần bị cuốn hút theo những khoản lãi suất “siêu khủng”. Sự nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết trước cám dỗ của đồng tiền… khiến nhiều người mờ mắt tự nguyện mang tiền đến góp mà không có bất kỳ một loại giấy tờ nào, hoặc có cũng chỉ là những tấm giấy viết tay vô giá trị về mặt pháp lý. Nhiều gia đình chồng giấu vợ, vợ trốn chồng lặng lẽ cắm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thế chấp nhà cửa, vay nợ từ nhiều nguồn vốn khác nhau để dồn tiền dây hụi để hưởng lãi suất hàng tháng. Sau khi lấy được tiền một cách dễ dàng, họ mua sắm đồ dùng gia đình, cờ bạc lô đề, dẫn đến các tổ phường hụi vỡ tan tành. Chi tiêu một cách vô bổ bằng tiền của người khác, cho đến khi không còn khả năng trả lại tiền cho những người đã nộp trước được nữa, thì các đối tượng này tìm cách thoái thác, bỏ trốn, thậm chí phải tự vẫn. Còn những chủ hụi có “âm mưu” lừa đảo, thường có toan tính từ trước. Ban đầu họ cố tình phô trương tiềm lực kinh tế để các hụi viên tin tưởng. Khi đã có được sự tin tưởng của các hụi viên, họ gom tiền bỏ trốn.
Một điều đáng chú ý là thường vào dịp cuối năm, các “hụi viên” lúc này mới hốt hụi để trả nợ, lo sắm sửa cho gia đình và làm nhiều việc khác, cần tiền mới tìm đến chủ hụi thì chủ hụi đã bỏ trốn. Có chủ hụi “trốn không kịp” thì tuyên bố vỡ nợ không có khả năng chi trả. Đó là lý do vì sao vào thời điểm cuối năm, tình trạng vỡ hụi lại rộ lên hơn bao giờ hết. Cuối cùng những giọt nước mắt đắng cay đổ dồn hết về những người cho vay.
Bài và ảnh: Gia Ly