Cuộn cờ vào lồng ngực

Họ là những người thuyền trưởng của những con tàu đánh cá trên đảo Lý Sơn, trong số đó người nhiều tuổi nhất khoảng 50 - 60 tuổi, người trẻ nhất chưa đầy 30 tuổi. Nhưng dù già, hay trẻ, họ đều là những tấm gương dũng cảm, không chịu lùi bước trước những khó khăn... Với họ, vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa là nơi mưu sinh, gắn bó máu thịt từ đời này sang đời khác, thân thiết và gần gũi. Họ chính là cột mốc sống chủ quyền trên biển. Họ xứng đáng là những người anh hùng...

Chúng tôi gặp thuyền trưởng Bùi Văn Phải ở bến tàu An Hải trên đảo Lý Sơn, chỉ một tiếng đồng hồ, trước khi anh cùng các thủy thủ của mình ra khơi, tiếp tục đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa, ngư trường quen thuộc của ngư dân Lý Sơn từ bao đời nay.

Thuyền trưởng Bùi Văn Phải.


Dáng người đậm đà, gương mặt đen sạm vì nắng và gió biển nhưng không làm mất đi vẻ chất phác, thuần hậu của một ngư dân vùng biển. Với đôi mắt sáng toát lên vẻ quyết đoán, mạnh mẽ cần có của một người chỉ huy con tàu. Bằng những mệnh lệnh dứt khoát, thuyền trưởng Bùi Văn Phải chỉ đạo các thuyền viên của mình chuẩn bị đầy đủ đồ dùng, lương thực cần thiết cho chuyến đi biển khoảng 1 tháng tới.

Giữa trưa nắng chang chang, những chiếc xe ba bánh chở đồ nối đuôi nhau xuống khu neo đậu của con tàu Ước Vọng. Nào là những thùng xốp đựng đá, nào là mì tôm, rau, nước ngọt... từng kiện hàng được các thủy thủ bốc từ chiếc xe kéo, chất lên chiếc thuyền thúng chở ra con tàu Ước Vọng QNg... con tàu mà Nghiệp đoàn nghề cá An Hải vừa giao cho anh Bùi Văn Phải quản lý và cùng các ngư dân đi đánh bắt cá trên ngư trường Hoàng Sa, Trường Sa.

Chỉ tay vào người thuyền trưởng trẻ tuổi, ông Mai Văn Sơn, Chủ tịch xã An Hải vui vẻ khoe: “Niềm tự hào của xã An Hải đấy. Đây chính là thuyền trưởng của con tàu bị tàu Trung Quốc bắn cháy hồi tháng 3/2013. Giữa lúc nguy hiểm nhất, anh ấy vẫn cố leo lên nóc tàu lấy lá cờ Tổ quốc cuộn vào trong ngực để cờ không bị cháy...

Nhắc đến câu chuyện tàu bị bắn trước đây, thuyền trưởng Bùi Văn Phải kể: “Ngày 20/3/2013, tôi đang cùng với các anh em thủy thủ trên chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 962 đang đánh bắt hải sâm ở khu vực ngư trường thuộc quần đảo Hoàng Sa, một tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 786 tuần tra Trung Quốc đuổi theo và nổ súng vào cabin tàu. Khi thấy khói lửa bốc lên từ phía sau rồi bén vào khoang lái, tôi và anh Phạm Quang Thạnh hô lớn để anh em chạy ra cứu hỏa. Anh em bên dưới tiếp nước biển lên, tôi và anh Thạnh nhảy vào dội nước, lôi đồ đạc ra ngoài...”.

Thuyền trưởng Bùi Văn Phải cho biết, khi ấy trên nóc cabin có 4 bình gas để nấu ăn, trong đó 2 bình còn đầy gas, biết là rất nguy hiểm vì gas có thể phát nổ bất cứ lúc nào, nhưng anh vẫn xông lên cabin xối nước vào đám cháy. Và rồi, trong khói lửa vây quanh, thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã cuộn lấy lá cờ Tổ quốc treo trên nóc cabin cất vào trong ngực áo để không bị cháy. Sau khi dập tắt được lửa, tay chân anh Phải và anh Thạnh cháy sém, nhưng lá cờ chỉ bị thủng vài lỗ nhỏ và lại được anh Phải cắm trên nóc cabin chỉ còn trơ lại bộ khung ngay sau đó.

Chuẩn bị đồ ăn, thức uống ra tàu.


Hỏi thuyền trưởng Bùi Văn Phải, tại sao trong lúc nguy hiểm thế mà anh vẫn lao vào cứu cờ. Anh quả quyết nói: “Anh em ngư dân chúng tôi mỗi lần ra biển đều tâm niệm rằng, lá cờ Tổ quốc là hồn thiêng của đất nước, của dân tộc nên phải phải luôn ở nóc tàu để khẳng định chủ quyền biển đảo và đúng với quy định quốc tế. Chính vì vậy mà dù tàu bị cháy, nhưng tôi quyết không để cờ cháy”.

Hành động dũng cảm ấy của thuyền trưởng Bùi Văn Phải đã được Trung ương Đoàn trao huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm”. Còn lá cờ anh cứu hôm ấy cũng đã đi vào lịch sử, hiện đang nằm trong Bảo tàng Tuổi trẻ Việt Nam.

Khi được hỏi, ra biển hay bị tàu Trung Quốc bắn phá, quấy nhiễu nhiều lần như vậy, anh có lúc nào ngần ngại không? Anh Phải khẳng định: “Vùng biển Hoàng sa, Trường Sa là của Việt Nam, là do cha ông ta đã đổ bao xương máu để đi ra cắm mốc chủ quyền từ bao đời nay, chúng tôi là con cháu thì có quyền đi đánh bắt cá ở đó. Chúng tôi sẽ tiếp tục đi đánh bắt, khai thác cá ở ngư trường này, quyết không bỏ cuộc, vừa để kiếm kế sinh nhai, vừa giữ biển đảo của cha ông. Mình còn trẻ, còn sức khỏe thì còn tiếp tục ra biển, khó mấy cũng sẽ không lùi bước...”. Quyết tâm của Bùi Văn Phải cũng chính là quyết tâm chung của hơn chục thuyền viên trẻ tuổi trên tàu lần này.

Qua câu chuyện với anh, chúng tôi được biết, thuyền trưởng Bùi Văn Phải là anh cả trong gia đình có 3 anh em ở xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn). Cha anh là một ngư phủ nổi tiếng, không may bị bệnh mất sớm, nên anh phải bỏ học để gánh vác việc gia đình, nuôi các em ăn học. 13 tuổi, Bùi Văn Phải đã theo các chú, các bác lên tàu ra khơi và đến nay, tuy mới 26 tuổi, nhưng anh đã là một thuyền trưởng đầy kinh nghiệm và dũng cảm.

Đúng 13 giờ 5 phút, con tàu kéo buồm ra khơi. Chia tay những thủy thủ trẻ dũng cảm trên con tàu Ước Vọng... các thành viên trong đoàn chúng tôi đều chúc, mong sao cho chuyến đi biển này của các anh gặp nhiều may mắn, khi trở về cá nặng đầy khoang.



Phương Lan

50 năm trên ngư trường Hoàng Sa
50 năm trên ngư trường Hoàng Sa

Đi biển từ năm 16 - 17 tuổi, đến nay đã ngót 60 tuổi, mấy chục năm trời bám biển mưu sinh, thuyền trưởng Lê Tân (xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn) nổi tiếng là một trong những thuyền trường kỳ cựu và kiên cường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN