Cựu chiến binh kể chuyện bắt sống Dương Văn Minh

40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước nhưng ông Bàng Nguyên Thất, nguyên hạ sĩ, chiến sĩ thông tin Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2, vẫn nhớ rất rõ giờ phút bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng toàn bộ nội các chính quyền Sài Gòn vào trưa 30/4/1975.

Trận đánh đầu đời

Lúc 18 tuổi, khi đang làm việc tại Đội sửa chữa nhà cửa khu Đống Đa (Hà Nội), ông Bàng Nguyên Thất được tuyển quân, bổ sung vào chiến trường miền Nam. Cuối năm 1973, Trung đoàn Bộ binh 66 của ông nhận lệnh vào Quảng Đà (nay là Quảng Nam) để đánh chiếm căn cứ Thượng Đức và đó là trận đánh đầu tiên chiến sĩ Bàng Nguyên Thất được tham gia. Nằm ở ngã ba sông Vu Gia và sông Thu Bồn, nơi này được mệnh danh là Mắt ngọc đầu Rồng, là cánh cửa thép phía Tây bảo vệ Đà Nẵng. Chính vì thế, địch kiểm soát căn cứ này rất chặt chẽ, gây khó khăn trong việc vận chuyển đường sông, đường bộ của lực lượng ta.

Chiến sĩ Bàng Nguyên Thất (bên trái) cùng cán bộ chiến sĩ Trung đoàn Bộ binh 66, Sư đoàn 304, Quân đoàn 2 bắt sống Tổng thống Dương Văn Minh.


Để chuẩn bị đánh chiếm căn cứ này, Trung đoàn Bộ binh 66 phải tải lương thực, thực phẩm đảm bảo dùng trong mấy tháng liền bởi xác định có thể lâu dài. Công tác trinh sát cũng phải kéo dài vài tháng trời để chuẩn bị tốt kế hoạch tác chiến. Đúng ngày 29/7/1974, lực lượng của ta được lệnh nổ súng vào căn cứ Thượng Đức. Nhưng căn cứ này được xây dựng bằng bê tông cốt thép, pháo nã vào tới hàng giờ đồng hồ mà vẫn còn nguyên. Sau đó, trận đánh dừng lại, bộ đội ta tiếp tục trinh sát, ngày 7/8/1974 tiếp tục tấn công lần thứ hai thì giải phóng được Thượng Đức. Sau khi mất Thượng Đức, chính quyền ngụy quyền cay cú huy động sư đoàn dù, lực lượng tinh nhuệ của địch lúc bấy giờ, bay ra Thượng Đức hòng tái chiếm. Đồng thời địch dùng máy bay A37 ném bom, dùng pháo dàn bắn cấp tập để hỗ trợ nhưng càng lún sâu, chúng càng thất bại.

Giờ phút lịch sử

Sau khi nhận được lệnh vào chiến dịch Hồ Chí Minh, ngày 26/4/1975, tại rừng cao su Long Khánh, Bộ Tư lệnh Sư đoàn 304 triển khai nhiệm vụ tới từng đơn vị. Kể đến đây, tinh thần người cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất như sống lại thời khắc đó. Giọng ông hào hứng, gương mặt rạng rỡ.

Ông Bàng Nguyên Thất (trái) cùng đồng đội thăm lại chiến trường Quảng Trị.


Rạng sáng ngày 30/4/1975, Trung đoàn 66 có xe tăng của Lữ đoàn 203 phối thuộc cùng bộ binh hành tiến ra ngã ba đường quốc lộ 15 từ Vũng Tàu tiến về Sài Gòn. Đến đầu cầu Sài Gòn, lực lượng ta gặp 2 xe tăng M48 của địch dàn hàng ngang bắn trả. Đồng thời, ở dưới sông Sài Gòn, một số tàu chiến bắn lên gây khó khăn cho đoàn xe của quân giải phóng. Bộ đội ta phải dừng lại để bộ binh xuống triển khai chiến đấu.Trung đoàn trưởng Nguyễn Sơn Văn đi trên xe Zeep (một chiến lợi phẩm khi vào giải phóng Đà Nẵng) cùng lái xe Đào Ngọc Vân, trợ lý tham mưu Nguyễn Khắc Nhu, trợ lý chính trị Phùng Bá Đang, chiến sĩ truyền đạt Nguyễn Huy Hoàng, chiến sĩ thông tin Bàng Nguyên Thất. Lúc này mọi người xuống xe, nhận lệnh của đồng chí Văn, các đơn vị pháo DKZ và cối 82 bắn vào tàu chiến dưới sông Sài Gòn. Còn lực lượng bộ binh dùng súng B40 - B41 tiêu diệt hai chiếc xe tăng đầu cầu Sài Gòn. Sau khi bắn cháy hai xe tăng, đồng chí Văn lệnh cho Phó Trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ lên xe Zeep chỉ huy đoàn xe tiến lên phía trước.

Như đang sống lại giờ phút đó, ông Bàng Nguyên Thất sôi nổi: Khi xe đến ngã tư Hàng Xanh, do không thạo đường nên phải dừng lại hỏi đường đến Dinh Độc lập. Một cụ già trong nhà ngó ra, tay cầm lá cờ giải phóng nói rằng: “Chỉ đường, các anh khó đi lắm, cho tôi lên xe để tôi dẫn đi”. Sau khi xin ý kiến chỉ huy, lực lượng ta đồng ý cho cụ lên xe đầu chỉ đường. Đến đầu cầu Thị Nghè, có lực lượng phòng ngự dùng thùng phi, bao cát án ngữ tấn công, xe tăng phải bắn trả và đi tiếp. “Từ xa nhìn thấy Dinh Độc lập chúng tôi phấn khởi lắm nhưng luôn cảnh giác cao độ”, ông Bàng Nguyên Thất nói.

Khi tiến vào sảnh Dinh, lực lượng ta gặp Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh, phụ tá cho Tổng thống Dương Văn Minh ở lầu 1. Người này nói: “Tổng thống cùng Thủ tướng và toàn bộ nội các đang chờ các ông vào để bàn giao”. Được yêu cầu dẫn lên bắt toàn bộ nội các chính quyền ngụy quyền ở lầu 2 thì lực lượng ta gặp Tổng thống Dương Văn Minh đang đứng sẵn ở đó. Ông Nguyễn Hữu Hạnh giới thiệu: “Báo cáo cấp chỉ huy, đây là Tổng thống Dương Văn Minh và Thủ tướng Vũ Văn Mẫu cùng toàn bộ nội các, đang chờ các ngài vào để bàn giao”. Sau lời giới thiệu, Tổng thống Dương Văn Minh định bắt tay Phó Trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ nhưng Phạm Xuân Thệ gạt tay và dõng dạc tuyên bố: “Các ông bị bắt làm tù binh và đầu hàng vô điều kiện quân giải phóng, không có gì phải bàn giao cả”.

Phó Trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ yêu cầu Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng trên hệ thống phát thanh cả nước.”Mục đích để những nơi chưa được giải phóng thì đồng bào, chiến sĩ không còn đổ xương máu nữa”, ông Bàng Nguyên Thất chia sẻ. Nhưng do quân ta tiến vào đông, địch bỏ chạy nên khi điện ra Đài phát thanh không nối được liên lạc. Vì vậy, quân giải phóng áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu ra Đài phát thanh tuyên bố đầu hàng. Lo sợ không an toàn tính mạng, Tổng thống Dương Văn Minh yêu cầu được đi xe của ông ta nhưng quân giải phóng không chấp thuận, yêu cầu đi bằng xe Zeep. Hàng trên có lái xe, Tổng thống Dương Văn Minh rồi đến Phó Trung đoàn trưởng Phạm Xuân Thệ ngoài cùng bên phải. Hàng sau có Thủ tướng Vũ Văn Mẫu ngồi giữa, trợ lý tham mưu Nguyễn Khắc Nhu ngồi ngoài cùng bên trái, trợ lý chính trị Phùng Bá Đang bên phải. Đứng bám ở bậc xe bên phải là ông Nguyễn Huy Hùng, bám bên trái là ông Bàng Nguyên Thất. Xe Zeep chạy phía trước, phía sau có 2 xe chở bộ binh đi bảo vệ.

Đến Đài phát thanh, Tiểu đoàn 8 thuộc Trung đoàn 66 đã làm chủ và bảo vệ Đài phát thanh an toàn. “Khi tuyên bố trên Đài phát thanh xong, mọi người mừng rơi nước mắt trước giây phút thiêng liêng ấy”, ông Bàng Nguyên Thất cho biết.

Lực lượng giải phóng tiếp tục áp giải Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu về Dinh Độc lập và bàn giao cho cấp trên. Trung đoàn Bộ binh 66 sau đó được lệnh chuyển quân từ Thành phố Hồ Chí Minh để vào Lâm Đồng truy quét Phun rô đến hết năm 1976 thì hoàn thành nhiệm vụ.

Giờ đây, về với cuộc sống đời thường nhưng cựu chiến binh Bàng Nguyên Thất vẫn vẹn nguyên ký ức về những ngày tháng hào hùng trong chiến dịch giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước mà ông vinh dự được đóng góp công sức. Năm 2014, ông đã hoàn thành hồ sơ đề nghị Nhà nước công nhận Anh hùng Lực lượng vũ trang nộp lên Sư đoàn 304, đang chờ xét duyệt.

Đinh Thị Thuận
Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam và tình cảm của Calcutta
Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam và tình cảm của Calcutta

Từ năm 1945-1975, hàng nghìn người Calcutta (Ấn Độ) đã xuống đường biểu tình phản đối các thế lực ngoại xâm và ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN