Ký ức Côn Đảo ngày giải phóng

LTS: Tòa soạn báo Tin Tức nhận được bài viết của nhà báo Đoàn Tử Diễn về ngày Côn Đảo giải phóng cách nay tròn 40 năm. Bên cạnh bài viết dựa theo cuốn nhật ký chiến trường, chúng tôi xin giới thiệu một trong gần 100 bức ảnh giải phóng Vũng Tàu - Côn Đảo lần đầu tiên được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng.

Đơn vị có nhiệm vụ giải phóng Côn Đảo xuất quân vào chiều ngày 2 (hay ngày 3) tháng 5 tại Vũng Tàu, chia làm hai đợt. Đi trước là bộ phận trinh sát, sau đó là 3 đại đội của tiểu đoàn 6 do tiểu đoàn phó Lê Anh Kiên chỉ huy.

Đơn vị sư đoàn 3 tiến vào Côn Đảo.



Nhìn đồng hồ, gần 2 giờ sáng. Tàu chạy chậm dần. Lê Anh Kiên nhận lệnh xuống xuồng con, cùng lính trinh sát, lặng lẽ tìm đường vào đảo.

Chờ đợi, lo âu. Chừng nửa giờ sau bỗng có tiếng nổ kéo theo vạt sáng lên bầu trời đêm. Ồ, pháo hoa. Tiếp theo sau có thêm bốn lần bầu trời lóe sáng. Từ tàu pháo tín hiệu đáp lại. Liên lạc đã nối được với đảo.

Có lẽ đã 4 giờ sáng. Chúng tôi đón đại diện của đảo trên tàu. Anh Lê Câu, anh Lãnh, anh Nam, thay mặt lãnh đạo đảo, gặp gỡ, chào mừng quân Giải phóng. Các anh cho biết, đảo đã tự giải phóng vào ngày 1/5. Các trại tổ chức tự vệ, sẵn sàng chiến đấu. Đêm đến tuần tra cảnh giới. Đang cho tìm bắt Chín Khương, chúa đảo khét tiếng ác ôn. Anh em nóng lòng chờ lệnh từ đất liền.

7 giờ sáng chúng tôi đặt chân lên đảo. Trước mặt là Dinh Chúa đảo. Trước cầu Đá là một hàng phượng xanh, hoa đỏ rực. Xa về phía tay phải là hàng phi lao.

Anh em tù nhân mặc quần áo bà ba đen, cài dải đỏ trước ngực. Cảm động, ngỡ ngàng, nhìn bộ đội, rơm rớm nước mắt. Có người khóc to thành tiếng, không sao cầm được, khiến tôi cũng giàn dụa nước mắt theo.

Buổi sáng làm lễ tại Trung tâm đảo, trước Dinh Đặc khu. Các đoàn tù chính trị từ nhiều ngả đổ về, có cờ, có băng rôn. Tất cả đều mặc quần đen, áo đen. Đơn vị Giải phóng có lá cờ “Quyết Thắng” giương cao cùng chân dung Bác Hồ chỉnh tề quận phục tiến thẳng vào Trung tâm hành chính đảo. Trong khi lễ Chiến thắng trang trọng, bỗng dân tình nhốn nháo ngước lên bầu trời. Có tiếng máy bay gầm rú. Chừng bốn năm chiếc phản lực cơ xuất hiện, chao lượn. Địch trở lại phản kích chăng? Nhưng không. Ban chỉ huy thông báo, đó là máy bay của Cách mạng. Tất cả tan biến hoang mang, reo mừng, giương cao lá cờ vẫy chào.

Buổi chiều, chúng tôi vào viếng khu nghĩa trang Hàng Dương. Nhiều nấm mộ không còn hình thù. Ngay sau khi ra khỏi trại giam, anh chị em nhanh chóng sửa sang lại nhiều ngôi mộ. Họ làm một băng rôn nền đỏ, “Tổ quốc ghi công”. Chúng tôi làm lễ mặc niệm, chia nhau đi thăm từng ngôi mộ. Chỉ tiếc là không có hương. Nhiều người chắp tay, kính cẩn. Và cũng có người gạt nước mắt. Ngày rời đảo đang đến dần. Lần cuối cùng vĩnh biệt những người đồng chí mãi mãi ở lại trên hòn đảo ngục tù này. Mộ chị Võ Thị Sáu, một tấm bia bằng đá, nứt một đường chéo. Các chị nói, đây không biết là tấm bia thứ bao nhiêu. Mỗi lần bị đập bỏ, chúng tôi nhanh chóng làm bia mới. Bọn an ninh điều tra, bắt bớ đánh đập. Nhưng không một ai cung khai. Nhiều giám thị, an ninh ác ôn truyền miệng chuyện lạ: “Liệt nữ Võ Thị Sáu” thiêng lắm, làm tới là bị “Bà” vật. Chúng chùn tay.

Không ngờ tù Côn đảo nhiều đến thế. Ở đây tập hợp đủ các địa phương trong cả nước. Thái Bình, Hải Dương, Nghệ An, Hà Tĩnh… Phía Nam có các tỉnh miền Trung, Nam Bộ… Khi tôi kể về miền Bắc, những người Hưng Yên, Thái Bình, Hà Nội… ngồi xích lại gần hơn. Còn khi nhắc đến Bình Định, tôi kể về Tam Quan, Bồng Sơn… tôi kể về Kỳ Thịnh, Bình Dương, Tam Kỳ Quảng Nam….

Ở Côn đảo, theo tôi biết, có 8 trại giam. Khi chúng tôi đến trại 2, trại 3 giam quân phạm (số này khoảng 1.500 người). Còn những trại khác là tù chính trị. Trại 8, giam giữ tù khổ sai. Trại 6 là nữ tù. Trại 1 và 7 là tù cấm cố, biệt phòng. Nước da anh chị em xanh xao, suy kiệt sức lực, phù thũng, trong người họ đang ủ nhiều bệnh tật.

Sau một ngày mệt nhoài quần khắp đảo, trở về chỉ huy sở, tôi ngủ thiếp đi. Đôi khi nghe một vài tiếng AR15 đâu đó ngoài bãi biển. Có lẽ anh em an ninh đang làm nhiệm vụ. Đêm đầu tiên trên đảo, biển đưa gió vào ru cho những người lính mệt mỏi, ngủ vùi sau nhiều ngày chiến dịch không nghỉ.

Ngày hôm sau tôi kiếm được honda, cùng với anh bạn tù người Huế đi một vòng quanh đảo. Từ Trung tâm đi sâu vào sân bay Cỏ Óng, đến núi Chúa, ngược lên đài viễn thông. Tại đây thiết bị hiện đại bậc nhất Đông Nam Á hiện vẫn hoạt động liên tục. Theo một chuyên viên kỹ thuật cho biết, ngừng hoạt động là máy hỏng. Sau đó vào chuồng cọp, trại 1. Một đồng chí tù chính trị, đến nay đã 10 năm trên đảo. Anh đưa cho tôi chiếc còng hình chữ U. Mặt trong, áp vào cổ chân được băm ra như răng cưa. Nếu bị phạt, người tù sẽ bị khóa chân, còng siết lại. Chỉ cần trở mình, ngọ nguậy, những răng cưa nhọn cứng sẽ cứa vào cổ chân. Anh kể đến đó, chỉ vào những vết sẹo bầm đen chưa kịp lành ở cổ chân, mặt anh biến sắc, giận dữ, ném chiếc còng xuống đất. Chỉ cho tôi thấy những chiếc xương sườn bị bẻ gãy, anh đanh gương mặt gầy gò, hai hàm răng đánh vào nhau.

- Nếu không vì chính sách hòa hợp của cách mạng, tôi dám bóp cổ hết chúng. Lũ dã thú.

Chuồng cọp cũ, xây thời Pháp là một dãy nhà đá. Phía trên không có trần, chỉ những thanh sắt bắc ngang qua. Theo anh em kể, chuồng cọp khi mưa, tù nhân ướt suốt mấy ngày đêm. Anh em đấu tranh, từ trên lũ an ninh phun nước vôi xuống. Ồ ạt, rỉ rích. Tù nhân lúc nào cũng nhớp nháp khó chịu. Ai dính nước vôi, da ngứa ngáy, bỏng rộp. Đến năm 1970, do anh em đấu tranh mạnh, chúng bỏ, thay vào một dạng chuồng cọp trá hình. Nhìn bề ngoài, chỉ là căn phòng bình thường. Nhưng vào trong, mỗi phòng chúng xây một xà lim. Diện tích so với xà lim cũ, rộng hơn, nhưng trần thấp và nóng hơn nhiều.

Những ngày đầu ở đảo hết sức lộn xộn. Giám thị, cảnh sát ăn mặc như tù nhân. Cũng mang phù hiệu đỏ trên ngực, cũng mang súng canh phòng. Sang ngày thứ hai, chính thức thành lập chính quyền Quân quản, mọi chuyện thay đổi hẳn. Giám thị, bảo an lũ lượt trình diện.

Tôi đến trại 6 nơi giam giữ nữ tù chính trị. Đã 11 giờ. Trong bữa cơm trưa có anh em hải quân và bộ binh Sư 3. Mâm nào có 2 anh bộ đội trở lên, các chị lôi ra bằng được, “chia” đều cho mâm khác. Những phòng không có bộ đội, họ sang xin. Bên ngoài kéo đi, trong thì cố giữ. Tình thương yêu của các chiến sĩ Côn đảo với bộ đội, thật cảm động. Khó có tình cảm nào ấm áp đến thế giữa những người trước đó mươi phút chưa hề biết nhau. Tôi đã tận hưởng tình yêu từ những người tù chính trị. Ngồi cạnh một chị tên là Ngân, người Sài Gòn, một cô trẻ hơn, người Hoài Châu. Các chị để ý, khi nào tôi vơi thức ăn, lại tiếp thêm. Mà thức ăn có nhiều nhặn gì đâu. Mãi sau, biết “âm mưu” các chị, tôi cảnh giác, ngồi ra xa. Mỗi lần đánh lừa được tôi là các chị cười thích thú. Từ ngày ra đảo tới giờ, lần đầu tôi mới được nếm mấy miếng thịt bò. Đây là chủ trương của Ban Quân quản. Bồi dưỡng để anh chị em có sức, mai mốt về lại đất liền.

Tôi ở lại trại cho tới chiều. Nghe các chị kể nhiều câu chuyện cảm động, nhưng không sao ghi lại được. Các chị lót cho tôi một tấm vải nhàu, dỗ dành tôi gắng ngủ cho đỡ mệt. Nhưng làm sao ngủ được. Mấy chị ở phòng bên kéo đến. Họ muốn được nghe kể về những ngày cuối trước khi Bác qua đời. Khi tôi tạm ngừng kể, uống nước, ngó sang bên chị Ngân, chị Nguyệt. Các chị cúi mặt, lặng lẽ lau nước mặt. Nhìn nhiều chị hoe hoe mắt, nói không rõ lời… thương Bác quá… tôi bỗng nghẹn giọng, hồi lâu mới kể tiếp được. Trước khi rời trại 6, tôi xuống bếp chào chị cấp dưỡng. Chị quê ở Huế thường được gọi là chị Nuôi. Tôi nhớ khi xúc cơm cho tôi, chị nhỏ nhẹ như nói riêng với tôi.

- Chị biết ngoài Bắc còn thiếu thốn lắm. Chúng càng bêu riếu ngoài đó nghèo khổ, các chị càng thương miền Bắc. Mấy em vô đây cũng là vì miền Nam. Không có gì mà miền Bắc không dứt ra để gửi vào miền Nam.

Nghe giọng nói của chị nghẹn lại, tôi ngừng và cơm, nhìn lên khuôn mặt thuần hậu của chị. Nước mắt ước nhòa hai khóe mắt. Lần đầu tiên tôi nghe được một người miền Nam nói tới miền Bắc với một giọng thiệt thà, xúc động đến vậy. Đến khi chị giục “ăn đi em. Cơm còn nhiều lắm”, tôi mới như bừng tỉnh.

Sau chuyến tàu đầu tiên chở khoảng 600 người, phần lớn là tử tù, thương tật, ốm đau, vào ngày, 9/5 chúng tôi trở lại cầu Đá. Ăn qua quýt mấy miếng cơm, kịp về chuyến thứ hai chở chị em phụ nữ. Trong số ra tiễn đông đảo bạn tù ở các trại, bộ đội, còn có 3 cô giáo, con các giám thị. Nhìn 3 cô bịn rịn chia tay các chị, tôi chợt hối tiếc, thấy như mình có lỗi. Cô Tâm hồn nhiên, tươi tắn. Cô Nga dáng cao, da trắng, cười nhiều hơn nói. Còn cô thứ ba tôi chưa kịp biết tên. Mấy ngày đầu tôi cố xa cách các cô giáo, vì nghĩ họ là con giám thị. Các cô mời vào nhà chơi, nhưng tôi cố né. Sau mới hay, gia đình các cô có cảm tình với cách mạng, nơi tin cậy của tù chính trị. Họ thường cung cấp tin tức, nhất là ngày Sài Gòn giải phóng, các cô cùng cơ sở của đảo kịp thời loan tin. Nhưng khi khôi phục được tình cảm của mình, cũng lúc tôi chuẩn bị rời đảo, kịp về dự lễ Chiến thắng ở Sài Gòn. Chợt nghe các cô gọi.

- À, anh Hà. Anh Hà cũng về chuyến này sao?

- Anh Hà có ra đảo nữa không.

- Anh Hà đừng quên lũ chúng em nghen…

Trời chiều, bắt đầu ngả dần màu xám. Lắc rắc vài hạt mưa. Rồi cơn mưa nặng dần lên. Tôi và Huân xuống tàu cuối cùng. Nhìn lại đảo, một màn mưa mở. Trên Cầu Đá, dường như vẫn còn nhiều người đứng nhìn theo con tàu. Những chiếc ô màu đỏ, màu xanh chìm dần trong cơn mưa nặng hạt.

Đoàn Tử Diễn

Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam và tình cảm của Calcutta
Cuộc chiến tranh giải phóng Việt Nam và tình cảm của Calcutta

Từ năm 1945-1975, hàng nghìn người Calcutta (Ấn Độ) đã xuống đường biểu tình phản đối các thế lực ngoại xâm và ủng hộ cuộc chiến tranh chính nghĩa của Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN