Cụ thể, đến 5 giờ sáng ngày 15/10, các quận, huyện trên địa bàn thành phố không có thiệt hại về người. Trong đêm 14, rạng sáng ngày 15/10, các tuyến đường trung tâm các quận, huyện trên địa bàn thành phố đều bị ngập nặng. Thời gian ngập sâu nhất là 22 giờ ngày 14/10, đến nay nước đã rút bớt và chỉ còn ngập tại một số vùng trũng.
Tại quận Hải Châu, các tuyến đường bị ngập nặng, nhiều nhà dân bị nước vào sâu, nặng nhất là các phương Thuận Phước, Thanh Bình.... Các lực lượng chức năng đã hỗ trợ để đưa một số người dân đến nơi cao hơn. Bộ đội Biên phòng đã cắt cử lực lượng giúp dân phường Thuận Phước, phường Thanh Bình để giúp hỗ trợ các hộ dân đang bị ngâp nước. Các quận Sơn Trà, Thanh Khê, Ngũ Hành Sơn cũng bị ngập các tuyến đường chính và nhiều hộ dân, chính quyền sơ tán khẩn cấp hàng trăm hộ dân.
Tại quận Cẩm Lệ, tất cả 6/6 phường đều xảy ra ngập úng, nước sâu từ 0,6m đến trên 1,5m. Tất cả các tuyến đường chính đều bị ngập sâu từ 0,5 m. Tại phường Hòa An (quận Cẩm Lệ) có trên 50% các hộ dân bị ngập (nặng nhất là các khu vực Yên Thế, Bắc Sơn, Tôn Đức Thắng, dọc mương Khe Cạn), có nơi ngập sâu gần 2m; lực lượng chức năng ứng cứu kịp thời 1 trường hợp bị nước cuốn trôi. Tại phường Hòa Phát ngập úng cục bộ sâu 1,5m ở các tổ dân phố 9,22, 46, tổ 44. Tại phường Hòa Thọ Đông ngập úng cục bộ tại tổ dân phố 24, ngập sâu khoảng 1m; vùng rau La Hường hiện đã ngập khoảng 5 ha rau màu.
Theo báo cáo, quận Liên Chiểu gần như ngập hoàn toàn, có chỗ ngập cao nhất gần 2m, thấp nhất 0,5 m. Tại các trục đường chính Hoàng Thị Loan, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng có hàng loạt xe ô tô chết máy, chìm trong nước. Nhiều khu dân cư ngập sâu, nước chảy xiết tại phường Hoà Khánh, phường Hòa Minh; phường Hòa Hiệp Bắc. Quận đã phối hợp với lực lượng quân đội huy động xe đặc chủng và xe múc chuyên dụng để tiếp cận hỗ trợ các phường ứng cứu những khu vực ngập sâu để sơ tán dân đến nơi an toàn. Trong đêm, lực lượng chức năng đã cứu nạn thành công hàng trăm hộ dân tại phường Hòa Khánh Nam, Hoàng Văn Thái, Mẹ Suốt, Phạm Như Xương, Hoàng Minh Thảo (gần đại học Duy Tân); khu vực Hòa Hiệp Nam, Hòa Hiệp Bắc hạ lưu sông Cu Đê; trục đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng…
Huyện Hòa Vang cũng bị ngập cục bộ tất cả tuyến đường trên địa bàn huyện; hầu hết các thôn, xóm bị ngập nặng; đoạn đường quốc lộ 14B ngập sâu từ 1m - 1,5m. UBND huyện Hòa Vang đã sơ tán 627 hộ/1.432 khẩu (tại các xã: Hòa Ninh, Nhơn, Hòa Phú, Hòa Ninh, Hòa Bắc. Hòa Sơn). Xã Hòa Bắc đã tổ chức đưa 58 người làm trong rừng xuống tránh trú ở nơi an toàn.
Sở Công Thương thành phố Đà Nẵng báo cáo nhanh, đã có 2.524 trạm điện bị sự cố do bão số 5, hiện đã khôi phục 1.032 trạm, còn 1.492 trạm chưa khôi phục, khoảng 206.000 khách hàng bị sự cố mất điện. Trong sáng 15/10, các chợ trên địa bàn thành phố kinh doanh, buôn bán bình thường, lượng hàng hóa ổn định.
Theo báo cáo của Công ty Quản lý và Khai thác Hầm Hải Vân, khoảng 20 giờ ngày 14/10, lũ quét đã tràn về khu vực quảng trường phía Nam hầm và phá hủy các hộ lan. Nước lũ dâng cao, chảy mạnh từ phía núi vào hầm nên khoảng 20 giờ 40 phút, lực lượng chức năng đã đóng hầm Hải Vân tạm thời để đảm bảo an toàn cho người và tài sản. Ước tính khối lượng đất đá bị sạt lở trước cửa hầm Nam hầm Hải Vân là khoảng khoảng 12.000 m3. Lực lượng đã tập trung toàn bộ ca trực và tăng cường xe xúc để xử lý thu gom đất đá làn đường dẫn hầm Hải Vân 2 để ưu tiên thông xe. Đến khoảng 6 giờ sáng 15/10, hầm Hải Vân 2 đã cơ bản được thông xe, riêng hầm Hải Vân 1 sẽ mất thêm khoảng 8 tiếng để lưu thông trở lại. Hiện khối lượng đất đá còn lại trên tuyến hầm Hải Vân 1 còn khoảng 8.000 - 10.000 m3.