Chiều 28/5, tại buổi làm việc với các bộ, ngành, UBND thành phố Đà Nẵng liên quan đến kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng về Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã đồng ý với Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch dừng chưa thực hiện quy hoạch này trong 3 tháng để tổ chức các hội nghị, làm việc, tiếp thu ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học liên quan đến lĩnh vực bảo tồn, môi trường.
Nhìn nhận về quyết định này, ngày 29/5, bên lề Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình với việc dừng thực hiện quy hoạch để xem xét lại một cách thấu đáo. Các ý kiến cho rằng, từ trước đến nay, Sơn Trà vẫn được coi là một vị trí đặc biệt về kinh tế, an ninh, quốc phòng, cho nên, kết hợp phát triển kinh tế đến đâu cần phải được xem xét kỹ lưỡng.
Đồng tình với kiến nghị của Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng, theo đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh), cần giữ nguyên hiện trạng (khoảng 300 phòng), không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo Sơn Trà và tiếp tục có kế hoạch đầu tư khác để bảo tồn thiên nhiên trên bán đảo.
“Cách làm này đáng hoan nghênh, thể hiện tinh thần Chính phủ kiến tạo, Chính phủ phục vụ. Vấn đề của Sơn Trà cũng như nhiều nơi khác như: Sơn Đoòng, Cát Bà, Hạ Long hay các vùng miền khác cho thấy quan điểm Chính phủ không hi sinh môi trường cho phát triển kinh tế”, đại biểu Nghĩa nói.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng không chỉ là vấn đề về môi trường mà quy hoạch bán đảo Sơn Trà còn liên quan đến tài nguyên thiên nhiên. Đây là tài sản hết sức quý báu, nếu khai thác và phục vụ lợi ích nhất thời, có thể 5 năm, 10 năm tới sẽ phá hỏng sự nguyên vẹn, sự nguyên sơ độc đáo của bán đảo này; thậm chí, ở góc độ nào đó, sẽ dẫn đến hủy hoại tài sản thiên nhiên.
Cây đa ngàn năm tuổi trên bán đảo Sơn Trà. Ảnh: Văn Sơn/TTXVN |
Đồng quan điểm, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) cho rằng, không nên vì lợi ích của một số ít cá nhân dẫn đến hủy hoại môi trường và không phù hợp tầm nhìn một quốc gia và ý nguyện của dân tộc. Đại biểu đề nghị cần đánh giá quy hoạch Sơn Trà trên bình diện tổng thể; không thể xem xét từng khía cạnh du lịch, quốc phòng, kinh tế. Từ đánh giá tổng thể đó, xem xét bản chất của vấn đề, để có thái độ ứng xử phù hợp.
Theo báo cáo của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà phê duyệt ngày 9/11/2016, được chính thức công bố ngày 15/2/2017 nhưng chưa triển khai trên thực tế.
Trước tháng 5/2013, UBND thành phố Đà Nẵng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 18 dự án phát triển du lịch trên bán đảo Sơn Trà, trong đó có một số dự án đã được cấp phép. Trong số này, 11 dự án có xây dựng cơ sở lưu trú với quy mô khoảng 5.000 phòng. Từ năm 2013 tới nay, UBND thành phố Đà Nẵng không cấp phép thêm dự án nào nữa. Tất cả các dự án trên bán đảo Sơn Trà đều đã được đồng ý về chủ trương và cấp phép trước khi Quy hoạch được lập.
Bản Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Sơn Trà quy định số phòng lưu trú giới hạn ở 1.600 phòng, bằng 1/3 so với các dự án đã được đồng ý chủ trương trước khi Quy hoạch được xây dựng. Sau khi Quy hoạch được công bố, Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng đã có kiến nghị giữ nguyên hiện trạng với số cơ sở lưu trú khoảng 300 phòng, không xây dựng thêm các cơ sở lưu trú trên bán đảo này.