Nỗi ám ảnh giao thông
Khi chúng tôi vừa qua khỏi trụ sở Công ty 78 (thuộc Binh đoàn 15), là một trong 7 thành viên tham gia trồng cao su trên địa bàn thì hành trình gian khổ mới bắt đầu. Cách con đường công vụ của đoàn 709 khoảng 1 km, xe buộc phải dừng lại bởi đường bị lầy. Cố gắng lắm, chúng tôi vượt qua vũng lầy đầu tiên, đi được 2 km đường rừng thì lại tiếp tục gặp lầy. “Điều xe vào cứu viện tiếp thôi”, Nguyễn Hữu Hùng - nhân viên kỹ thuật của Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Duy Tân (Công ty Duy Tân) gọi đồng đội cứu trợ. Khoảng gần 10 phút sau, 1 xe múc và xe ben chở đất đá đến để dọn hiện trường, lấp ổ voi.
Vận chuyển cây cao su giống. |
Hùng là cán bộ do công ty cử túc trực dọc các điểm nóng, cùng 1 xe múc, xe ben cứu viện cho tất cả các phương tiện tham gia lưu thông. Đoạn Hùng phụ trách dù chỉ khoảng 5 km nhưng có không dưới 3 điểm lầy lội. Với Hùng, việc phải điều xe đến “cứu” các phương tiện giao thông là chuyện “thường ngày ở huyện”.
Với công nhân thì xe máy là phương tiện hữu ích nhất nhưng khi gặp những điểm “đen” lớn, cứ 2-3 người lại phải xúm vào giúp nhau vác xe qua vũng lầy. Theo một tài xế phản ánh, bình quân mỗi ngày họ chỉ chở được 1 chuyến với khoảng 4.000 bầu giống để trồng cho khoảng gần 10 ha vì đường quá lầy lội và thời gian bốc cây lâu dù khoảng cách từ vườn ươm đến các tiểu khu trồng chỉ dài khoảng 10 km. Để khắc phục khó khăn, các DN chủ yếu phải dùng xe máy cày chuyên dụng để vận chuyển. Trên mỗi xe, ngoài bác tài thì thường kèm theo 2 người có nhiệm vụ dọn đường, lót đá cho xe qua.
Trong số các doanh nghiệp tham gia trồng vụ mới này, Công ty Duy Tân là bị áp lực lớn nhất với nhiệm vụ khai hoang, ươm giống và trong thời gian gần 2 tháng phải gieo trồng “phủ” kín màu xanh của cao su ở hơn 4.500 ha, một nhiệm vụ mà chưa có một DN nào trên địa bàn Tây Nguyên có thể triển khai được. Để làm được điều này, công ty đã phải khoán gọn từ khâu sản xuất giống, trồng, chăm sóc cho 15 đối tác khác nhau, sẽ nghiệm thu vào cuối năm, công ty chỉ giám sát kỹ thuật. Trong khi đó, Công ty Sâm Ngọc Linh (trồng mới 1.500 ha trong năm nay) thì cứ mỗi 1 tiểu khu phải tự làm 15-20 km đường để vận chuyển.
Hút lao động bằng ưu đãi
Hiện tại, trước nhu cầu lao động ngày một tăng cao, hàng loạt các DN tham gia trồng cao su đang phải đua với thời gian để tuyển lao động. Bên cạnh việc chờ đợi từ sự giúp đỡ của chính quyền, các DN cũng tự thân vận động bằng các kênh riêng, tất cả đều lấy chính sách ưu đãi để hút người lao động, giúp mọi người an tâm làm việc.
Tại Mo Rai hiện nay, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa có gì nên các DN phải tính đến chuyện chăm lo cho các lao động ăn theo, chủ yếu là con trẻ. Theo đó, Công ty Chư Mom Rai đã tiến hành xây dựng 40 nhà tập thể, chuẩn bị xây nhà trẻ, bố trí 2 cán bộ y tế để chăm sóc sức khỏe cho công nhân cũng như sơ cấp cứu ban đầu. Công ty cũng vừa kéo được 1 đường dây điện từ tỉnh Gia Lai vào 1 nông trường của công ty, và trang bị máy nổ, tivi… Với Công ty Duy Tân, cứ mỗi hộ gia đình có con đi học được trợ cấp 300.000 đồng/tháng cùng sự đầu tư ban đầu như các doanh nghiệp khác. Ngoài ra, DN còn hỗ trợ thêm tiền phương tiện vận chuyển, lo xử lý sự cố trên đường cho đối tác nhận trồng khoán với chi phí khoảng 22 triệu đồng/ha khoán, tăng hơn 5 triệu đồng so với khi ký hợp đồng khoán ban đầu nhằm giúp giải quyết khó khăn cho người lao động khi giá đầu tư tăng cao.
Theo ông Nguyễn Hữu Hải - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Kon Tum, với những thành công bước đầu từ việc chuyển đổi rừng nghèo sang trồng cao su, tỉnh Kon Tum cũng đã tính đến phương án mở rộng diện tích này lên 40.000 ha. Đối với người lao động, tỉnh sẽ có những chính sách ưu đãi, nếu cần thiết tỉnh sẽ dành khoảng 5.000 - 7.000 ha để bố trí cho người lao động sản xuất, kể cả bỏ kinh phí để làm. Không thể chỉ đưa dân lên làm thuê đơn thuần, mà phải bố trí cho người lao động có cuộc sống ổn định lâu dài với những ưu đãi thiết thực như nhà ở, đất sản xuất với ít nhất 1 ha cho hộ nghèo để dân có thể trồng cao su. Tỉnh cũng tính đến phương án giao rừng cho dân quản lý để tăng thu. Hiện tại, công tác quy hoạch định hướng đã xong, tỉnh đang làm quy hoạch chi tiết để mở đường, làm giao thông, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội…
Bài và ảnh: Cao Nguyên