Đắk Nông hỗ trợ người dân sinh sống trên lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3

Làng chài trên hồ Thủy điện Đồng Nai 3, tại xã Đắk Som, huyện Đắk Glong (Đắk Nông) có 28 hộ dân đang sinh sống, cư ngụ.

Từ đầu năm 2010, khi nơi đây bắt đầu tích nước làm thủy điện, người dân từ các tỉnh An Giang, Kiên Giang… và Campuchia đến cư ngụ và mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Họ làm các nhà bè trên sông để sinh sống, đánh bắt thủy sản và nuôi cá lồng. Cuộc sống của họ chỉ có ghe, thuyền và sông nước, không được tiếp cận với các dịch vụ thiết yếu đơn thuần. 

Chú thích ảnh
Phần lớn người dân làng chài tại hồ Thủy điện Đồng Nai 3 sống bằng nghề nuôi và đánh bắt cá. Ảnh: TTXVN phát

Thời gian gần đây, do ảnh hưởng dịch COVID-19, lượng thủy sản đánh bắt và chăn nuôi được không có người mua, đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các hộ dân. Chị Nguyễn Thị Nguyệt, sinh năm 1975, rời vùng quê miền Đông Nam bộ đến cư ngụ tại làng chài được 10 năm. Là một trong số 28 hộ dân sống trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3, gia đình chị sống bằng nghề nuôi và đánh bắt cá bán qua ngày.

Chị Nguyệt cho biết, ba năm nay, chị nuôi 4 bè cá thát lát, cho sản lượng khoảng chục tấn cá. Do ảnh hưởng dịch COVID-19, cá đã đến ngày xuất bán, nhưng vẫn không có người mua. Điều này khiến cuộc sống của gia đình chị thêm phần khó khăn.

“Năm nay là một năm rất khó khăn. Do dịch COVID-19 khiến lượng cá gia đình nuôi không bán được. Vùng nào mình đi được thì bán không được, vùng nào mình bán được thì người ta cách ly, giờ chỉ mong sao Tết này được bán cá thôi” chị Nguyệt chia sẻ.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Thành sinh năm 1955 (người dân gốc Campuchia) đến lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 sinh sống từ năm 2013. Theo bà Thành, chưa năm nào nhiều biến động, xáo trộn như năm 2021. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến chén cơm của hai vợ chồng. Hai vợ chồng bà không có công việc ổn định, tất cả chi tiêu trong nhà đều dựa vào việc đánh bắt cá của người chồng.

Bà Thành cho biết, những năm gần đây, lượng thủy sản trên lòng hồ dần cạn kiệt khiến cuộc sống của gia đình bà ngày càng khó khăn hơn. Để có tiền chi tiêu, chồng bà Thành phải đi đánh bắt cá trên lòng hồ, nhưng đi 3 ngày mà chỉ bắt được vài con cá mè, tính ra còn lỗ. Thiếu tiền, bà Thành đành đi mua thức ăn “chịu” để trang trải cuộc sống.

Thủy điện Đồng Nai 3 là công trình thủy điện xây dựng trên sông Đồng Nai với diện tích lưu vực hơn 2.400 km2. Làng chài hồ thủy điện nằm trên mặt nước của Vườn Quốc gia Tà Đùng. Từ đầu năm 2010, khi nơi đây bắt đầu tích nước làm thủy điện, người dân ở các địa phương đã đến cư ngụ và mưu sinh bằng nghề đánh bắt thủy sản. Sau một thời gian, vất vả, lênh đênh trên mặt nước, nhiều hộ gia đình có mong ước lên đất liền sinh sống.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thăm hỏi, động viên, tặng quà và triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội cho người nghèo. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đoàn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, đa số các hộ làm ăn sinh sống trên lòng hồ Thủy điện Đồng Nai 3 là các hộ nghèo, ở nơi khác đến. Hiện, nhiều hộ dân có tạm trú tại xã nhưng số hộ dân không ổn định, khi ở khu vực xã Đắk Som, khi qua địa phận tỉnh Lâm Đồng đánh bắt cá. Để giúp đỡ người dân ổn định cuộc sống, huyện đã triển khai nhiều chính sách, đặc biệt chính sách an sinh xã hội cho người nghèo. Bên cạnh đó, dựa trên các cơ sở huyện Đắk Glong thường xuyên động viên bà con nhập khẩu lên bờ, mua đất sống ổn định tại các khu vực xã Đắk Som.

Huyện Đắk Glong đã triển khai các hỗ trợ về chế độ bảo hiểm y tế, đảm bảo một số trẻ em được đến trường đi học… Đối với người già (từ 70 tuổi trở lên), huyện rất quan tâm và có các chế độ cho người cao tuổi. Ngoài ra trong các ngày lễ như 2/9, Tết Nguyên đán và các ngày lễ khác, huyện và các nhà hảo tâm thường xuyên quan tâm, thăm hỏi, động viên, tặng các phần quà cho bà con ổn định cuộc sống. Đặc biệt, trong giai đoạn dịch COVID-19, mặc dù số dân này là ở nơi khác đến, nhưng huyện vẫn chuẩn bị đủ lượng vaccine phòng COVID-19 để tiêm cho bà con, đảm bảo an toàn, yên tâm tổ chức sản xuất, ông Phương chia sẻ.

Nguyên Dung (TTXVN)
Hỗ trợ cửa hàng kinh doanh ẩm thực bị ảnh hưởng do dịch
Hỗ trợ cửa hàng kinh doanh ẩm thực bị ảnh hưởng do dịch

Tiger Beer vừa ra mắt chuỗi hoạt động, với tổng giá trị hỗ trợ lên đến 12 tỷ đồng, để “tiếp lửa” tinh thần và góp phần giúp các hàng quán kinh doanh ẩm thực nhanh chóng hồi phục sau thời gian dài đóng cửa do ảnh hưởng của làn sóng COVID thứ 4.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN