Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Cần Thơ Phạm Văn Hiểu nêu rõ, để giảm thiểu thiệt hại do triều cường dâng cao gây ngập sâu tại Cần Thơ trong thời gian tới, các sở, ngành chức năng, UBND các quận, huyện, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các cấp cần nắm chắc thông tin về diễn biến triều cường, mưa, lũ để chủ động phòng tránh, thông tin để người dân biết và ứng phó.
Công an thành phố Cần Thơ tập trung lực lượng phân luồng, đảm bảo an toàn giao thông tại các đường ngập sâu, điểm giao lộ; Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các quận, huyện triển khai biện pháp phòng tránh đuối nước trong các đợt triều cường, đảm bảo an toàn cho học sinh đến trường, điều tiết thời gian đến và tan trường phù hợp, hoặc cho học sinh nghỉ học khi triều cường lên cao.
Sở Giao thông Vận tải tập trung phương tiện, lực lượng khắc phục hư hại, sạt lở đường giao thông, đảm bảo an toàn giao thông tại các khu vực, tuyến đường bị ngập sâu, rà soát và cảnh báo tuyến đường ngập sâu để điều tiết giao thông. Ngành Điện lực thành phố rà soát, kiểm tra bảo đảm an toàn tuyệt đối hệ thống lưới điện chiếu sáng trên địa bàn, an toàn cho người dân khi triều cường gây ngập.
Cùng với đó, ngành Xây dựng xem xét và tính toán cao độ xây dựng cơ sở hạ tầng sau này nhằm ứng phó với triều cường; ngành Y tế tăng cường biện pháp phòng, chống, ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện; các quận, huyện tăng cường hỗ trợ người dân hạn chế thiệt hại do triều cường, kiểm tra đê bao bảo vệ vườn cây ăn trái, kịp thời khắc phục khi sự cố sạt lở xảy ra, giữ an toàn cho người dân tại khu vực bị ngập sâu…
Về lâu dài, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Cần Thơ Phạm Văn Hiểu đề nghị các sở, ngành chức năng tìm hiểu nguyên nhân các quận nội ô thành phố ngày càng ngập sâu khi có triều cường, từ đó tham mưu thành phố hướng ứng phó. UBND thành phố tăng cường giải pháp trưng cầu ý kiến nhà khoa học, đơn vị chức năng xây dựng kịch bản ứng phó với triều cường thời gian tới…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ, đợt triều cường đầu tháng 9 âm lịch, hầu hết các tuyến đường trong nội ô quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy… đều bị ngập sâu, làm 1 người chết và gây sạt lở tại cồn Sơn (quận Bình Thủy), cồn Khương (quận Ninh Kiều), sạt lở đường giao thông kênh Thạnh Đông (quận Cái Răng), hư hại hoa màu, thủy sản ở quận Thốt Nốt… Các địa phương, sở, ngành chức năng đã tập trung lực lượng, phương tiện khắc phục sạt lở, hư hại các tuyến đường giao thông.
Dự báo, đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch trên sông Hậu, các sông, rạch thuộc thành phố Cần Thơ tiếp tục lên cao, có khả năng lên mức 1,95m đến 2,00m (vượt báo động 3 từ 0,05m đến 0,1m) vào các ngày 15, 16 và 17/10. Tiếp đó, đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch dự báo lên cao ở mức từ 2,20m đến 2,25m trong các ngày 28-30/10. Trong các đợt triều cường này, tình hình ngập lụt đường phố, ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại, sản xuất, kinh doanh của người dân trên địa bàn thành phố Cần Thơ sẽ tiếp tục diễn ra.
Theo đại diện các sở, ngành, tình trạng ngập lụt nội ô thành phố Cần Thơ ngoài việc san lấp, lấn chiếm kênh, rạch còn có tác động lớn của việc xây dựng đê bao bảo vệ sản xuất, nước hạn chế vào ruộng đồng, ao, hồ nên gây ngập đô thị… Đồng thời, các sở, ngành cũng đưa ra kiến nghị thành phố hạn chế sản xuất lúa vụ 3, mở đồng đón nước, góp phần hạn chế ngập.
Bên cạnh đó, sớm chỉ đạo Ban Quản lý dự án ODA đầu tư và đưa vào sử dụng các hạng mục công trình chống ngập thuộc Dự án phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng đô thị để góp phần chống ngập cho nội ô thành phố; tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng trong việc chung tay chống ngập thành phố, không san lấp, lấn chiếm kênh mương, không vứt rác xuống kênh rạch, cống thoát nước…
Ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết, đợt triều cường vừa qua, các quận trung tâm của Cần Thơ bị ngập sâu, trong khi các quận, huyện ngoại thành lại không có nước do các kênh rạch ở khu vực nội ô bị các chướng ngại vật ngăn cản dòng chảy; hệ thống cống thoát nước bị ngập, có nơi sau khi triều rút 2 – 3 tiếng vẫn ngập; đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp làm nước không tràn vào các vùng trũng được… do đó đã làm tăng áp lực nước vào các con sông chính, gây ngập đô thị.
Ông Nguyễn Thanh Dũng đề nghị các sở, ngành, quận, huyện sau khi thu hoạch dứt điểm lúa vụ 3 (dự kiến khoảng 25/9 âm lịch) phải rà soát, kiểm tra khai thông toàn bộ hệ thống cống, van ngăn triều để giảm áp lực nước tại các tuyến sông chính; ngành Điện có biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở những khu vực ngập rất sâu như quận Bình Thủy. Đồng thời, ông Nguyễn Thanh Dũng cũng yêu cầu cơ quan dự báo tiến hành dự báo nhanh, kịp thời, chính xác tình hình triều cường trong thời gian tới để người dân biết, chủ động phòng tránh.