Trước diễn biến phức tạp khó lường của đại dịch COVID-19 đang tác động toàn diện tới kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, đời sống của nhân dân và khó dự đoán chính xác thời gian kết thúc. Vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 0 giờ ngày 1/4/2020 trên phạm vi toàn quốc. Do đó, thời gian mọi người phải ở nhà sẽ kéo dài, việc đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở cũng sẽ là một trong những biện pháp tích cực phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh này.
Loại bỏ các tác nhân gây hại
Theo phân tích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), chất lượng không khí trong nhà (IAQ) là thuật ngữ nói đến chất lượng không khí bên trong và xung quanh những tòa nhà và công trình kiến trúc, đặc biệt là khi nó liên quan đến sức khỏe và sự thoải mái của những người ở bên trong. IAQ có thể bị ảnh hưởng bởi các chất khí (bao gồm cacbon mônôxít, radon, hợp chất hữu cơ dễ bay hơi), các loại hạt trong không khí, chất gây ô nhiễm vi sinh (mốc, vi khuẩn), hay bất kỳ tác nhân gây căng thẳng nào về mặt khối lượng hoặc năng lượng mà có thể gây ra những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Kiểm soát nguồn không khí, lọc và sử dụng hệ thống thông gió để làm giảm bớt các chất gây ô nhiễm là những phương pháp chính nhằm tăng chất lượng không khí trong hầu hết các tòa nhà. Với nhà ở, có thể cải thiện chất lượng không khí trong nhà bằng cách làm sạch các loại thảm trong nhà thường xuyên. Tần suất quét dọn tùy theo sự đi lại, số người ở trong nhà, thú nuôi, trẻ em và người hút thuốc. Các loại thảm và giẻ có tác dụng như các tấm lọc khí nên cần phải được làm sạch thường xuyên.
Chất lượng không khí trong nhà ở các nước đang phát triển là mối đe dọa nguy hiểm nhất toàn cầu. Bởi một lượng lớn chất gây ô nhiễm trong nhà ở các nước đang phát triển là từ việc đốt sinh khối (như gỗ, than gỗ, phân động vật, hay bã từ sản phẩm nông nghiệp) để sưởi ấm và nấu nướng. Hơi ẩm hình thành bên trong những tòa nhà có thể phát sinh từ nguồn nước xâm nhập các khu vực của phần bao quanh toà nhà, từ những đường ống bị rò rỉ, sự ngưng tụ do không được thông khí hợp lý, hay do hơi ẩm từ đất đi vào tòa nhà.
Những chỗ mà vật liệu dạng xơ (giấy và gỗ, bao gồm những tấm vữa) bị ẩm và không được làm khô trong vòng 48 giờ, mốc có thể sinh sôi và tỏa những bào tử gây dị ứng vào không khí. Mối nguy hiểm chính của sự phát triển mốc khi chúng có liên quan đến chất lượng không khí trong nhà, là từ những tính chất gây dị ứng trên vách tế bào của bào tử. Nghiêm trọng hơn, hầu hết các tính chất gây dị ứng là khả năng khởi đầu những căn bệnh ở những người bị hen phế quản, một căn bệnh hô hấp nghiêm trọng.
Một trong những chất độc trong nhà nguy hiểm nhất là cacbon mônôxít (CO), là chất khí không màu, không mùi và là các sản phẩm phụ sinh ra từ sự đốt cháy không hoàn toàn các loại nhiên liệu hóa thạch. Các nguồn cacbon mônôxít thường gặp là khói thuốc lá, lò sưởi sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò nung trung tâm bị hỏng và khí thải ô tô. Bằng cách chiếm lấy lượng oxygen từ não, hàm lượng cacbon mônôxít cao có thể gây ra buồn nôn, bất tỉnh và tử vong.
Các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) được thải ra dưới dạng khí từ những chất lỏng hay chất rắn nhất định. VOC gồm nhiều loại hóa chất đa dạng, một số có thể có những ảnh hưởng có hại ngắn hạn và lâu dài đến sức khỏe. Nồng độ của nhiều VOC thường cao hơn khi ở trong nhà (lên đến 10 lần) hơn là khi ở bên ngoài. VOC thường bị thải ra ngoài bởi nhiều loại sản phẩm với con số lên đến hàng ngàn.
Ví dụ như sơn và chất pha loãng, chất tẩy sơn, chất hỗ trợ tẩy rửa, thuốc trừ dịch hại, vật liệu xây dựng và vật dụng trong nhà, thiết bị văn phòng chẳng hạn như máy photo và máy in, mực bút xóa và giấy scan không cacbon, vật liệu vẽ và chế tạo bao gồm keo và các chất dính, bút lông không xóa, và các dung dịch hóa chất nhiếp ảnh. Nước uống khử trùng bằng clo thải ra chloroform khi nước nóng được sử dụng ở nhà. Benzen từ nhiên liệu trữ trong các ga-ra. Dầu nấu ăn đun quá nóng sẽ thải ra acrolein và formaldehyd.
Những hợp chất hữu cơ thường được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu cho nhiều sản phẩm dùng trong nhà. Các loại sơn, véc-ni và sáp đều chứa các dung môi hữu cơ, cũng như nhiều loại chất tẩy rửa, khử trùng, mỹ phẩm, tẩy nhờn. Những loại nhiên liệu được sản xuất từ các hóa chất hữu cơ. Tất cả những sản phẩm này có thể thải ra những hợp chất hữu cơ trong khi được sử dụng và ở một mức độ nào đó khi chúng được lưu trữ. Việc kiểm tra khí thải từ những vật liệu xây dựng được sử dụng trong nhà đã trở nên khá phổ biến đối với các loại tấm trải sàn nhà, sơn, và nhiều loại vật liệu xây dựng, hoàn thiện quan trọng trong nhà khác
Sớm xây dựng tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà
Nhận thức rõ về tác hại của ô nhiễm không khí đến sức khỏe của mọi người, cuối năm 2019, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam tổ chức Hội thảo Khoa học về “Tiêu chuẩn chất lượng không khí cho nhà ở và nhà công cộng ở Việt Nam”, với sự tham gia các chuyên gia thuộc Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế; Viện Thông gió nhà ở Hoa Kỳ; đại diện Công ty Panasonic…
Tại Hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, hiện nay các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà như nấm, lông vật nuôi, đun nấu, sưởi ấm bằng than, điều hòa, khí gas, đốt vàng mã, hút thuốc, hóa chất tẩy rửa, từ đồ dùng… đang gây tác động lớn đến sức khỏe con người.
Để có cơ sở ban hành Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà (IAQ Standard), Bộ Xây dựng đã giao cho Trung tâm Môi trường đô thị và Công nghiệp (VACEE) thực hiện Đề tài: MT 08-17 “Khảo sát, đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí trong nhà văn phòng ở Hà Nội, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh, đề xuất các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, giảm thiểu tác động của ô nhiễm không khí”, thời gian thực hiện trong 2 năm (2017 - 2018). Kết quả của Đề tài cũng là cơ sở để xây dựng tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng của Việt Nam.
Theo Báo cáo tại Hội thảo, phạm vi của Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng, bao gồm các loại nhà ở, nhà văn phòng và trường học sử dụng thiết bị điều hòa khí hậu, ngoại trừ các nhà thuộc khu vực sản xuất công nghiệp, phòng khám, bệnh viện, phòng thí nghiệm…. Tiêu chuẩn cũng xem xét đến các yếu tố môi trường, bao gồm các yếu tố tự nhiên, vật lý, hóa học và sinh học. Không xét đến các yếu tố chiếu sáng, tiếng ồn, từ trường và bức xạ Radon. Cùng với đó, tiêu chuẩn còn quy định về kiểm soát các nguồn thải ô nhiễm trong nhà; quy định về khu vực hút thuốc và cấm hút thuốc; các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm trong xây dựng các công trình…
Đóng góp ý kiến cho nội dung Tiêu chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng, các đại biểu cho rằng, hiện các nước trên thế giới đã ban hành Tiêu chuẩn chuẩn chất lượng không khí trong nhà. Điển hình như Nhật Bản, chuẩn chất lượng không khí trong nhà được quy định bắt buộc thực hiện trong Luật Tiêu chuẩn Xây dựng sửa đổi được ban hành 1/7/2003. Đó là không sử dụng vật liệu xây dựng có phát thải; thiết bị thông gió phải được thiết kế…
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản, Việt Nam cần xây dựng Tiêu chuẩn chuẩn chất lượng không khí trong nhà ở và nhà công cộng, với những quy định cụ thể về kiểm soát nhiệt độ, độ ẩm, biện pháp cải thiện chuẩn chất lượng không khí trong nhà, nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19 hiện nay…