Trái ngược với hình ảnh những con bò tót đực F1 có thân hình vạm vỡ, dũng mãnh, luôn “cảnh giác” mỗi khi thấy người lạ và sẵn sàng tư thế tấn công, hiện nay chỉ còn những con bò gầy ốm trơ xương, nhiều con đứng không vững bởi chúng không được ăn uống đầy đủ dinh dưỡng kể từ sau khi dự án nghiên cứu kết thúc.
Đàn bò tót lai là kết quả giao phối giữa bò tót rừng với đàn bò nhà cách nay hơn 10 năm. Từ giai đoạn năm 2008 - 2012, tại khu vực Vườn Quốc gia Phước Bình xuất hiện một con bò tót đực (tên khoa học Bos gaurus) tách đàn, thường xuyên xuống rẫy tấn công bò đực để chinh phục và giành quyền giao phối với bò cái nhà. Kết quả cho ra đời hơn 20 con bê con mang tính trạng ban đầu của “bò tót cha” như chống chịu được khí hậu khắc nghiệt, sức đề kháng bệnh cao và tầm vóc lớn.
Nhận thấy đây là cơ hội hiếm có để nhân rộng nguồn gen, từ năm 2013 - 2015, Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng thành lập đề tài cấp tỉnh "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng sinh sản của bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà tại vùng giáp ranh Ninh Thuận và Lâm Đồng" đã chứng minh các con F1 là con của bò tót đực và bò nhà.
Tiếp đến, một đề tài cấp Nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa” do Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám - nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng làm chủ nhiệm đề tài, triển khai nghiên cứu từ năm 2016 với kỳ vọng sẽ lai thành công cá thể bò tót lai F2, F3 để nhân rộng nguồn gen giúp cải thiện chất lượng đàn bò nhà về khả năng cho thịt và chất lượng thịt; hướng tới xây dựng thương hiệu bò tót lai của ngành chăn nuôi tỉnh Ninh Thuận và cả nước.
Được biết, phía dự án đã mua lại từ người dân 5 con bò F1 đực và 5 con F1 cái để nuôi nghiên cứu. Các nhà khoa học nghiên cứu lai tạo bò thế hệ F2 bằng cách cho lai giữa bò đực F1 với bò cái F1; giữa bò đực F1 với bò cái Brahman, bò Red Angus và giữa bò cái F1 với con đực giống khác theo cách giao phối tự nhiên.
Ông Nguyễn Đình Tích (xã Quảng Sơn, huyện Ninh Sơn) người được dự án thuê chăm sóc đàn bò tót lai cho hay, sau nhiều năm nghiên cứu đến nay những con bò cái F1 của dự án vẫn chưa sinh sản. Trong khi đó, một con đực F1 tình cờ thoát đàn ra giao phối với bò cái của người dân địa phương đã cho ra đời thế hệ con lai F2 (bò cái); dự án đã mua lại nuôi cùng với những con F1 nuôi trong trang trại. Đến tháng 9/2019, dự án nghiên cứu kết thúc, tạm bàn giao đàn bò tót lai cho Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng (thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng) quản lý, chăm sóc.
Ông Tích cho biết: “Công việc hàng ngày của tôi chỉ là vận chuyển rơm cho bò ăn, bơm nước cho bò uống. Khi gần hết rơm tôi điện lên cho người của Trung tâm để báo giá, trên đó chuyển tiền xuống mua rơm. Bình quân 11 con bò mỗi ngày ăn hết 8 cuộn rơm (40.000 đồng/cuộn). Cán bộ trên Lâm Đồng rất ít khi xuống thăm kiểm tra thú y, sức khỏe đàn bò nên bò gầy là chuyện dễ hiểu, vì từ năm ngoái đến năm nay bò hoàn toàn nhốt trong chuồng, chỉ toàn ăn rơm khô, không có một cọng cỏ xanh nào hết”.
Ông Tích cho biết thêm, trước đây dự án thuê 2 ha đất nông nghiệp để làm trang trại nuôi nhốt kết hợp rào khu vực sân cho đàn bò vận động và trồng cỏ. Sau khi dự án kết thúc không có tiền thuê tiếp nên gia đình chỉ cho giữ tạm chuồng để dự án tiếp tục nuôi nhốt. Còn khu vực trồng cỏ voi đang xanh tốt sát chuồng thì ông Tích thu hồi để nuôi bò của gia đình.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Xuân Thám, nguyên chủ nhiệm đề tài cho hay: “Dự án kết thúc tháng 9/2019, tôi đã xong nhiệm vụ phần việc, không được giao thêm trách nhiệm gì cả. Nhiệm vụ của tôi chỉ nghiên cứu về mặt khoa học còn để đàn bò thiếu ăn da bọc xương đây là thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý là hai Sở Khoa học và Công nghệ của hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận. Khi dự án kết thúc tôi cũng đã khuyến cáo về mặt khoa học duy trì đàn bò, lúc kết thúc dự án đàn bò không bị gầy như vậy. Các cơ quan quản lý phải đảm bảo nuôi dưỡng đàn bò trước khi chuyển giao nguồn gen cho các dự án nghiên cứu tiếp theo”.
Để tìm hiểu rõ vai trò quản lý, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong việc chăm sóc đàn bò tót lai, hướng chuyển giao đàn bò tót lai theo dự kiến cho tỉnh Ninh Thuận, phóng viên TTXVN đã liên hệ với ông Nguyễn Như Chương, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng. Ông Chương cho biết: “Dự án nghiên cứu bò tót lai đã được hai tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận ký kết hợp tác chia sẻ nguồn gen, nghiên cứu trong 3 năm với kinh phí gần 3 tỷ đồng, từ tháng 6/2019 đã hết kinh phí. Hơn một năm nay đơn vị tự bỏ tiền thuê người dân chăm sóc đầy đủ, có bác sĩ thú y kiểm tra (nhưng bò vẫn ốm trơ xương?! - PV). Đơn vị bây giờ cũng đang rất khó khăn, lại ở xa nên dự kiến tháng 10 này sẽ bàn giao cho Vườn Quốc gia Phước Bình quản lý, duy trì và bảo tồn nguồn gen. Hướng để bảo tồn nguồn gen bò tót lai sắp tới kiến nghị các cơ quan chức năng hai tỉnh hoặc Bộ Khoa học và Công nghệ tiếp tục cho thêm đề tài nghiên cứu thì mới đầy đủ kinh phí để nghiên cứu tiếp”.
Còn ông Lê Kim Hùng - Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Ninh Thuận cho biết: “Sau khi nghiệm thu xong đề tài dự kiến phía Lâm Đồng sẽ bàn giao cho Ninh Thuận tiếp quản. Nhưng vướng thủ tục bàn giao nên hiện nay tỉnh Ninh Thuận chưa nhận bàn giao dự án nghiên cứu nguồn gen bò tót lai”.
Nói về tương lai của đàn bò tót lai, ông Nguyễn Công Vân - Giám đốc Vườn Quốc gia Phước Bình cho hay: “Dự kiến dự án chuyển giao đàn bò tót lai lại cho Vườn Quản lý nhưng các thủ tục chuyển giao chưa xong. Hiện nay, tôi đang chuẩn bị xây dựng đề án để nuôi dưỡng, chăm sóc đàn bò tót lai để làm nền tảng nghiên cứu nguồn gen tiếp theo khi các cơ quan nghiên cứu khoa học có nhu cầu”.
Trong khi chờ chuyển giao của các cơ quan quản lý nhà nước, mỗi ngày đàn bò lại một gầy yếu hơn dù đã tiêu tốn hàng tỷ đồng tiền ngân sách của nhà nước vào công việc nghiên cứu. Do đó, dư luận mong muốn cần phải làm rõ vai trò, trách nhiệm các bên liên quan và phải sớm có biện pháp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe đàn bò tót lai để chúng thoát khỏi tình trạng đang “sống mòn” như trên.