Nằm ngay trong thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) thuộc các phường: Vĩnh Phước, Vĩnh Nguyên, Vạn Thắng... hiện vẫn còn tồn tại hàng trăm căn nhà dựng tạm, nhếch nhác, xiêu vẹo dọc bờ sông Cái, bãi biển, mà người dân vẫn quen gọi là “nhà chồ”. Năm nào cũng vậy, đến mùa mưa lũ là hàng nghìn người dân nghèo nơi đây luôn sống trong cảnh thấp thỏm, lo sợ bởi nước lũ, sóng lớn, triều cường sẵn sàng nuốt chửng những căn nhà chồ đó.
Giữa TP Nha Trang, có một xóm "nhà chồ". |
Từ cầu Trần Phú nhìn qua, khu nhà chồ của phường Vĩnh Phước nằm ở giữa sông Cái nối bởi hai cầu Hà Ra và cầu Xóm Bóng (khóm Hà Ra). Nhà chồ tập trung chủ yếu ở phần rìa của bờ sông bao gồm bốn tổ: 4, 5, 6, 7. Những căn nhà này làm theo kiểu nhà sàn, đóng cột gỗ xuống nền đáy của dòng sông, phía trên lát bằng ván gỗ, cách mặt nước chừng 1,5- 2 mét. Hầu hết các căn nhà đều chật hẹp, diện tích chỉ từ 15 - 20 mét vuông, nhưng có đến 5, 6 người ở. Đường đi vào các nhà chồ này cũng lát bằng ván, lốp xe ô tô, xà bần… Các vật liệu này đều có tính chất tạm bợ, chính vì vậy đây là một điểm nóng trong khi mưa lũ tràn về. Mùa lũ năm ngoái, nơi đây đã có 7 hộ bị lũ cuốn mất nhà cùng toàn bộ tài sản, 40 hộ khác bị hư hại một phần nhà cửa, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng.
Ông Lê Văn Em, Tổ trưởng tổ 6, phường Vĩnh Phước cho biết: “Ở đây người dân ai cũng nơm nớp lo âu mỗi khi mưa lũ đặc biệt là kết hợp với triều cường. Nước chảy xiết dâng cao sẵn sàng cuốn bay những cột gỗ mong manh. Sợ nhất là nước dâng vào ban đêm, nước lên nhanh khiến chúng tôi không kịp trở tay, phải bỏ của chạy lấy người. Dân chúng tôi ai cũng mong nhà nước sớm có kế hoạch tái định cư cho chúng tôi”. Theo UBND phường Vĩnh Phước, khu vực bốn tổ này có hơn 300 hộ dân ảnh hưởng trực tiếp mưa lũ từ sông Cái. Mỗi lần mưa lũ tràn về, toàn bộ lực lượng phòng chống lụt bão của phường Vĩnh Phước đều tập trung về khu nhà chồ này. Một mặt cảnh báo cho người dân đề phòng mưa lũ, mặt khác chia ca túc trực, sẵn sàng hỗ trợ cho người dân bất kể ngày đêm.
Cách không xa những khách sạn sang trọng là những căn nhà tạm nhếch nhác. |
Ông Trần Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết: Năm nào cũng vậy, sau mỗi mùa mưa lũ, người dân khu vực này chỉ dám nhặt nhạnh, dựng nên những căn nhà chồ sống tạm. Còn những nhà được xây dựng khá kiên cố mặc dù bị sụt lún, nứt nẻ nhưng người dân cũng không dám sửa chữa vì khu vực này nằm trong quy hoạch xây dựng kè sông Cái. Trước mắt, phường tiếp tục rà soát, bổ sung phương án phòng chống lụt bão, chỉ đạo lực lượng túc trực hỗ trợ người dân với phương châm “4 tại chỗ”. Về phía các hộ dân, UBND phường đã nhiều lần động viên người dân và kiến nghị lên UBND thành phố và tỉnh với mong muốn sớm đưa phần dự án của khu vực này vào triển khai, sớm quy hoạch tái định cư để người dân ổn định làm ăn, sinh sống.
Cũng lâm vào tỉnh trạng tương tự là khu nhà chồ của hơn 70 hộ với gần 400 nhân khẩu thuộc phường Vĩnh Nguyên. Khu nhà này tồn tại đã hơn 50 năm nay. Trước đây, khu nhà ở cách xa mặt nước, nhưng quá trình xâm thực đến nay nước biển đã lấn sâu, người dân phải dựng cột kê nhà lên cao. Những ngày biển động có sóng lớn, sóng đánh vào dãy nhà chồ phía gần biển, có khi nước biển bắn lên cả mái nhà. Chị Võ Thị Xuân Lệ, một người sống tại khu nhà chồ hơn 20 năm cho biết: “Khoảng tháng 10, tháng 11 hàng năm là lúc biển động mạnh. Thời điểm này nhà tôi đã nhiều lần bị sóng đánh sập. Sóng phả vào làm cả nhà lung lay. Nhiều lúc sóng đánh văng cả mâm cơm. Biết nguy hiểm là thế nhưng gia đình cũng ráng ở vì không có tiền thuê nhà. Nhiều lần sóng xô mạnh quá, sợ nguy hiểm nên các anh trên phường rào nhà lại. Chúng tôi phải dọn dời nhà lên hội trường ủy ban tá túc. Khổ lắm”.
Dân cư trên khu nhà chồ đa số là lao động nghèo, chủ yếu làm thuê trên tàu cá. Do vậy, đa số các hộ dân đều không có điều kiện làm nhà kiên cố. Mỗi lần có triều cường, sóng lớn, lực lượng tại chỗ của phường Vĩnh Nguyên luôn phải sẵn sàng để sơ tán dân và gia cố các nhà chồ, vậy mà cũng không tránh được thiệt hại. Trận bão năm 1993, gần 50 căn nhà chồ nơi đây đã bị cuốn trôi xuống biển. Mùa mưa lũ năm 2009, nơi đây cũng bị sập gần 30 căn nhà chồ. Gần nhất, năm 2010, 6 căn nhà cũng bị sóng biển đánh sập.
Ông Dương Quốc Việt, Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Nguyên cho biết: “Phường rất khó khăn trong hỗ trợ giúp người dân, mỗi lần có đợt triều cường hay mưa bão đều có lực lượng cưỡng chế di dời các hộ dân bị ảnh hưởng sóng bão, nhà sập. Hàng năm, phường đều có kiến nghị lên UBND cấp thành phố, tỉnh về việc di dời các hộ dân khu dân cư này đến nơi khác an toàn hơn. Nhưng đến nay, kế hoạch hỗ trợ tái định cư cho người dân vẫn chưa có”.
Những ngày này, Khánh Hòa đang bị những đợt mưa liên tục, nước sông dâng cao, báo hiệu một đợt mưa lũ mới của năm nay. Và theo đó, người dân nhà chồ ở thành phố Nha Trang cũng đang từng ngày thấp thỏm, lo âu... "chờ" mưa lũ./.
Quang Đức