Xã Thụy Vân, thành phố Việt Trì (Phú Thọ) là khu công nghiệp lớn nhất của địa phương. Tuy nhiên, các dự án công nghiệp về luyện kim, chế biến gỗ; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất vải bạt PP, PE, bao bì... được đầu tư ồ ạt tại Khu công nghiệp Thụy Vân không đồng bộ với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đặc biệt là thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung trong thời gian dài.
Bởi vậy, Khu công nghiệp này trở thành địa chỉ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, làm ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và đời sống cộng đồng dân cư.
14 năm sống trong ô nhiễm
Khu công nghiệp Thụy Vân chính thức hoạt động từ năm 2000. Kể từ đó, người dân xã Thụy Vân và các vùng lân cận thuộc thành phố Việt Trì bắt đầu phải hứng chịu ô nhiễm về không khí, đất, nước, tiếng ồn gia tăng theo sự lấp đầy của Khu công nghiệp này. Riêng thôn Vĩnh Phú của xã Thụy Vân nằm sát cạnh cửa xả nước thải của Khu công nghiệp, nên hàng ngày hàng giờ người dân phải trực tiếp hứng chịu mọi hậu quả ô nhiễm do Khu công nghiệp gây ra.
Nhiều doanh nghiệp trong KCN Thụy Vân thiếu hệ thống xử lý nước thải tập trung nên tình trạng ô nhiễm môi trường vẫn xảy ra.Ảnh: Viết Tôn |
Dù rất cẩn trọng khi tiếp xúc với phóng viên, nhưng Trưởng thôn Vĩnh Phú, ông Tạ Quang Hải vẫn không giấu nổi bức xúc khi đề cập đến tác động của Khu công nghiệp: “Xưa nay trong thôn có ai chết vì bệnh ung thư đâu? Từ hồi có Khu công nghiệp thì năm nào cũng có người chết vì căn bệnh này. Mưa xuống nắng lên đi ngủ cũng phải đeo khẩu trang vì mùi hóa chất không thể thở được. Ngay sát nhà tôi cũng có anh mới 41 tuổi đã bị ung thư giai đoạn cuối”- ông Hải nói.
Minh chứng rõ nhất do Khu công nghiệp Thụy Vân tác động xấu đến môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư, là cánh đồng Con Gái rộng khoảng 50 ha trước năm 2000 là vùng chuyên canh 1 vụ lúa và 1 vụ cá. Bây giờ đồng đất vốn trù phú này trở thành khu xả nước thải công nghiệp, trở thành khu đất chết nồng nặc mùi hóa chất độc hại. Đến nỗi “vịt lạc xuống là bị đứt ruột chết ngay. Bèo tây cũng không sống được. Người trong thôn nếu không bị bệnh đường hô hấp thì cũng mắc bệnh đường ruột”- ông Trưởng thôn Hải buột miệng than thở.
Gia đình chị Tạ Thị Thành ở thôn Vĩnh Phú, cả hai vợ chồng đều làm công nhân của Khu công nghiệp Thụy Vân, lương mỗi người trung bình 3 triệu đồng/tháng. Nhưng khi hỏi nguyên do tại sao vợ chồng và 3 đứa con gái trông còm cõi như thế? Chị giải thích “Vì mùi hóa chất của cánh đồng Con Gái sát cạnh nhà bốc lên khó chịu lắm, ngủ cũng không yên giấc, ăn cũng chẳng ngon. Dù đã ngửi cái mùi này 14 năm nay nhưng vẫn không ai quen được!”.
Chị Thành giãi bày, con gái thứ 3 của chị tên là Vũ Như Nguyệt đã 2 tuổi nhưng chỉ cân nặng 9,5 kg là do chị đẻ non, khi sinh ra phải đưa xuống Bệnh viện thành phố nuôi trong lồng ấp hàng tháng trời. “Cả thôn, cứ 10 ca sinh nở thì phải đến 8 ca đẻ thiếu tháng. Có phải vì ô nhiễm do Khu công nghiệp gây ra hay không thì chịu. Chúng tôi có biết gì về khoa học đâu?”- chị Thành tâm sự.
Nhà ở của gia đình ông Tạ Ngọc Lâm 65 tuổi cách họng cống xả nước thải của Khu công nghiệp Thụy Vân chừng 300 m, có khu vườn khá lý tưởng đối với thôn quê vì rộng rãi và có cả ao sâu thả cá. Tuy vậy, nhiều năm qua ông không dám trồng rau, mặt nước ao cũng sạch bóng cá. Lý do là mỗi khi trời mưa nước thải của Khu công nghiệp lại tràn vào làm rau không mọc nổi và cá chết hàng loạt. Ông cho biết: “Tôi mang tiếng hơn chục năm nay là “người cứng đầu” chuyên vác đơn khiếu kiện về những tiêu cực khi thành lập Khu công nghiệp Thụy Vân. Còn về ô nhiễm do Khu công nghiệp này gây ra thì gia đình tôi gánh chịu đầu tiên. Vì lợi ích của gia đình và cộng đồng, tôi vẫn khiếu kiện cho đến bao giờ chính quyền các cấp phải giải quyết thỏa đáng mới thôi!”.
Không có cơ sở kết luận?
Việc tìm hiểu thông tin qua UBND xã về tác động của Khu công nghiệp đối với môi trường và sức khỏe cộng đồng dân cư liên quan đến Khu công nghiệp Thụy Vân cũng như thông tin về tình hình bệnh tật và công tác khám chữa bệnh của Trạm Y tế xã không phải là chuyện dễ dàng. Thậm chí, khi tìm hiểu thông tin từ Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Phú Thọ, phóng viên cũng chỉ được quyền Chi cục trưởng là ông Nguyễn Bá Thọ thanh minh: “Tôi mới được điều về làm quyền Chi cục trưởng từ ngày 1/8/2014”.
Mưa xuống, nắng lên tình trạng ô nhiễm bụi trong KCN Thụy Vân khiến công nhân lao động rất vất vả.Ảnh: Viết Tôn |
"Tài liệu" được ông Thọ cung cấp là Báo cáo số 3, ngày 30/6/2014 do Phó Giám đốc sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lưu Văn Doanh ký về việc kiểm tra, rà soát các nội dung theo Văn bản số 2151 ngày 30/5/2014 của UBND tỉnh Phú Thọ trả lời công dân Tạ Ngọc Lâm, phản ánh việc ô nhiễm môi trường tại Khu công nghiệp Thụy Vân. Nội dung báo cáo kiểm tra này tuy có thừa nhận là nước thải của Khu công nghiệp gây thiệt hại về cá chết, thiệt hại về lúa... nhưng vẫn khẳng định: “Những tác động khác đến môi trường, sức khỏe con người, do không có cơ sở kết luận nên không có căn cứ bồi thường, hỗ trợ.
Giải thích tại sao Khu công nghiệp Thụy Vân đã đưa vào hoạt động 14 năm nay, nhưng vẫn chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, ông Phạm Hồng Hải, Phó Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho rằng: Nguyên nhân là vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Khu công nghiệp này đến nay chỉ có 300,367 tỷ đồng, mới đạt khoảng trên 1/3 tổng mức đầu tư. Chính vì lẽ đó nên mãi đến tháng 12/2013, Ban Quản lý mới khởi công xây dựng hệ thống nước thải tập trung. “Dự kiến cuối năm 2015 hệ thống này sẽ đi vào vận hành. Nhưng giảm được ô nhiễm đến mức độ nào thì... sắp tới tôi nghỉ hưu rồi”- ông Hải cho biết.
Lý giải về hồ chứa nước thải đen ngòm, sặc sụa mùi hóa chất của Khu công nghiệp Thụy Vân có tên gọi là hồ Cầu Cả, nằm sát Công ty TNHH Minh Việt tại Lô B6, nhưng vẫn liên tục xả nước thải xuống cánh đồng Con Gái, ông Bùi Văn Đoàn, Phó phòng Môi trường - Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ cho hay: Do chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung, nên toàn bộ nước thải trong Khu công nghiệp đều được thu gom về hồ này, lưu lượng khoảng 3.000m3/ngày đêm, trong đó có 1.200 m3 nước thải công nghiệp có chứa các thành phần ô nhiễm chủ yếu là COD, BOD, SS và một số kim loại nặng.
Giải pháp tình thế để xử lý ô nhiễm từ trước đến nay là thả men vi sinh nhằm xử lý 4 chỉ tiêu chính, mỗi tháng tiêu tốn khoảng 60 triệu đồng. Nhưng khi tìm đến để “mục sở thị”, chúng tôi không thể đứng cạnh hồ Cầu Cả được 15 phút bởi mùi hóa chất bốc lên làm xây xẩm mặt mày. Ông Đoàn thanh minh là có thể các doanh nghiệp dù có hệ thống xử lý nội bộ, song chưa đạt tiêu chuẩn, hoặc họ không vận hành thường xuyên.
Đấy là chưa kể khí thải và chất thải rắn độc hại, dù các doanh nghiệp đều cam kết đã lắp đặt hệ thống xử lý khí thải; thực hiện phân loại, thu gom, lưu giữ và đăng ký chủ nguồn, ký hợp đồng với đơn vị chức năng vận chuyển và xử lý chất thải rắn độc hại. Nhưng họ có thực hiện nghiêm túc hay không thì Ban Quản lý cũng không thể kiểm soát được thường xuyên.
Trong tương lai, hệ thống xử lý nước thải tập trung của Khu công nghiệp Thụy Vân khi đưa vào hoạt động, có thể giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, cải thiện được phần nào sức khỏe cho cộng đồng dân cư địa phương. Tuy nhiên, việc xây dựng và vận hành một Khu công nghiệp đã 14 năm liên tục gây ô nhiễm, di chứng về môi trường và sức khỏe của người dân như Khu công nghiệp Thụy Vân ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là một "kinh nghiệm" không nên lặp lại về phát triển công nghiệp không bền vững.
Văn Hào