Khuyến khích dùng túi ni lông thân thiện môi trường

Mặc dù đã có nhiều cuộc tuyên truyền, nhiều dự án về hạn chế sử dụng túi ni lông, nhưng loại túi này vẫn được sử dụng tràn lan. Đa số người dân vẫn có thói quen sử dụng túi ni lông khi mua hàng và không ý thức hết tác hại do túi ni lông gây ra cho sức khỏe và môi trường.


Thói quen nhỏ, nguy hiểm lớn


Đã từ lâu chúng ta sử dụng túi ni lông như một vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày vì những tính năng rẻ, bền, tiện dụng. Thống kê tại TP Hồ Chí Minh, năm 2012, ước tính mỗi ngày có khoảng 9 triệu túi, tương đương 50-70 tấn túi ni lông .

 

Túi ni lông khó phân hủy tại các bãi rác gây ô nhiễm nguồn nước.


Có lẽ không nơi nào túi ni lông lại được sử dụng và được cho hào phóng như ở chợ. Chỉ cần đứng nhìn ở một sạp bán trái cây, hoặc bất cứ một tiệm tạp hóa nào cũng có thể thấy, cứ một khách hàng, mua một món hàng nào đó thì đã có 1 đến 2 túi được phát ra. Tại khu bán thực phẩm, lượng túi còn được sử dụng nhiều hơn, thậm chí những người mang giỏ nhựa cũng lỉnh kỉnh túi ni lông bên trong. Ở sạp đồ khô, hàng bán quần áo, trung bình cứ một tuần người bán sử dụng khoảng 3-10 kg túi ni lông các loại. Chính những thói quen trên mà túi ni lông đã được sử dụng một cách vô tội vạ, bất chấp những nguy cơ tiềm ẩn.


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường TP Hồ Chí Minh: Khảo sát tại TP Hồ Chí Minh cho thấy, túi ni lông hiện được sử dụng rất phổ biến và trên mức cần thiết tại các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại… Nguyên nhân là do thói quen và nhận thức của người dân về tác hại của túi ni lông chưa cao, do tính tiện lợi và quan trọng nhất là do túi ni lông được phát miễn phí khi mua hàng.


Tuy nhiên, các nghiên cứu gần đây trên thế giới đều cho thấy túi ni lông khó phân hủy, tồn lưu trong môi trường và gây ra nhiều tác động tiêu cực như làm xấu cảnh quan đô thị, tắc nghẽn cống rãnh, kênh rạch, mất diện tích bãi chôn… Đặc biệt, nếu chúng ta chôn lấp hoặc đốt túi ni lông khó phân hủy sẽ tạo ra khí thải có chất độc gây hại cho sức khỏe con người như chất dioxin và furan gây ngộ độc, rối loạn chức năng và các dị tật bẩm sinh ở trẻ nhỏ... Với các loại túi ni lông màu, túi ni lông tái chế… nếu sử dụng để chứa thực phẩm có thể khiến thực phẩm nhiễm các kim loại như chì, clohydric, gây hại cho não, gây ung thư phổi…


Nghịch lý với giải pháp thay thế


Để hạn chế tác hại của túi ni lông khó phân hủy, vừa qua, các cơ quan chức năng cũng đã khuyến khích mọi người sử dụng túi ni lông thân thiện với môi trường (TTVMT). Hiện TP Hồ Chí Minh có khoảng 11 doanh nghiệp (DN) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp chứng nhận túi ni lông TTVMT. Tuy nhiên, các DN sản xuất loại túi này vẫn loay hoay tìm lối ra cho sản phẩm của mình.


Ông Lê Sanh Mỹ, đại diện Công ty CP Bao bì Vafaco cho biết: Để đạt chứng nhận sản phẩm TTVMT, cơ sở sản xuất túi TTVMT, các DN phải tuân thủ quy định pháp luật về môi trường, kèm theo các tiêu chuẩn về xây dựng nhà xưởng, đăng ký tiêu chuẩn bảo vệ môi trường, hoàn thiện khâu pháp lý… làm phát sinh nhiều chi phí. Trong khi đó cơ sở sản xuất túi khó phân hủy lại không phải tuân thủ những quy định trên.


“Ngoài ra, các công ty sản xuất túi ni lông TTVMT và tiểu thương không thể tìm thấy điểm chung vì giá của túi ni lông TTVMT thường đắt hơn loại túi ni lông khó phân hủy do nhiều cơ sở sản xuất túi khó phân hủy không phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Ví dụ, các tiểu thương mua túi ni lông khó phân hủy chỉ trên dưới 30.000 đồng/kg, trong khi túi TTVMT là hơn 40.000 đồng/kg, nếu tính cả thuế thì giá thành còn cao hơn nữa. Như vậy ở khía cạnh lợi nhuận, người tiêu dùng tất nhiên sẽ chọn lựa loại túi rẻ”, ông Mỹ cho biết thêm.


Theo bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TN&MT, trong thời gian tới, để giải quyết những khó khăn trên, sở sẽ tiếp tục có ý kiến đề xuất với các cơ quan chức năng ở cấp cao hơn để có thể xây dựng những chính sách hỗ trợ đối với đơn vị sản xuất. Đồng thời, sẽ tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi, hợp tác giữa các DN sản xuất túi ni lông TTVMT và các cơ quan chức năng để tìm lối ra cho sản phẩm. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác vận động tuyên truyền đối với người dân thay đổi thói quen cũ và chuyển sang dùng túi ni lông TTVMT để bảo vệ môi trường và bảo vệ chính mình.

 

Bài và ảnh: Hoàng Tuyết

Đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành
Đảm bảo người dân được sống trong môi trường trong lành

Trước những thách thức to lớn như biến đổi khí hậu, nước biển dâng… ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, Luật Bảo vệ Môi trường 2014 (BVMT) đã ban hành những quy định mới liên quan để đảm bảo sự phát triển bền vững, đảm bảo mọi người dân được sống trong môi trường trong lành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN