Thời gian gần đây, người dân trên địa bàn Vĩnh Phúc liên tiếp than phiền về tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trên phạm vi rộng, gây tác động xấu đến hệ sinh thái và sức khỏe của người dân. Cảnh đổ rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại vào tháng 8/2013 trong một khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo, trên độ cao khoảng 600m. |
Nhiều Hội nghị, nhiều cuộc họp Vĩnh Phúc đề cập tới việc xây dựng nhà máy đốt rác - phát điện. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 33 triệu USD, công suất xử lý 500 tấn rác/ngày do Công ty cổ phần Nghiên cứu ứng dụng công nghệ bảo vệ môi trường An Thịnh làm chủ đầu tư theo hình thức BO. Tỷ lệ chất thải sau xử lý chỉ còn 0,3%, đảm bảo các tiêu chuẩn về khí thải, môi trường xung quanh... Nhà máy có quy mô 5 ha, dự kiến đặt tại KCN Bình Xuyên. Tuy nhiên, đến nay dự án chưa được triển khai và người dân vẫn đang bức xúc vì môi trường xuống cấp, ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng. |
Tại các kỳ họp Hội đồng Nhân dân, các cuộc tiếp xúc cử tri vấn đề môi trường được người dân đề cập nhiều nhất, kiến nghị nhiều nhất bởi nó sinh ra quá nhiều hệ lụy cho con người, kể cả các thế hệ con cháu mai sau.
Hiện nay, tình trạng đổ chất thải, rác thải không đúng nơi quy định tràn lan trên địa bàn, dọc các trục đường QL 2, khu chân đồi núi, khu ven các đô thị, sông, hồ, kênh, mương... là nơi người dân, doanh nghiệp tìm đến đổ rác thải nhiều nhất. Điều này làm cho nhiều khu vực mất mỹ quan, gây ô nhiễm môi trường sinh thái trầm trọng.
Sau hơn chục năm hoạt động, đến năm 2009 bãi rác có quy mô 5 ha, trong đó có 3 ha được quy hoạch làm nơi chứa và xử lý rác sinh hoạt ở chân núi Bông thuộc thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc buộc phải đóng cửa do người dân phản đối bãi rác quá tải gây ô nhiễm. Mặt khác bãi rác này cũng hết thời hạn sử dụng, tất cả diện tích bãi rác đã được lấp cơ bản đầy. Từ khi bãi rác này ngừng hoạt động, việc tìm kiếm nơi quy hoạch, xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc rất khó khăn.
Để có nơi đổ rác tạm thời, các công ty môi trường và dịch vụ đô thị của tỉnh đã được tỉnh chọn một số nơi xa dân cư để tập kết rác, làm bãi rác tại thời. Thành phố Vĩnh Yên lấy một phần diện tích tại nam Khu công nghiệp Khai Quang (Vĩnh Yên) để đổ rác. Bình quân mỗi ngày Vĩnh Yên có 200 m3 rác thải sinh hoạt... nhưng chưa có bãi đổ theo đúng tiêu chuẩn quy định, khiến nhiều người dân lo ngại.
Phía nam Khu công nghiệp Khai Quang không phải là nơi quy hoạch để đổ rác thải, mà chỉ là địa điểm thực hiện xử lý tình huống tạm thời. Đến nay đã 4 năm trôi qua việc quy hoạch và xây dựng bãi rác mới vẫn chưa được xác định cụ thể và khi nào thì xong, trong khi đó, chỉ thời gian ngắn nữa thì khu tập kết rác thải này hết khả năng chứa.
Thị xã Phúc Yên cũng trong cảnh tương tự, mỗi ngày lượng rác thu gom ở thị xã này trên 200 m3 nhiều năm qua không có nơi đổ và xử lý mang tính dài hơi. Đến nay, sau nhiều năm thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn chưa có nơi đổ rác quy mô mang tính ổn định, lâu dài.
Việc thu gom, vận chuyển, chôn lấp hoặc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, rác thải khó khăn khiến cho nhiều địa phương đổ rác thải, chất thải bừa bãi ra môi trường. Tình trạng đổ rác trộm tại các cánh rừng, các khe suối, bờ hồ... đang gây bất bình cho người dân.
Gần đây, phóng viên TTXVN tại Vĩnh Phúc đã phát hiện một khu rừng thuộc Vườn Quốc gia Tam Đảo nằm độ cao khoảng 600 mét (Cách khu du lịch nghỉ mát thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo- Vĩnh Phúc khoảng 2 đến 3 km về phía dưới) có một bãi rác rộng khoảng 1.000 m2, nằm sâu trong rừng so với đường lên khu nghỉ mát Tam Đảo. Tại đây, có cả trăm tấn rác thải sinh hoạt và chất thải khó phân hủy được đổ trái phép ở nơi này.
Chất thải làm ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan và đang bốc mùi hôi thối nồng nặc.
Tin, ảnh: Nguyễn Trọng Lịch