Giấy chứng nhận đăng kiểm chưa sát thực tế
Dù là phương tiện giao thông đường bộ hay đường thủy, thì khâu kiểm định chất lượng phương tiện cũng đều “có vấn đề”...
Lâu nay, việc đăng kiểm các phương tiện cơ giới, cấp giấy chứng nhận kiểm định và an toàn kỹ thuật, bảo vệ môi trường gần như bị bỏ ngỏ, xem nhẹ, dẫn đến con số 30% phương tiện xe chở khách, xe buýt dù không đủ điều kiện kỹ thuật và khí thải nhưng vẫn lưu hành, hoạt động... Thực tế này cho thấy những bất cập của "giấy chứng nhận sức khỏe" cho các loại phương tiện tham gia giao thông.
Đăng kiểm viên kiểm tra hệ thống động cơ xe. Ảnh: Hoàng Hùng – TTXVN |
Sau đăng kiểm, giấy chứng nhận kiểm định mang ý nghĩa như giấy "khám sức khỏe", giấy phép đầu ra cho phương tiện hoạt động. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, quy trình cấp giấy chứng nhận này lại rất hình thức. Tìm hiểu ở một số trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới Hà Nội, câu chuyện chạy giấy đăng kiểm không có gì là lạ qua đám “cò”, thậm chí giấy chứng nhận kiểm định đều có "giá" cho mỗi loại xe...
Theo quy trình đăng kiểm của Cục Đăng kiểm Việt Nam, mỗi lần đăng kiểm cấp giấy chứng nhận kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ gồm 5 công đoạn, 56 hạng mục, trong khi khoảng thời gian đăng kiểm cho mỗi phương tiện không nhiều, thường chỉ 30 phút. Do đó, nếu không phải phương tiện mới 100%, thì đối với các xe đã qua sử dụng, các công đoạn kiểm định chủ yếu là trọng lượng phanh, khí thải khói bụi có đảm bảo theo tiêu chuẩn không... Mọi công đoạn kiểm tra hầu hết đều được cơ giới hóa, do hệ thống máy tự đo và nạp dữ liệu vào máy tính.
Đề án “Nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và phương tiện thủy nội địa, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông” vừa được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt. Đề án này tập trung vào các giải pháp chấn chỉnh các hiện tượng tiêu cực và thắt chặt công tác đăng kiểm phương tiện, với mục tiêu đưa hoạt động đăng kiểm trở thành “người gác cửa an toàn” cho giao thông. |
Qua đó, máy tính sẽ so sánh với các chỉ số chuẩn của từng hạng mục để đưa ra kết luận đạt hay không đạt... Song, bất cập nảy sinh trong quá trình đăng kiểm, khi phương tiện đăng kiểm chỉ cần thay đổi về màu sơn ở các chi tiết cần đăng kiểm, thì hệ thống máy tự đo sẽ khó phát hiện...
Còn theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, đến nay, cả nước vẫn còn hơn nửa triệu phương tiện thủy đang hoạt động ngoài tầm kiểm soát. Mặc dù từ năm 2011 đến nay, Cục đã xây dựng, dự thảo hàng loạt văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, trực tiếp góp phần giúp giảm bớt các thủ tục hành chính, tài chính như: Quy định chi tiết thành phần hồ sơ, trình tự thủ tục cấp giấy chứng nhận đăng ký, thủ tục xóa đăng ký phương tiện thủy nội địa; quy định miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện thủy nội địa không có động cơ trọng tải toàn phần đến 15 tấn; quy định lệ phí đăng ký...
Tuy nhiên, số lượng phương tiện thủy đăng ký mới từ năm 2011 đến nay tăng thêm không đáng kể, nguyên nhân là do nhiều địa phương chưa thực sự chú trọng đến công tác này.
Đến nay trên cả nước mới có 28 địa phương ban hành quy định về quản lý phương tiện cỡ nhỏ và tiến hành phân cấp cho đơn vị giao thông cấp dưới thực hiện công tác đăng ký theo quy định. Trong khi đó, nhiều địa phương chưa tổ chức bộ máy, bố trí định biên cán bộ, cũng như nguồn kinh phí để thực hiện quản lý chuyên ngành công tác này.
Đẩy mạnh xã hội hóa công tác đăng kiểm Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam Nguyễn Hữu Trí: Triển khai các giải pháp thực hiện đề án này, Cục đang tập trung kiện toàn các đơn vị đăng kiểm theo mô hình xã hội hóa. Theo đó, Cục đang tham mưu cho Bộ Giao thông Vận tải sửa đổi, bổ sung các quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của các trung tâm đăng kiểm xe cơ giới theo nguyên tắc các thành phần kinh tế đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất của các trung tâm đăng kiểm; công chức, viên chức thuộc các Sở Giao thông Vận tải địa phương thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới. Riêng đối với các trung tâm đăng kiểm thuộc các Sở Giao thông Vận tải nếu có chủ trương cổ phần hóa phần cơ sở vật chất, các Sở vẫn trực tiếp tổ chức đội ngũ cán bộ, đăng kiểm viên hiện đang là công chức, viên chức để tiếp tục thực hiện công tác kiểm định xe cơ giới. Mấu chốt quản lý là chính quyền địa phương Trưởng phòng Tàu sông (Cục Đăng kiểm Việt Nam) Đỗ Trung Học: Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng đăng ký, đăng kiểm đò ngang hạn chế thời gian qua là do chính quyền các địa phương chưa thực sự thể hiện rõ trách nhiệm trong công tác quản lý. Nhiều nơi chỉ ban hành văn bản yêu cầu cơ quan chức năng tổ chức đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy, mà không đề cập biện pháp tháo gỡ vướng mắc cho người dân. Do đó, nhiều chủ phương tiện trốn tránh nghĩa vụ đăng kiểm, trong khi công tác thanh tra, kiểm soát, xử lý vi phạm đường thủy của cơ quan chức năng nhiều nơi chưa làm quyết liệt, thậm chí có nơi lực lượng chức năng không tiếp cận được chủ phương tiện. Có thể thấy rõ, mấu chốt quản lý đăng ký, đăng kiểm phương tiện thủy nội địa hiện nay là sự vào cuộc của chính quyền địa phương. Góp phần giảm tai nạn giao thông Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Mạnh Hùng: Việc nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm sẽ góp phần quan trọng vào việc giảm tai nạn giao thông. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đề án, các cơ quan liên quan cần thực hiện theo hướng mở, tức là cập nhật thường xuyên thực tế đăng kiểm và dưới Đề án cần có các dự án nhỏ với các nghiên cứu cụ thể, bài bản, khoa học để giải quyết triệt để từng vấn đề tồn tại, phát sinh. Đặc biệt, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác đăng kiểm phù hợp với thực tế hiện nay, nhưng Cục Đăng kiểm Việt Nam cần phối hợp với các cơ quan trong và ngoài ngành cần tập trung kiểm tra, rà soát, để tổng kết đánh giá kết quả, từ đó hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp, trong đó chú trọng sự minh bạch, công khai. |
Nguyễn Tiến