Hàng ngày, ông Đinh Văn Ben cùng hơn 40 hộ dân khác tại thôn Mang Tà Bể, xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) bất đắt dĩ phải mạo hiểm đi trên chiếc cầu treo dài gần 80 mét bắc qua con suối Nước Bua.
Cây cầu được dựng tạm bợ bằng lồ ô, dây rừng, dây thép mỏng. Do cầu đã được dựng nhiều năm nên nhiều điểm dây buộc, thanh gỗ đã hư hỏng, để lại những mảng trống rộng và có thể đổ sập bất cứ lúc nào.
Ông Đinh Văn Ben, Trưởng khu dân cư Mang Tà Bể, cho hay: Nếu không đi qua cây cầu này thì không còn cách nào để qua suối, mà suối thì sâu, nhiều tảng đá, nên dù lo sợ nhưng bà con vẫn phải đi qua. Vào mùa nắng còn đỡ nhưng vào mùa mưa bão thì nước suối lớn, lại thêm mưa gió nên mỗi lần phải qua cầu là như đánh cược số phận với tử thần.
Ông Cao Văn Chung, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Bua cho biết: Cây cầu này được nhân dân trong vùng xây dựng cách đây gần 10 năm. Những năm gần đây, năm nào chính quyền cũng vận động bà con góp kinh phí để tu sửa cầu, nhưng vì điều kiện của địa phương còn hạn chế cho nên chỉ sửa chữa được một số điểm hư hỏng nặng, còn để làm kiên cố thì xã không đủ kinh phí.
Ở huyện miền núi Sơn Tây không chỉ có chiếc cầu bắc qua suối Nước Bua mà ngay khu vực trung tâm huyện, nhiều năm rồi chiếc cầu treo bắc qua suối Huy Măng vẫn hoạt động quanh năm với hàng trăm lượt người qua lại mỗi ngày, dù chiếc cầu này nằm trong danh sách không đảm bảo an toàn.
Theo thống kê, toàn huyện Sơn Tây hiện có 24 cầu treo, cầu tạm bợ không đảm bảo an toàn nhưng hằng ngày người dân vẫn phải đánh cược với mạng sống của mình mỗi khi qua cầu.
Ông Đinh Quang Ven, Phó Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết: Qua thực tế kiểm tra, huyện có 24 cây cầu treo dân sinh hư hỏng nặng, trong mùa mưa bão thì không thể đi qua được. UBND huyện đã báo cáo với Sở Giao thông Vận tải và yêu cầu cấm hoạt động tất cả các cầu này trong mùa mưa, nhưng trong thực tế cuộc sống, do nhu cầu đi lại, nếu không qua cầu thì không thể đến trung tâm xã, huyện và đi làm ăn nên bà con vẫn liều mình đi qua.
Theo ông Ven, nếu muốn khắc phục, xây dựng kiên cố các cầu treo này thì cần một nguồn kinh phí rất lớn, số tiền này nằm ngoài tầm ngân sách của huyện. Do đó, trước mắt UBND huyện tuyên truyền, vận động nhân dân tuyệt đối tuân thủ không được qua lại các cây cầu treo này vào ngày mưa bão, đồng thời đề xuất với cấp trên nhanh chóng hỗ trợ kinh phí để sớm khắc phục sửa chữa các cầu này, từ cầu treo thành cầu cứng để đảm bảo cuộc sống, sinh mạng của bà con.
Còn tại thôn Trà Na, xã Trà Phong (huyện Tây Trà), hàng ngày có hàng trăm người dân phải đi qua cây cầu treo bắc qua suối Cốc. Cây cầu có chiều dài hơn 40 mét, cách mặt nước hơn 5 mét, cầu được làm bằng câu lồ ô và dây rừng. Phía dưới là dòng nước chảy siết và những tảng đá lởm chởm. Cầu được xem là con đường huyết mạch của 95 hộ dân với hơn 500 nhân khẩu, nối thôn Trà Na, Trà Reo với trung tâm xã Trà Phong.
Đã nhiều năm nay, cây cầu treo bắc qua suối Cốc trở thành nỗi ám ảnh của người dân nơi đây vào mùa mưa bão. Chị Hồ Thị Thảo, xã Trà Phong chia sẻ: "Bà con ai cũng lo sợ khi đi qua cầu nhưng mà không qua thì làm sao đưa con đi học, đi chợ, đi làm. Vào những ngày mưa bão, mình đành cho con nghỉ học, trong nhà phải dự trữ những thực phẩm vì không ai dám qua cầu".
Anh Hồ Văn Chơm, Trưởng thôn Trà Reo, xã Trà Phong cho biết: Cây cầu treo tạm bợ này giờ sắp không trụ vững sau nhiều mùa mưa bão rồi. Mỗi ngày có hàng chục học sinh và người dân vẫn phải đối mặt với hiểm nguy khi qua cầu. Mong chính quyền hỗ trợ để bà con có một cây cầu kiên cố, an toàn.
Nguy hiểm là thế, nhưng hàng ngày người dân ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi vẫn phải đi đi về về trên những chiếc cầu treo tạm bợ để đưa con đến trường, làm ăn, kiếm sống. Bà con mong chính quyền các cấp sớm có phương án hỗ trợ để có được những cây cầu kiên cố, đảm bảo an toàn tính mạng, của cải khi qua cầu.