Trong báo cáo gửi Chính phủ của Bộ LĐTBXH về việc xử lý các kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, có nội dung liên quan đến giảm giờ làm việc.
Trước đó, khi đề xuất nội dung này, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dẫn Nghị quyết số 101/2019/QH14 của Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, nêu rõ: “giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, nghiên cứu đề xuất giảm thời giờ làm việc bình thường đối với người lao động thấp hơn 48 giờ/tuần, và báo cáo Quốc hội xem xét vào thời điểm thích hợp".
Tổ chức công đoàn kiến nghị Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu sớm thực hiện nội dung Nghị quyết 101/2019/QH14. Từ đó, hướng tới đảm bảo sự công bằng giữa thời giờ làm việc của người lao động khu vực cơ quan, hành chính nhà nước, hiện là 40 giờ/tuần, và khu vực doanh nghiệp (48 giờ/tuần). Đồng thời, tạo điều kiện để người lao động nghỉ ngơi, tái sản xuất sức lao động, chăm sóc con cái, đảm bảo hạnh phúc gia đình.
Phản hồi về kiến nghị của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết việc giảm giờ làm việc bình thường xuống dưới 48 giờ/tuần là một chính sách có tác động lớn đến kinh tế - xã hội.
Vì vậy, Bộ sẽ nghiên cứu đầy đủ các cơ sở khoa học và thực tiễn, để bảo đảm tính khả thi khi đề xuất chính sách này trong quá trình sửa đổi, bổ sung Bộ luật Lao động.
Hiện Bộ luật Lao động 2019 quy định thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần, nhưng phải thông báo cho người lao động biết. Trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ trong 1 tuần.
Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm giới hạn thời gian làm việc tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại đúng theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và pháp luật có liên quan.
Như vậy, người sử dụng lao động phải đảm bảo số giờ làm bình thường của người lao động không quá 8 giờ trong 1 ngày, và không quá 48 giờ trong 1 tuần đối với thời giờ làm việc bình thường.
Trường hợp làm việc theo tuần, thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ/ngày và không quá 48 giờ/tuần.
Thực tế, đề xuất giảm giờ làm việc đã nhiều lần được các tổ chức, chuyên gia nhiều lần đề cập trước đó, cả trong quá trình xây dựng Bộ luật Lao động 2019. Đây cũng là một trong những nội dung kiến nghị của công nhân lao động gửi đến Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam hồi tháng 12 năm ngoái.
Tại chương trình phát động tháng Công nhân và tháng Hành động vệ sinh, an toàn lao động, trao đổi với phóng viên báo Tin tức, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cũng lý giải: "Đề xuất giảm giờ làm đã được công đoàn góp ý khi xây dựng Luật Lao động năm 2019 và được khuyến khích doanh nghiệp giảm giờ làm cho người lao động. Đến thời điểm hiện nay, các doanh nghiệp cũng xây dựng hoạt động kinh doanh phù hợp và điểu chỉnh thời gian giảm giờ làm việc theo từng đơn vị. Thực tế, việc giảm giờ làm cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động góp phần phục hồi sức khoẻ, giành thời gian cho gia đình, con cái và tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ... Qua đó, các hoạt động này góp phần đảm bảo an toàn lao động".
“Còn liên quan đến làm thêm giờ của công nhân, lao động vì thu nhập thấp do tiền lương làm trong thời gian chính không đủ nên công nhân phải làm tăng ca. Do đó, không chỉ giảm giờ làm mà còn là điều chỉnh tiền lương người lao động để người lao động làm đủ 8 tiếng, người lao đông đủ thu nhập để không bán sức lao động để có thêm thu nhập”, bà Ngân lập luận.