Với một năm gần như không có mùa đông như năm nay, đã khiến cho người trồng đào Nhật Tân (Hà Nội) rơi lệ, bởi hoa đào nở sớm, người dân thất thu.
Ngay từ khoảng mùng 3 Tết, những người nông dân đã hối hả cắt tỉa, “mót” những cành đào còn sót lại để bán cho người đi lễ chùa đầu năm và trưng trên ban thờ trong ngày rằm tháng Giêng.
Những ngày này, khắp mọi con đường Hà Nội là những xe chở đào cành, đào tăm nở muộn được đưa xuống phố phục vụ người dân ăn rằm tháng Giêng.
Chị Phương Anh, một người dân làng đào Nhật Tân cho biết, ngay từ trong Tết, vợ chồng chị đã chủ động vun vén, chăm sóc các gốc đào còn sót lại, “canh” cho hoa khoe sắc đúng dịp rằm tháng Giêng để cắt bán với hy vọng thu về chút ít, bù lại cho số hoa đã bung nở trước Tết.
Đào Nhật Tân được nhiều người dân chọn lựa. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN
|
Đào phục vụ rằm tháng Giêng phần lớn là đào cành, đào tăm. Trong thời gian này, người chơi không chọn đào theo dáng, theo thế mà chọn theo sắc đào. Cành đào để bày trên bàn thờ tổ tiên phải nhiều lộc hơn hoa và lá xanh biếc báo hiệu một năm sung túc, nhiều tài lộc. Mỗi cành đào có giá 50.000 - 100.000 đồng tùy theo kích cỡ và độ nở của hoa.
Đào tăm là những đoạn nhỏ, “mót” lại từ những gốc đào lớn và bó thành những bó vừa một nắm tay. Đào tăm bán khá chạy, giá của mỗi bó dao động từ 10.000 - 30.000 đồng. Không chỉ được bày bán tại các chợ hoa, đào tăm còn theo chân những gánh hàng rong đi đến mọi ngõ ngách của Thủ đô để phục vụ người dân.
Cầm trên tay bó đào tăm thắm sắc xuân mua của gánh hoa dạo bên đường Phan Huy Chú, cô Thanh Mai (Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ, rằm tháng Giêng năm nào trên bàn thờ gia tiên nhà cô cũng bày một cành đào, vừa để dâng lên tổ tiên, vừa để níu giữ chút vị xuân, vị Tết đang qua dần. Mọi năm, cô thường mua đào cành cắm trong lọ nhưng năm nay, cô Mai chọn đào tăm để thay đổi không khí.
Theo các chuyên gia văn hóa, thì với người Hà Nội xưa, việc mua đào cúng rằm tháng Giêng còn thể hiện sự hết Tết. Theo đó, dân gian có câu “Tết cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, những cành đào cuối mùa mọi người mua về để cúng gia tiên và tiễn ông bà sau khi về sum vầy cùng con cháu.
Ngoài ra, với người miền Bắc chính là sắc xuân cuối còn sót lại báo hiệu cho những ngày nghỉ Tết kết thúc, mọi người bắt đầu vào mùa vụ mới. Mâm cơm cúng Rằm cũng chính là mâm cơm hết Tết. Với nhiều gia đình, ngày cúng Rằm tháng Giêng cũng chính là ngày hóa vàng và sau đó, mọi người sẽ bắt tay ngay vào công việc đồng áng của một năm.
Ngoài đào cành và đào tăm, thời điểm này, tại các chợ hoa Hà Nội, đặc biệt là dọc tuyến đường Âu Cơ (cổng chợ hoa Quảng An), đào rừng đua nhau khoe sắc trong tiết trời se lạnh. Mỗi cành đào rừng có giá từ vài trăm đến cả triệu đồng nhưng vẫn thu hút sự chú ý của người chơi hoa Hà thành.
Anh Nguyễn Văn Toàn, người bán đào niềm nở giới thiệu, những gốc đào này được đưa từ vùng núi cao Lạng Sơn về. Đào rừng rất khỏe, chơi được lâu, nhiều thân đào còn phủ rêu tự nhiên, mộc mạc nên khá “được lòng” người chơi. Những cành đào của anh Toàn được bán với giá từ 100.000 - 1.000.000 đồng/cành tùy vào kích thước.
Thú chơi đào rằm tháng Giêng của người dân Hà Nội đã tồn tại từ nhiều đời nay. Dù đào được bán với giá cao hơn những năm trước nhưng với quan niệm “cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng” cùng niềm hy vọng vào một năm mới khởi sắc, nhiều người vẫn kỳ công tìm cho gia đình một cành đào ưng ý. Những cánh đào cuối mùa giống như chút sắc xuân còn vương vấn, là dấu hiệu kết thúc một cái Tết no đủ, an yên, bắt đầu một năm mới rộn rã, tươi vui.