Hàng năm có rất nhiều vụ tai nạn trên biển, trong đó tai nạn do lặn chiếm tỉ lệ đáng kể, thường để lại những hậu quả rất nặng nề cho ngư dân và gia đình như: tử vong, tàn phế do liệt não, liệt do tổn thương tủy sống… Để giúp ngư dân hạn chế thấp nhất những rủi ro, phòng ngừa giảm thiểu tai nạn, an tâm bám biển, cuối tháng 5 vừa qua tổ chức Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học và đời sống (AFEPS) đã mở lớp đào tạo kỹ thuật lặn và cấp cứu tai nạn cho ngư dân huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi.
Huyện đảo Lý Sơn cách bờ biển Quảng Ngãi khoảng 15 hải lý về phía Đông Bắc; có diện tích 10,32 km2, huyện có 5.575 hộ gia đình, với hơn 21.662 nhân khẩu, người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng hành, tỏi, đánh bắt hải sản. Toàn huyện có 426 phương tiện tàu thuyền hành nghề trên biển; trong đó có hơn 153 phương tiện với 1.830 lao động khai thác hải sản bằng nghề lặn ở độ sâu từ 10 đến 70m. Địa bàn hoạt động chủ yếu là ở vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa và các vùng biển xa bờ.
Ngư dân xã Phổ Thạnh (Đức Phổ) kiểm tra ngư lưới cụ trước khi cho tàu xuất bến. Ảnh: Mỹ Hoa. |
Khi hành nghề trên biển, ngư dân thường dùng các thiết bị lặn tự chế, thô sơ, thợ lặn không được trang bị quần áo bảo hộ chuyên dụng, không có kỹ năng phòng, chống tai nạn. Khi gặp phải tai nạn đại đa số không biết cách xử trí. Theo thống kê từ năm 2005 đến nay, toàn huyện có 66 người tử vong với nhiều lý do có liên quan đến tai nạn trên biển.
Trước nhu cầu bức thiết của ngư dân, tổ chức Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học và đời sống đã mở lớp đào tạo thợ lặn, nhiều ngư dân đã đến tham gia với mong muốn tiếp thu những kiến thức khoa học phục vụ bản thân và bạn lặn. Anh Lâm Thành Nỗi, Thuyền trưởng tàu cá QNg 9618 TS, xã An Vĩnh, huyện Lý Sơn cho biết: "Từ khi nghỉ học, tôi đã theo bố đi biển hành nghề lặn khai thác hải sản. Trình độ chuyên môn không có, nên nếu có sự cố xảy ra trên biển thì rất khó xử lý. Sau khi được các chuyên gia về đào tạo, tôi cảm thấy rất tự tin và sẽ trang bị thêm một số đồ dùng phục vụ việc đi biển để tiếp tục vươn khơi bám biển".
Từ ngày 19/5 đến ngày 30/5/2014, tổ chức Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học và đời sống đã hướng dẫn những kỹ thuật lặn an toàn, kỹ năng phòng chống thiên tai, trang bị đầy đủ quần áo bảo hộ chuyên dụng, thiết bị phục vụ cấp cứu trên biển; khuyến cáo ngư dân không nên áp dụng phương pháp lặn hiện tại vì có thể gặp sự cố nguy hiểm. Qua 12 ngày huấn luyện, các ngư dân tham gia khóa học đã đảm trách được việc sơ cấp cứu khi có tai nạn, ứng dụng thành thạo các kiến thức cơ bản về việc phòng ngừa tai nạn trên biển. Cách nhận biết triệu chứng của ngư dân có vấn đề về sức khỏe sau khi lặn, chăm sóc nạn nhân trên đường đưa đi cấp cứu. Làm chủ kỹ thuật bơi có trang bị chân nhái, kỹ thuật thở trong trường hợp hệ thống cung cấp khí gặp sự cố.
Ông Blatteau Jean-Eric, Đại diện tổ chức Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học và đời sống cho biết: "Chúng tôi đã nghiên cứu những vấn đề xảy ra với ngư dân lặn Lý Sơn từ năm 1998 do viện Pasteur Nha Trang đề xuất và đã huấn luyện cho những người bác sĩ chuyên ngành ở Việt Nam để họ hỗ trợ thợ lặn. Đồng thời đào tạo một đội ngũ thợ lặn để từ đó họ tập huấn cho những người thợ lặn khác. Chúng tôi nhận thấy đây là phương pháp để ngư dân lý Sơn giảm thiểu nhưng tai nạn do lặn".
Với những kiến thức được trang bị qua tổ chức Hội Pháp ngữ hỗ trợ và phát triển khoa học và đời sống (AFEPS), ngư dân Lý Sơn có thể áp dụng trong thực tiễn để giảm thiểu những tai nạn trên biển, yên tâm bám biển khai thác hải sản, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Đinh Thị Hương