Những ngày này, tại khu vườn đào 27ha Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) đã có nhiều người đến xem và chọn đào. Đào thế năm nay được nhiều đơn vị, doanh nghiệp chọn mua nhất.
Đào thế Nhật Tân khoe sắc. |
Ông Nguyễn Văn Sơn, chủ vườn đào Nhật Tân cho biết: “Thời điểm trước Tết tầm 20 ngày, chủ yếu là các doanh nghiệp chọn cây đào thế đặt trước đại sảnh để trang trí trước Tết, chứ chính Tết và sau Tết mọi người về quê, còn ai xem”.
Đào ở Nhật Tân chia làm nhiều loại, loại đào phổ thông để bán dịp Tết trang trí gia đình gọi là đào thông, đào long (được uốn hình con rồng), đào cành (đào tròn). “Còn chục năm trở lại đây xuất hiện chơi đào thế với gốc là cây đào cổ thụ, đào rừng được chuyển từ miền núi về và được ghép mắt là giống đào Nhật Tân. Do chơi đào thế giá đắt nên chủ yếu là doanh nghiệp và các “đại gia”. Còn sành điệu và am tường về hoa đào thì chơi đào thất thốn (cây nhỏ, ít hoa nhưng nhiều cánh)”, ông Sơn cho biết.
Khu vườn đào 27 ha vùng bãi ven sông Hồng được quy hoạch là vùng bảo tồn đào Nhật Tân. Tại đây, có hàng trăm hộ tham gia thuê đất trồng đào, tận dụng từng mét vuông đất để trồng. Tuy nhiên trồng đào thế chỉ có khoảng 50 hộ bởi phải có vốn, kỹ thuật. Anh Sơn, một trong số những chủ vườn đào cho biết: “Từ trước đến nay, người dân chủ yếu chơi đào cành. Gần đây, khi kinh tế phát triển, tâm lý của một số người thích chơi cả cây đào cảnh với gốc cây to, cổ kính nhưng cành đào nhỏ vừa tầm, nhiều hoa. Mà ở khu Nhật Tân này, bây giờ đô thị hóa lấy đâu gốc đào cổ, nên gốc chủ yếu là đào rừng, sau đó được ghép mắt là giống đào Nhật Tân. Loại đào thế này, khách hàng mua nhiều do thế cây lạ, gốc to trông cổ kính và mang hoa sắc đào Nhật Tân với cánh dày, to, đậm hơn sắc hoa vùng khác. Theo quan niệm của nhiều người, cành đào như vậy sẽ mang tới nhiều “lộc” cho gia chủ. Chính vì vậy khoảng 6 - 7 năm trở lại đây, chơi đào thế rất phát triển. Có những “thế” như Ngũ phúc (có 5 thân to); Tam đa Phúc Lộc Thọ (3 thân); Tiểu muội, Huynh đệ (những cây đào có 2 thân)…”.
Gốc đào rừng mới được trồng chờ ghép mắt đào Nhật Tân. |
Chơi đào thế khá đắt, lại mất công chăm sóc nên phần lớn người chơi đều thuê chơi dịp Tết. Giá thuê đào thế không dưới 4 triệu đồng/cây. Có những cây đào gốc to, hoa đẹp giá khoảng vài chục triệu đồng.
Trên thị trường, gốc đào rừng mua “đổ đồng” khoảng 1 triệu đồng/gốc, gốc nào đẹp giá lên đến 2 triệu đồng. Sau đó, các chủ vườn sẽ trồng trong vườn với chế độ chăm sóc đặc biệt về tưới nước, phun thuốc kích thích. Riêng những vết cắt ngang thân sẽ được phủ nilông để giữ độ ẩm. Khi nào nhựa sùi lên phủ kín vết cắt cũng là lúc có thể cấy mắt giống đào Nhật Tân. Sau đó thường xuyên chăm sóc đúng kỹ thuật thì 1 năm sau có thể có cành và nở hoa như ý. Thông thường từ tháng 1 đến tháng 8 có 4 lần sục rễ. Đến tầm tháng 8 khoanh gốc đào, cành đào. “Kỹ thuật khoanh sẽ quyết định thành công của việc ra hoa. Nếu khoanh sâu quá thì đào sẽ chết, còn khoanh nhẹ thì đào không ra hoa. Đó chính là bí kíp và là cái duyên của người trồng đào”, anh Sơn cho biết. Nếu không ra hoa thì phải “nâng đào” bởi nguyên tắc là khô cằn mới ra “mắt đào” được. Với những cây đào thế, do gốc bốc lên bốc xuống nên chỉ khai thác khoảng 4-5 năm là phải thải hồi vì gốc đó thoái hóa, trồng tiếp cây trông xấu và hoa không đẹp.
Trồng đào phụ thuộc đến 70% vào thời tiết, nếu giá rét căm căm đến rằm thì đào sẽ nở đúng dịp Tết, hoa đẹp. Tuy nhiên, với đào thế, sau Tết Dương lịch đã có đơn vị, doanh nghiệp đến chọn đào và mang đi trang trí để đón không khí Tết truyền thống cận kề. “Những cây nào được yêu cầu “đánh đi trưng diện” sớm sẽ được tưới nước nhiều hơn. Nói chung mỗi làng một nghề và đều có những bí kíp riêng, khu quy hoạch đào 27 ha là nơi duy nhất hiện nay ở Nhật Tân trồng đào và chỉ nơi này mới cho đào đặc trưng như cánh hoa to, đậm sắc nên có người từ các tỉnh đến đây làm việc và học kỹ thuật nhưng khi về quê không áp dụng được. Đó chính là nét riêng của đào Nhật Tân mà cứ dịp Tết đến xuân về, nhiều người vẫn đến đây chọn cây đào ưng ý để mong một cái Tết vui vẻ, nhiều “lộc” cho năm mới.
Bài và ảnh: Xuân Cường