Đạp xe xuyên Việt vì môi trường: Bà cụ tóc bạc và hành trình xanh

Chiếc bánh sinh nhật với những ngọn nến lung linh và dòng chữ “Chúc mừng sinh nhật bác Trần Thị Kim Tuy 70 tuổi” được mang ra trong tiếng vỗ tay giòn giã. Lần đầu tiên được tổ chức sinh nhật ở một nơi rất xa nhà- đó là một trong những kỉ niệm khó quên về hành trình đạp xe xuyên Việt vì môi trường năm 2008 của bà Trần Thị Kim Tuy.

Từ tình yêu môi trường…

Chúng tôi vượt quãng đường dài hơn 20km từ trung tâm Hà Nội đến xã Duyên Thái, huyện Thường Tín (ngoại thành Hà Nội) để tìm về nhà bà. Hình ảnh đầu tiên về bà cụ 73 tuổi này khiến tôi cảm thấy rất ấn tượng là mái tóc bạc trắng, khuôn mặt hiền hậu như một nhân vật trong truyện cổ tích. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy, bà Tuy vẫn đạp xe hằng ngày, hằng tuần để rèn luyện sức khỏe và kêu gọi mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Còn một điều đặc biệt nữa là bà cụ đã hai lần xuyên Việt bằng chiếc xe đạp đơn sơ của mình.

Bà Tuy cùng gia đình tại lễ xuất quân xuyên Việt năm 2009.


Năm 2007, bà tham gia Câu lạc bộ Đạp xe Người cao tuổi của TP Hà Nội. Ngay trong năm đó bà đạp xe từ Hà Nội lên Lũng Cú – vùng đất địa đầu Tổ quốc. Tháng 6 năm sau, bà không ngần ngại đăng kí tham gia Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường của một số sinh viên Hà Nội. Một tháng sau khi tham gia, bà cùng CLB tổ chức đạp xe xuyên Việt theo quốc lộ 1A từ Hà Nội vào TP Hồ Chí Minh để tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường.

“Tôi nghĩ người già cũng có thể tham gia bảo vệ môi trường. Thậm chí, họ còn làm chương trình thêm nhiều ý nghĩa”, bà nhớ lại. Vì thế, không tham gia một mình, bà còn kêu gọi các thành viên cao tuổi khác cùng tham gia. Kết quả là chuyến xuyên Việt tháng 7/2008, với một nửa số thành viên là người cao tuổi, đã thành công tốt đẹp. Bà Tuy trở thành thành viên già nhất nhưng nhiệt huyết nhất, luôn dẫn đầu đoàn.

Nhờ có việc luyện tập thường xuyên nên việc đạp xe xuyên Việt không gây nhiều khó khăn cho bà. Trước khi lên đường, bà đã chuẩn bị đầy đủ hành lý, trong đó không thể thiếu là những loại thuốc bổ, dầu gió, băng gạc… “Người y tá” của đoàn đạp xe nói: “Đi xa nên phải chuẩn bị kĩ càng một chút, không chỉ cho mình mà cho cả đoàn”.

Bà Tuy (thứ 4 từ phải sang) cùng đoàn đạp xe xuyên Việt năm 2009 tại Di tích Cột mốc số 0 (Tân Kỳ, Nghệ An).


Mỗi ngày, đoạn đường đạp xe khoảng 50-70 km. Đi khoảng 15-20km thì nghỉ lấy sức. Bí quyết đạp xe đường dài của bà là hít thở thật đều, đồng thời luôn giữ một tốc độ vừa phải, đạp đều chân để tận dụng đà của xe để không bị mất sức. Nhờ vậy mà bà Tuy luôn trong top dẫn đầu đoàn đạp xe, “ăn đứt” nhiều bạn trẻ.

Năm 2009, bà Tuy tiếp tục tham gia chương trình xuyên Việt với chủ đề: “Hành trình theo dãy Trường Sơn”. Khi nghe phóng viên hỏi đạp xe trên đường Trường Sơn gập ghềnh như vậy có mệt không, bà vui vẻ trả lời: “Có đôi lúc lên dốc xuống đèo thì cũng mệt, tôi phải xuống dắt bộ. Nhưng nhìn các cháu sinh viên đầy nhiệt huyết, tôi như được tiếp thêm sức mạnh”.

Không chỉ nhiệt tình đạp xe, bà Tuy còn hăng hái tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường do Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường tổ chức. Cứ mỗi sáng chủ nhật hàng tuần, bà Tuy lại dậy rất sớm để đạp xe vào trung tâm thành phố, tập trung tại hồ Ngọc Khánh và cùng các thành viên trong câu lạc bộ dọn dẹp vệ sinh tại những hồ nước, địa điểm công cộng của Thủ đô. Hình ảnh một bà lão tóc bạc đạp xe với những lá cờ khẩu hiệu sau lưng: “Đi xe đạp để bảo vệ môi trường” hay “Hãy bỏ rác vào thùng” đã không còn xa lạ với những người dân xã Duyên Thái và cả những nơi bà hay đạp xe qua.

Sẽ đạp xe đến khi nào còn có thể…

Sau thành công của hai lần đạp xe xuyên Việt trước, bà Tuy nói sẽ tiếp tục đạp đến khi không còn sức để đạp nữa mới thôi. Chúng tôi đến thăm bà đúng thời điểm bà bị đau chân. Bà bảo cũng vì chuyện này mà tháng 7 vừa qua đã không thể vào Huế đón đoàn xuyên Việt 2011 được. Nhưng năm tới, nếu không có vấn đề gì về sức khỏe, bà sẽ tham gia chương trình đạp xe sang nước bạn Lào.

Bà Tuy (thứ 6 từ phải sang, hàng đầu) cùng đoàn đạp xe xuyên Việt năm 2008 dưới chân tượng đài Chiến thắng Long Khánh (Đồng Nai)


Đằng sau “kì tích” 2 lần xuyên Việt của bà Tuy là sự ủng hộ, hưởng ứng của các con, các cháu trong gia đình bà. Mọi người không những không ngăn cản mà còn mong bà đạp xe cho khuây khỏa. Bà Tuy nói: “Các con tôi rất ủng hộ mẹ. Khi tôi lên đường chúng còn ra tiễn và thường xuyên liên lạc hỏi han trong suốt hành trình”.

Bà Tuy rất quan tâm, gần gũi với các bạn sinh viên, thanh niên. Do vậy các bạn trẻ rất quý mến bà. Những hoạt động tình nguyện như đạp xe quanh thành phố hay tuyên truyền người dân bảo vệ môi trường đều trở nên vui hơn khi có bà tham gia cùng. Bạn Lê Thị Ngàn (cựu thành viên đoàn đạp xe năm 2008) cho biết: “Bà thường mua đồ ăn cho mọi người khi thấy mọi người mệt, quan tâm đến sức khỏe chung của đoàn đạp xe”. Còn theo anh Đoàn Việt Tiến (Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đạp xe vì môi trường): “Nhờ có các bác cao tuổi như bác Tuy mà hoạt động bảo vệ môi trường trở nên có ý nghĩa hơn”.

Bài và ảnh: Dương Nam Hoàng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN