Biến đổi khí hậu:

Đất ngập nước giúp giảm nhẹ thiên tai

Đây là chủ đề Ngày đất ngập nước (2/2) năm 2017 để nâng cao nhận thức và nhấn mạnh vai trò cốt lõi của các vùng đất ngập nước trong việc giảm thiểu tác động của thời tiết cực đoan như lũ lụt, hạn hán, lốc xoáy đến cộng đồng và giúp nâng cao khả năng ứng phó.

Công ước về các vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Công ước Ramsar) được ký ngày 2/2/1971 tại thành phố Ramsar, Iran.

Vẻ đẹp hoang sơ và thanh bình của rừng ngập mặn Quốc gia Xuân Thủy. Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN

Mục đích của Công ước nhằm khẳng định vai trò, giá trị của các vùng đất ngập nước đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và biến đổi khí hậu toàn cầu.

Ban thư ký Công ước Ramsar đã yêu cầu các quốc gia hưởng ứng, tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2017. Để hưởng ứng một cách thiết thực, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản gửi các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các cơ quan thuộc Chính phủ; cơ quan Trung ương của các Ban, ngành và đoàn thể; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tổ chức các hoạt động hưởng ứng.

Cụ thể phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng ở Trung ương và địa phương để phổ biến, tuyên truyền về tầm quan trọng của các vùng đất ngập nước trong giảm nhẹ tác hại của thiên tai; kêu gọi cộng đồng cùng cam kết bảo tồn, phát triển bền vững các vùng đất ngập nước; tổ chức phát động các phong trào bảo vệ các vùng đất ngập nước; bảo tồn và sử dụng bền vững tài nguyên đất ngập nước; làm sạch môi trường trên các vùng đất ngập nước và sinh cảnh liên kết; lồng ghép nội dung về bảo tồn và sử dụng bền vững đất ngập nước vào các kế hoạch hoạt động ở cơ quan và địa phương.

Tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị tiến hành các hoạt động truyền thông thích hợp, tổ chức lễ kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới năm 2017.

Tổ chức các cuộc thi, triển lãm, xây dựng phim phóng sự về chủ đề đất ngập nước giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai và ứng phó với thời tiết cực đoan; treo áp phích, tranh cổ động, in tờ rơi và các hoạt động tuyên truyền khác tại cơ quan, địa phương để cùng cam kết bảo tồn và sử dụng khôn khéo đất ngập nước.


Năm 1989, Việt Nam đã chính thức tham gia Công ước và là quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á, quốc gia thứ 50 của thế giới cam kết bảo tồn và phát triển bền vững các vùng đất ngập nước.

Thực hiện một trong những trách nhiệm và nghĩa vụ của quốc gia thành viên Công ước Ramsar, Việt Nam đã đề cử công nhận thành công 8 khu Ramsar (Xuân Thủy, Bầu Sấu, Ba Bể, Tràm Chim, Cà Mau, Côn Đảo, U Minh Thượng, Láng Sen); đồng thời tổ chức các hoạt động kỷ niệm Ngày Đất ngập nước Thế giới 2/2 hàng năm và triển khai nhiều hoạt động về bảo tồn đất ngập nước trên toàn quốc.

Nhật Minh (TTXVN)
Sử dụng GIS để quản lí vùng đất ngập nước

Các nhà nghiên cứu của trường đại học Khoa học - Đại học Huế phối hợp với Viện Hải Dương học Nha Trang đã thực hiện thành công nghiên cứu sử dụng hệ thống thông tin địa lí (GIS) phục vụ việc bảo tồn và quản lí các vùng đất ngập nước trong đầm phá, cửa sông (công bố năm 2011).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN