Dấu hiệu lừa đảo tuyển điều dưỡng, hộ lý sang Nhật

Nghề điều dưỡng, hộ lý đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) tại Nhật Bản có nhiều quy định khắt khe, yêu cầu phải có bằng cao đẳng, đại học và trình độ tiếng Nhật từ N3 trở lên. Theo Hiệp định ký giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) là đầu mối duy nhất thực hiện chương trình tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý.


Tuy nhiên, một số doanh nghiệp, cá nhân nhập nhèm quảng cáo, tư vấn tuyển chọn và thu tiền trái phép các học viên có nhu cầu đi XKLĐ các nghề này.

Tư vấn không chính xác

Ông Bùi Văn Mậu, Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên (Trường Cao đẳng Y Hải Phòng) cho biết: “Trước đây, đại diện Công ty cổ phần du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) đã đến nhà trường và đề xuất đưa sinh viên của nhà trường sang Nhật Bản làm nghề điều dưỡng. Vì muốn tạo đầu ra cho sinh viên, nên Trường Cao đẳng Y Hải Phòng đồng ý để OSC có buổi trao đổi với sinh viên. Sau đó có khoảng 50 sinh viên đăng ký với Công ty OSC, thậm chí một số sinh viên đã đặt cọc 1 triệu đồng. Tuy nhiên, khi trường tìm hiểu về hoạt động XKLĐ sang Nhật Bản thì được biết, thẩm quyền đưa lao động sang làm việc tại Nhật Bản phải thuộc Cục Quản lý lao động nước ngoài. Nhà trường đã thông báo đến các sinh viên ngừng ngay việc phối hợp với OSC”.

Lớp học tiếng Nhật chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý.Ảnh: Thu Thủy

Tương tự, bà Thu Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Trường Cao đẳng Y tế Thái Bình cho biết: “Một số tổ chức, cá nhân đến trường giới thiệu muốn tuyển sinh viên sang Nhật Bản làm nghề hộ lý, điều dưỡng theo hình thức đi du học. Tuy nhiên, thông tin giữa việc đi làm nghề và du học khá nhập nhèm. Do đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước cần có thông tin chi tiết về việc tuyển dụng điều dưỡng, hộ lý để nhà trường định hướng cho sinh viên”.

Không chỉ đến các trường y tế giới thiệu, môi giới tư vấn, một số doanh nghiệp còn đăng quảng cáo, tư vấn trên mạng nhập nhèm tuyển điều dưỡng, hộ lý. Khảo sát qua điện thoại, phía doanh nghiệp cho biết với chi phí 200 triệu đồng họ sẽ đảm bảo vừa đi học vừa làm việc trong lĩnh vực điều dưỡng, hộ lý tại Nhật Bản với mức lương cao.

Bà Trần Thị Vân Hà (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết: Các đối tượng môi giới đang nhập nhèm thông tin tuyển điều dưỡng, hộ lý đi Nhật với hình thức du học. Theo đó, loại hình du học mục đích chính là đi học. Trong thời gian học, du học sinh được phép đi làm với thời gian nhất định theo quy định của Nhật Bản, việc đi làm còn phụ thuộc vào thời gian nghỉ phép giữa các kỳ học và thường là công việc “tay chân”, thu nhập thấp. Còn đối với nghề điều dưỡng, hộ lý thì không được phép làm nếu không có chứng chỉ nghề do phía Nhật Bản cấp. Hiện Cục Quản lý lao động ngoài nước là đơn vị duy nhất triển khai chương trình tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm trợ lý và tham dự kỳ thi chứng chỉ nghề tại Nhật Bản.

Sẽ xử lý doanh nghiệp vi phạm

Ông Vũ Trường Giang, Trưởng phòng Nhật Bản, châu Âu và Đông Nam Á (Cục Quản lý lao động ngoài nước) cho biết: “Đối với nghề điều dưỡng, hộ lý, Nhật Bản mới cấp phép cho 3 nước (Indonesia, Philippines, Việt Nam). Triển khai Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam - Nhật Bản, từ năm 2012 đến nay, Cục đã phối hợp với phía Nhật Bản tuyển chọn và đào tạo tiếng Nhật cho 3 khóa ứng viên điều dưỡng, hộ lý, với tổng số 510 người và đang tuyển khóa thứ 4 với 210 người. Hiện 290 ứng viên khóa 1 và 2 đang làm việc tại các cơ sở tiếp nhận của Nhật Bản. Theo khảo sát của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại các cơ sở tiếp nhận cho thấy, các ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam đã hòa nhập nhanh với môi trường làm việc tại Nhật Bản, mức thu nhập tốt. Đây sẽ là cơ hội đầu ra cho các sinh viên tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học chuyên ngành điều dưỡng”.

Ông Vũ Trường Giang khẳng định, đối với chương trình tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý do Cục Quản lý lao động ngoài nước triển khai, các ứng viên tham gia không phải mất chi phí tuyển chọn, đào tạo, mà còn được hỗ trợ tiền ăn, ở, sinh hoạt phí với mức khoảng 5 triệu đồng/tháng.

Hiện nghề hộ lý, điều dưỡng không có tên trong hệ thống 71 ngành nghề và 130 loại hình công việc được Nhật Bản cho phép tiếp nhận dưới hình thức thực tập sinh kỹ năng thời gian 3 đến 5 năm. Theo đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, việc mở rộng tiếp nhận thực tập sinh ngành điều dưỡng đã được đệ trình Quốc hội và Hạ viện Nhật Bản nhưng vẫn chưa được hai Viện của Nhật Bản thông qua. Do vậy, thực tập sinh kỹ năng Việt Nam chưa được phép sang thực tập ngành điều dưỡng ở Nhật Bản. Vì vậy việc các công ty quảng cáo đưa sinh viên sang Nhật học và làm việc trong lĩnh vực này là không đúng sự thật và có dấu hiệu lừa đảo.

“Cục Quản lý lao động ngoài nước đã có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp không được thực hiện tuyển chọn thực tập kỹ năng đi thực tập tại Nhật Bản ngành nghề điều dưỡng. Đồng thời, Cục cũng đã có văn bản thông tin cho các cơ quan liên quan, nhất là các cơ sở đào tạo chuyên ngành điều dưỡng về việc trên, tránh tình trạng các cá nhân, tổ chức lợi dụng, thông tin sai sự thật để tiến hành tuyển chọn và thu tiền trái phép của người lao động. Cục cũng gửi công văn tới Bộ Công an đề nghị phối hợp xác minh các doanh nghiệp đăng thông báo tuyển điều dưỡng, hộ lý đi nước ngoài làm việc. Nếu phát hiện sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật”, ông Vũ Trường Giang khẳng định.
Xuân Cường
Tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản
Tuyển ứng viên điều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật Bản

Cục Quản lý lao động ngoài nước thông báo tuyển chọn ứng viên điều dưỡng, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản đối với các ứng viên đã có chứng chỉ năng lực tiếng Nhật N1 hoặc N2

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN