Đầu năm đi lễ “đốt tiền”

Nét đẹp văn hóa đầu năm đi lễ chùa ngày nay đang dần biến tướng và không còn thuần khiết, ý nghĩa như vốn có. Ở nhiều nơi, người đi lễ chùa đã không còn được “tĩnh tâm” vì bị chi phối bởi việc sử dụng tràn lan và quá nhiều vàng mã…


 

 

Hình minh họa. Đỗ Ngọc Giang- TTXVN



Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó chủ tịch Hội đồng trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trước kia việc đốt vàng mã mang ý nghĩa nhân văn, giờ nó đã biến thiên trở nên xấu đi bởi những người có hành vi vụ lợi . Nếu cho rằng việc đốt vàng mã làm người sống cảm thấy trong lòng thanh thản hơn, an lạc hơn, thì chỉ là cách đánh lừa tâm thức, có chăng chỉ là an lạc tạm thời. Muốn tâm thảnh thơi, không có gì hay hơn là trong cuộc sống hàng ngày chúng ta thực hiện lời Phật dạy.

Còn Thượng tọa Thích Thanh Duệ, Phó Ban Nghi lễ Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam chia sẻ, đốt vàng mã một cách quá hoang phí là việc làm có tội.

Ghi nhận tại chùa Quán Sứ, nơi được coi là Quốc tự của Việt Nam dịp đầu năm Nhâm thìn, hiện tượng đốt vàng mã diễn ra thường xuyên không chỉ trong những ngày lễ. Hai chiếc lò hóa vàng mã được đặt ngay cổng ra vào đang cháy rực đỏ. Theo lời Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Trụ trì chùa Quán Sứ thì nhà chùa đã nhiều lần xây lại lò hóa cho phù hợp với nhu cầu người đi lễ. Mặc dù hiện tại được xây dựng kiên cố bằng xi măng cốt thép nhưng do sử dụng liên tục và quá nhiều nên sức nóng đã nhanh chóng làm hư hỏng.

Ở Phủ Tây Hồ hay chùa Hương cảnh đốt vàng mã diễn ra thường xuyên. Nhiều lò hóa hoạt động dường như không nghỉ vậy mà vẫn không đáp ứng nổi nhu cầu của người hành lễ.

Trên tay một mâm tiền vàng chuần bị dâng lễ tại chùa Quán Thánh, chị Trần Thị Tuyết (phố Hai Bà Trưng, Hà Nội) hồ hởi: Năm nay mình sắm đủ bộ cành quả lộc, cành cau, lúa mì, đình vàng… chi phí lên tới cả triệu đồng. Theo chị quan niệm, càng đốt nhiều thì thần thánh mới phù hộ và ban nhiều lộc phước làm ăn…

Chắc hẳn không riêng chị Tuyết, mà quan điểm này đang phổ biến bởi nhiều người làm theo trào lưu chung, còn việc đi lễ, đặt lễ như thế nào thì chính họ còn chưa hiểu thấu đáo. Nhiều người đi chùa vãn cảnh đã là một thói quen lâu nay, nhưng việc đốt vàng mã thì còn xa lạ và thậm chí vì có người rủ nên làm theo. Một nam thanh niên cho biết: Vì năm nay có Sao hạn nên đi lễ chùa cầu cho an bình, tuy nhiên các đồ lễ là do người bán hàng bảo sao thì làm thế.

Chính vì vậy, cũng là điều dễ hiểu khi mỗi dịp xuân về chúng tôi chứng kiến tại các địa điểm như: đền Trần (Nam Định), chùa Hương (Hà Nội), Yên Tử (Quảng Ninh) hay Bái Đính (Ninh Bình), đền Củi (Hà Tĩnh)… xuất hiện ngày càng nhiều những mâm lễ tiền, vàng cao ngất ngưởng. Người ta đã không còn “choáng” bởi có mâm lễ lên đến hàng chục triệu đồng, nhất là dịp giải hạn… Bên cạnh đó là khung cảnh đầy lộn xôn bởi từng đoàn người chen chúc hóa vàng trong màn khói bụi mịt mù.

Ngoài tốn kém tiền của, hiện nay các chùa, đền tuy đã xây lò đốt, bố trí khu hoá riêng, song vẫn phải đối mặt với những hệ lụy do việc đốt quá nhiều vàng mã gây ô nhiễm môi trường… Để hạn chế hành vi mê tín quá mức gây lãng phí này, ở Phủ Tây Hồ, Ban quản lý di tích đã “thiết kế” một bảng thông báo lớn, đặt ngay cổng ra vào với nội dung thực hiện Nghị định của Chính phủ, từ 1/9/2010, Phủ Tây Hồ không cho phép cúng hoặc đốt các đồ vàng mã gồm các loại hình nhân thế mạng, ông lốt, ngựa, xe, rừng cây.... Với Chùa Quán Sứ, một “đội tình nguyện” với hàng chục người do các tăng ni, phật tử làm nhiệm vụ nhắc nhở người dân hạn chế sử dụng cũng như đốt vàng mã, dọn vệ sinh khu vực xung quanh các lò đốt…


Tục lệ đốt vàng mã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân. Ngày nay, tục lệ này đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ gia đình mà còn chú trọng ở các các đền chùa.

Được biết, mỗi năm, người dân Việt Nam đốt gần 50.000 tấn vàng mã, tiêu tốn khoản tiền khổng lồ. Chỉ tính riêng ở Hà Nội số tiền tiêu tốn cho tục lệ trên lên tới trên 400 tỷ đồng/năm.

Thượng toạ Thích Thanh Nhã, Trụ trì chùa Trấn Quốc (Hà Nội) thì khuyên nhủ, chúng ta không nên lãng phí, hãy hạn chế tiền mua vàng mã để làm việc thiện cho đời . Còn một số chuyên gia Phật học cho biết, giáo lý nhà Phật không có quy định đốt vàng mã và đây là hành động mê tín quá hoang phí.

Theo Nghị định 75/2010/NĐ-CP năm 2010 “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa”, trong đó có quy định mức phạt tiền từ 500.000 - 1.000.000 đồng đối với hành vi “Đốt đồ mã tại nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử - văn hóa, nơi công cộng khác”. Tuy nhiên, việc xử phạt này ở các địa phương, chùa đền thời gian qua vẫn chưa được chú trọng và quyết liệt.
 
TTXVN/ Tin Tức
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN