Xây dựng văn hoá đọc
Thời gian qua, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều hoạt động phát triển văn hóa đọc cho người dân như: Tổ chức “Đường sách” mỗi dịp Tết; trưng bày, triển lãm các loại sách cũ; hội sách định kỳ với nhiều đầu sách giảm giá được tổ chức suốt năm… Trong đó, điểm sáng là việc đưa vào hoạt động đường sách cố định Nguyễn Văn Bình (quận 1) từ đầu năm 2016; Bởi hoạt động của đường sách cố định này, nhiều bạn trẻ của thành phố có thêm địa điểm để phát triển văn hóa đọc của mình.
Người dân TP Hồ Chí Minh đổ về khu vực đường sách Nguyễn Văn Bình khá đông vào dịp cuối tuần để đọc sách, thư giãn. |
Đang loay hoay lựa những cuốn sách “Hạt giống tâm hồn” ở đường sách Nguyễn Văn Bình, Hồ Thành Tài, sinh viên năm 2 Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP Hồ Chí Minh cho biết, văn hóa đọc của các bạn trẻ hiện nay còn khá nghèo nàn, kinh phí dành cho việc mua sách hạn hẹp. Các sinh viên như Tài muốn tiếp cận sách phải tìm đến Internet hoặc dùng điện thoại thông minh… mà những thứ đó khá tốn kém, xa xỉ. Từ ngày thành phố có đường sách Nguyễn Văn Bình, đã giúp Tài và nhiều sinh viên được tiếp cận rất nhiều đầu sách, nhiều loại thông tin khác nhau. “Mỗi khi có thời gian rảnh, em và các bạn lại ghé vào đây tìm những cuốn sách hay để đọc, vừa là tiết kiệm chi phí, lại vừa thu nạp thêm kiến thức. Ở đây, văn hóa đọc cũng được tôn vinh một cách tự nhiên, sống động và gần gũi khi xung quanh luôn tràn ngập các loại sách yêu thích và người đọc cũng rất say mê. Đây là một việc làm nhiều ý nghĩa của thành phố trong việc giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần cho giới trẻ nói riêng và người dân thành phố nói chung”, Thành Tài cho biết.
Mỗi dịp cuối tuần, khu vực đường sách lại đón hàng ngàn người dân đến thăm quan, đọc sách. Hiện đường sách Nguyễn Văn Bình có khoảng 20 đơn vị, gồm các nhà xuất bản, các công ty phát hành sách... tham gia trưng bày, bày bán các loại sách trong và ngoài nước.
Ông Nguyễn Văn Phước, Giám đốc Công ty Sách First News, cho biết: “Việc xây dựng đường sách Nguyễn Văn Bình không chỉ giúp người dân thành phố có thêm không gian văn hóa, giải trí, tìm đến với sách, mà còn là niềm tự hào về một nét văn hóa thú vị của Sài Gòn. Vì khi đến đây, người yêu văn hóa đọc được hội ngộ, giao lưu, tìm đến những tác phẩm mình yêu thích. Dần dần, góp phần hình thành thói quen đọc sách của mọi người. Cũng nhờ có đường sách, những cuốn sách hay của thế giới và Việt Nam đến được gần hơn với người đọc”.
Rút ngắn khoảng cách kiến thức
Ngoài việc xây dựng đường sách cố định để phát triển văn hóa đọc cho người dân, thành phố còn đầu tư phát triển văn hóa đọc ở các khu vực ngoại thành bằng những chuyến xe sách lưu động. Nhờ những chuyến xe này, các em thiếu nhi và người dân ngoại thành được tiếp cận rất nhiều đầu sách khác nhau.
Đến với đường sách cố định, người yêu sách được gặp gỡ, giao lưu với nhiều tác giả của Việt Nam. |
Em Lê Thị Ánh Dương ngụ ở xã Bình Chánh (huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh) cho biết em rất thích những chiếc xe thư viện lưu động đến trường, bởi từ những thư viện lưu động này, các em được thỏa thích đọc sách và mua nhiều văn phòng phẩm đẹp, rẻ. “Trước kia, muốn mua cuốn sách, cuốn truyện thiếu nhi, em đều phải nhờ ba mẹ chạy hàng chục cây số vào trong trung tâm thành phố bây giờ có thư viện lưu động nên thuận tiện hơn. Không chỉ được đọc sách hay, chúng em còn được các cô chú nhà xuất bản tặng nhiều cuốn sách truyện mới”, Ánh Dương cho biết.
Đại diện của Thư viện Khoa học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh cho biết: “Chủ trương phát triển những chuyến xe sách lưu động về vùng nông thôn, ngoại thành được thành phố đặc biệt quan tâm. Theo đó, mỗi năm thư viện thực hiện khoảng 30 chuyến xe đi về các vùng ngoại thành, khu chế xuất để phục vụ bạn đọc là thiếu nhi, công nhân, bộ đội và 40 chuyến xe phục vụ người khiếm thị trong và ngoài thành phố. Nhờ vậy, mỗi năm có khoảng 100.000 lượt người ở vùng sâu, vùng xa được tiếp cận với các loại sách khác nhau. Cũng nhờ đó, văn hóa đọc được quảng bá rộng rãi và khoảng cách giữa bạn đọc đô thị với bạn đọc vùng sâu, vùng xa được rút ngắn hơn”.
Ông Phạm Minh Thuận, Tổng Giám đốc Fahasa, cũng chia sẻ: “Với một chuyến xe sách lưu động, thường có hơn 1.000 tựa sách thuộc nhiều thể loại như sách giáo khoa, tham khảo, truyện và sách thiếu nhi… được mang tới tận nơi bạn đọc vùng sâu, vùng xa với chất lượng sách, thái độ phục vụ tốt nhất. Không chỉ phục vụ sách, các xe sách lưu động đều áp dụng nhiều chương trình giảm giá từ 5 - 80% cho các sản phẩm sách từng loại. Không chỉ mang sách tới gần với người đọc, tại những vùng sâu, vùng xa vào buổi tối, xe sách lưu động còn tổ chức chiếu phim hoạt hình, phim tài liệu phục vụ bà con và các em học sinh…”.
“Muốn phát triển văn hóa đọc phải xây dựng hạ tầng cơ sở cho nó, điều này TP Hồ Chí Minh đã làm khá tốt khi xây dựng được đường sách cố định (điều mà chưa thành phố nào làm được) và hình thành, tổ chức nhiều hội sách, chợ sách… hằng năm. Tuy nhiên, phát triển văn hóa đọc trong quần chúng nhân dân còn phải phụ thuộc vào ý thức chung của toàn xã hội. Một khi việc đọc sách được phổ cập rộng rãi từ thành phố đến nông thôn, từ trẻ em tới người lớn, tự nhiên văn hóa đọc sẽ được hình thành và phát triển. Vì vậy, trong thời gian tới, thành phố sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thiện thêm cơ sở hạ tầng cho văn hóa để mọi người ai cũng được tiếp cận với các thông tin, văn hóa xã hội bổ ích thông qua sách”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng cho biết.
Ông Lê Hoàng Quân, nguyên Chủ tịch UBND Thành phố: Việc đầu tư cho văn hóa đọc chính là đầu tư cho con người, là đầu tư cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, khi xây dựng nó phải có sự góp sức, chung tay của toàn xã hội. Trong đó, gia đình, nhà trường, hệ thống thư viện, các nhà xuất bản… là những người tiên phong định hình, phát triển nó trong giới trẻ hiện nay. Bởi, việc xây dựng văn hóa đọc sẽ giúp chúng ta biến đổi và hoàn thiện tư duy con người, cũng như ảnh hưởng rất lớn đến hành vi, thế giới nội tâm, trình độ văn hóa và những hoạt động xã hội của con người. |