Đầu tư lớn, hiệu quả thấp trong xây dựng khu tái định cư Bắc Kạn

“Toàn tỉnh Bắc Kạn hiện có 2.547 hộ dân có nhà nằm trong diện nguy cơ sạt lở, ngập úng hoặc lũ ống, lũ quét và là một trong 10 tỉnh miền núi phía Bắc nằm trong diện có nguy cơ sạt lở đất cao. Việc xây dựng các khu tái định canh, định cư là chủ trương đúng đắn, giúp người dân tránh xa các khu có nguy cơ sạt lở. Tuy nhiên, việc xây dựng các khu tái định canh, định cư ở vùng núi, vùng sâu, vùng xa như Bắc Kạn mất rất nhiều công sức và suất đầu tư lớn”- Ông Triệu Ngọc Liễu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Kạn cho biết.


Khu tái định cư tiểu khu 4, thị trấn Chợ Rã (Ba Bể). Ảnh: conganbackan.vn


Theo ông Liễu: Trong 18 dự án tái định canh, định cư thì trung bình mỗi dự án kinh phí xây dựng cũng trên 26 tỷ đồng, có dự án trên 200 tỷ đồng, thậm chí có dự án khi thực hiện phát sinh lên gấp đôi dự toán. Trong 18 dự án chỉ có 7 dự án phát huy hiệu quả sau đầu tư, một số dự án chậm tiến độ, xác định đối tượng không đúng nên đã phải dừng gây lãng phí tiền của của Nhà nước.

Đến nay đã hơn 4 năm trôi qua nhưng dự án định canh định cư Bản Piêng, xã Vân Tùng, huyện Ngân Sơn vẫn nằm “đắp chiếu”. Mục tiêu của dự án là ổn định, sắp xếp định canh định cư cho 46 hộ dân của huyện Ngân Sơn, trong đó có 25 hộ từ nơi khác chuyển đến và 21 hộ định cư tại chỗ. Khu dân cư mới này có quy mô thiết kế san nền rộng 8.900m2, hệ thống đường giao thông, nhà văn hóa, lưới điện, cấp nước sinh hoạt, thủy lợi, khai hoang ruộng canh tác là 50.000m2… Tổng mức đầu tư của dự án là 27,9 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước. Mỗi hộ tái định cư sẽ được cấp 300m2 đất ở và 3.000m2 đất sản xuất. Hiện nay dự án này đã phải dừng lại và khối lượng đã thực hiện là rất thấp, ngoài nền của khu tái định cư được san ủi với ngổn ngang đất, đá thì hầu như các hạng mục khác đều chưa được triển khai thực hiện. Hai hộ dân đang ở khu tái định cư là những gia đình có nhà cửa, ruộng đất từ lâu đời ở đây nên họ vẫn ở lại.

Ông Nguyễn Văn Út, một trong hai gia đình ở khu tái định cư này cho biết: Dự án đã dừng thi công từ 4 năm nay do gặp phải mỏ đá nên không thể san gạt nền, nhưng mọi thứ vẫn rất ngổn ngang. Gia đình tôi và gia đình nhà anh Lực cùng ở đây từ trước nhưng hiện nay không có ruộng đất để canh tác do ruộng đất trước của gia đình đã bị san gạt, đất đá ngổn ngang rất khó canh tác, cuộc sống gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Trần Đình Thất, Chủ tịch UBND huyện Ngân Sơn thì dự án đã dừng do sai sót trong việc xác định đối tượng không đúng tiêu chí và trong quá trình khảo sát thiết kế đã không chính xác nên gặp phải mỏ đá lớn dẫn đến gặp khó khăn trong san gạt nền. Huyện sẽ xem xét bố trí ở nơi khác phù hợp hơn.

Khu tái định cư Đồn Đèn- Khuổi Luông, huyện Ba Bể với tổng mức đầu tư hơn 40 tỷ đồng nhằm ổn định tại chỗ cho 110 hộ dân và tái định cư cho 180 hộ dân. Các hộ dân đến khu tái định cư được cấp đất ở trung bình 314m2/hộ, đất ruộng lúa 2.800m2/hộ, đất lâm nghiệp 7.000m2/hộ, ngoài ra mỗi hộ còn được hỗ trợ hơn 40 triệu đồng để làm nhà ở và phát triển sản xuất. Tuy nhiên cuộc sống của người dân ở khu tái định cư này hiện nay rất khó khăn, có đất sản xuất nhưng do hạn chế về trình độ, tập quán canh tác lạc hậu nên thường xuyên mất mùa và chuyện thiếu đói vì thế mà cũng thường xuyên xảy ra. Người dân vẫn còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước. Hiện nay chỉ còn 20 hộ dân sống ổn định ở khu tái định cư, các hộ khác thì di chuyển đi nơi khác hoặc trở về nơi ở cũ. Các hạng mục được đầu tư xây dựng từ trước nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Tại khu tái định cư thôn Cốc Sả, thị trấn Nà Phặc, huyện Ngân Sơn những ngôi nhà nằm san sát đóng cửa im lìm không có người ở, cỏ dại mọc um tùm trông như những ngôi nhà hoang. Tại đây chúng tôi chỉ thấy hai ngôi nhà có người ở. Anh Đặng Quang Hải, một người dân sống ở đây cho biết, ban đầu có 9 hộ chuyển đến ở nhưng sau đó họ lại chuyển về nơi ở cũ hoặc đi nơi khác. Một số hộ đã tự ý bán, chuyển nhượng đất ở đây. Do không có quỹ đất sản xuất nên các gia đình đã bỏ về nơi cũ để ở.

Khu tái định cư Pù Pết, xã Bằng Vân, huyện Ngân Sơn với tổng mức đầu tư hơn 10 tỷ đồng nhằm tái định cư cho 34 hộ dân nằm trong khu vực lòng hồ Bản Chang, mỗi hộ đến đây ở được cấp 300m2 đất ở và 700m2 đất sản xuất. Thế nhưng hiện nay chỉ có 1 hộ dân thường xuyên sinh sống ở đây, các hộ còn lại đã chuyển về nơi cũ để sản xuất. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do tại khu tái định cư thiếu nước sản xuất, đất đai khô cằn, khó cải tạo, không canh tác được nên không đảm bảo được đời sống của người dân.

Hay như khu tái định cư Nam Đèo Gió, huyện Ngân Sơn thiết kế cho 51 hộ dân nhưng cũng chỉ có 23 hộ chuyển đến ở; khu tái định cư Tát Vạ - Đán Đeng, xã Yên Hân, huyện Chợ Mới sắp xếp cho hộ dân nhưng cũng chỉ có 14 hộ đến ở; Khu tái định cư Khau Ban, xã Khang Ninh, huyện Ba Bể cũng chỉ có 28/58 hộ đến sinh sống…Vẫn còn rất nhiều khu tái định canh, định cư khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn mà số hộ dân thiết kế di chuyển đến nơi ở mới so với thực tế rất chênh lệch. Nhiều khu tái định cư có suất đầu tư lớn nhưng cũng chỉ có lèo tèo vài người đến ở gây lãng phí.

Đa số các hộ dân chuyển đến rồi lại quay về nơi ở cũ vì họ thấy rằng khu tái định cư mới không bằng nơi cũ do không có đất sản xuất, thiếu nhiều công trình thiết yếu, giao thông đi lại khó khăn. Đây là một nghịch lý vì nơi tái định canh, định cư mới đáng ra phải tốt hơn nơi cũ thì người dân mới định cư lâu dài và ổn định cuộc sống được. Một số hộ dân thì cho rằng họ ở nơi cũ quen rồi và việc thiết kế khu tái định cư không phù hợp với văn hóa, tập quán của người dân, quá trình rà soát, đánh giá các tiêu chí cũng chưa sát thực tế, một số hộ thì nơi ở cũ vẫn còn ruộng đất và nhà ở nên họ chỉ đến nhận “suất” rồi lại về nơi cũ sinh sống…

Tuy được hỗ trợ và đầu tư lớn nhưng những khu tái định cư vẫn vắng người ở và dần xuống cấp nghiêm trọng gây lãng phí nguồn vốn đầu tư. Thiết nghĩ các ngành chức năng tỉnh Bắc Kạn cần có sự rà soát, đánh giá tổng thể để điều chỉnh lại các dự án xây dựng khu tái định canh, định cư trên địa bàn (còn nữa).


Đức Hiếu

Mưa lớn gây sạt lở đường và ngập úng tại Bắc Kạn
Mưa lớn gây sạt lở đường và ngập úng tại Bắc Kạn

Do ảnh hưởng bão số 3, huyện Chợ Đồn có mưa rất to, làm sạt lở cả một quả đồi xuống đường tỉnh 254, với khối lượng đất khoảng 3.000 m3, làm lấp khoảng 20 mét trên tuyến đường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN