Cụ thể, căn cứ Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/02/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công, BHXH Việt Nam đã ban hành Kế hoạch số 1764/KH-BHXH về việc thực hiện đẩy mạnh chi trả dịch vụ an sinh xã hội qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Theo đó, BHXH Việt Nam đặt ra mục tiêu xây dựng lộ trình đến năm 2020, phấn đấu 20% số tiền chi trả An sinh xã hội tại địa bàn thành phố, quận, thị xã thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được thực hiện qua ngân hàng; đến năm 2021, phấn đấu đạt 50% số người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, mai táng phí, tử tuất... sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực đô thị.
Để đạt mục tiêu này, BHXH Việt Nam đang triển khai nhiều giải pháp như: Phối hợp với các bộ ngành liên quan hoàn thiện cơ sở pháp lý; tuyên truyền chủ trương của Chính phủ về chi trả An sinh xã hội qua hệ thống ngân hàng về hiệu quả, lợi ích của việc sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt; xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ về lộ trình chuẩn hóa dữ liệu thông tin về người nhận lương hưu, trợ cấp BHXH, kết nối chia sẻ thông tin dữ liệu người nhận chế độ với các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán...
Về BHXH các tỉnh, thành phố: Báo cáo, tham mưu với UBND tỉnh về việc thực hiện mục tiêu này; xây dựng kế hoạch, giải pháp triển khai thực hiện đạt chỉ tiêu được BHXH Việt Nam giao chi tiết từng quận, huyện, thị xã trực thuộc; phối hợp với cơ quan bưu điện, ngân hàng và các đơn vị có liên quan trên địa bàn tuyên truyền, vận động, khuyến khích phát triển người nhận các chế độ BHXH, trợ cấp thất nghiệp qua phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với điều kiện và nhu cầu của người thụ hưởng; ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện giao dịch điện tử, sử dụng chữ ký số trong việc trao đổi, chia sẻ thông tin giữa cơ quan BHXH với ngân hàng, cơ quan bưu điện…
BHXH Việt Nam đánh giá, số người và số tiền chi qua tài khoản cá nhân tăng hàng năm nhưng vẫn chiếm tỉ trọng thấp hơn rất nhiều số tiền chi bằng tiền mặt. Tỷ lệ số người, số tiền chi qua tài khoản cá nhân chiếm chủ yếu đối với người hưởng trợ cấp thất nghiệp (là những người hưởng đang trong độ tuổi lao động: số người 71%, số tiền 70%). Do đó, thời gian tới, BHXH Việt Nam xác định sẽ tiếp tục tăng cường các giải pháp để đanh nhanh hình thực thanh toán này, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.