Đẩy mạnh kết nối giao thông TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL

TP Hồ Chí Minh và Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) luôn quan tâm đầu tư, phát triển hệ thống giao thông để tạo động lực thúc đẩy kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và vùng ĐBSCL phát triển nhanh, mạnh và bền vững.

Bàn về giải pháp phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng, nhà ở phục vụ phát triển bền vững ĐBSCL tại diễn đàn diễn ra ngày 18/6, tại TP Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, các trục giao thông đường bộ chính gắn kết TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL mới chỉ được đầu tư giai đoạn đầu, nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch còn đang bị xuống cấp. Ngoài đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương đang là tuyến đường chính nối TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL đang đáp ứng tốt nhu cầu lưu thông giữa các tỉnh, thì hàng loạt tuyến quốc lộ ở ĐBSCL đang bị xuống cấp, diện tích mặt đường nhỏ, hẹp và hư hỏng… Ngay cả Quốc lộ 1A cũng có nhiều đoạn hư hỏng, quá tải, các dự án cao tốc khác hiện vẫn chậm triển khai như đường cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận…

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham gia Diễn đàn trình bày nhiều giải pháp để phát triển giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL.

Theo ông Võ Văn Hoan, TP Hồ Chí Minh giữ vị trí cửa ngõ giao thương, đóng vai trò quan trọng, làm động lực phát triển để lan tỏa đến các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL. Với vai trò là vùng kinh tế nông nghiệp xuất khẩu nông sản chủ lực của cả nước, hiện nay ĐBSCL có đến 80% khối lượng hàng hóa phải vận chuyển bằng đường bộ lên các cảng tại TP Hồ Chí Minh để xuất khẩu. Dù vậy, hệ thống đường bộ kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL hiện vẫn chưa kết nối chặt chẽ, quá trình đầu tư còn nhiều trở ngại, vướng mắc, tiến độ chậm...

Ở một góc nhìn khác, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh có hệ thống kênh rạch dày đặc, rất thuận lợi cho giao thông đường thủy phát triển. Tuy nhiên, hệ thống giao thông đường thủy chưa được đầu tư đúng mức nên chưa phát huy hết khả năng. Độ sâu, độ tĩnh không thông thuyền giữa các tỉnh chưa đảm bảo theo cấp quy hoạch chung nên lượng phương tiện đi lại đường thủy còn ít. Ví dụ như: tuyến giao thông thủy huyết mạch từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh vùng ĐBSCL phải qua kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) nhưng tuyến kênh này không đảm bảo về chiều rộng cho các phương tiện đi lại với số lượng tàu thuyền ngày càng tăng. Hệ thống đường sắt kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL như tuyến đường sắt cao tốc TP Hồ Chí Minh - Cần Thơ (định hướng kéo dài đến Cà Mau) hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, chưa được triển khai đầu tư…

Theo đại diện UBND tỉnh Bến Tre, việc kết nối giao thông thông suốt giữa TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL là động lực giúp các tỉnh ĐBSCL phát triển kinh tế văn hóa xã hội. Cụ thể, trước kia đi từ Bến Tre về TP Hồ Chí Minh phải mất gần 3 giờ, nhưng từ khi có hệ thống các cây cầu như cầu Rạch Miễu và cầu Hàm Luông bắc qua các con sông lớn đã rút ngắn thời gian lên TP Hồ Chí Minh còn khoảng 2 tiếng. Bên cạnh đó, nhờ kết nối giao thông thuận lợi mà ngành du lịch và ngành công nghiệp của tỉnh đã có sự khởi sắc, diện tích trong 2 khu công nghiệp của tỉnh đến nay đã đã được lấp đầy...

Tại hội thảo, nhiều đại biểu đến từ các bộ ngành, tỉnh thành phố cũng đã nêu ra nhiều giải pháp để giải quyết điểm nghẽn trong phát triển hạ tầng giao thông giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL như: kêu gọi vốn để đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông đường bộ đang chậm tiến độ, kết nối giao thông đa phương thức, phát triển giao thông công cộng giữa các tỉnh, phát triển giao thông đa phương tiện...

Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, để kết nối giao thông thông suốt giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh ĐBSCL cần tăng cường mời gọi đầu tư, đa dạng nguồn lực trong huy động để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, nghiên cứu các giải pháp kết hợp hiệu quả vốn Trung ương và địa phương, vốn nhà nước và xã hội trong đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông. Trước hết, Bộ Giao thông Vận tải cần phối hợp với TP Hồ Chí Minh kiến nghị với Chính phủ sớm cho phép thực hiện cơ chế tạo nguồn vốn để triển khai các dự án đường giao thông Vành đai 3, Vành đai 4 đi qua các tỉnh và TP Hồ Chí Minh. Bộ Giao thông vận tải cần ưu tiên bố trí nguồn vốn ngân sách Trung ương và nguồn vốn ODA phục vụ các tuyến đường trọng điểm cho Vùng nhằm giảm thiểu nạn ùn tắc giao thông trên toàn Vùng….

“Các tỉnh ĐBSCL và TP Hồ Chí Minh cùng nhau tăng cường cải thiện, nâng cao chất lượng dịch vụ trên các tuyến đường thủy nội địa để giảm áp lực cho vận tải đường bộ, đặc biệt là vận tải liên vùng, quốc tế. Cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải, dịch vụ vận tải, đổi mới phương tiện, công nghệ, trang thiết bị dịch vụ vận tải, ưu tiên phát triển vận tải container. Xây dựng các trung tâm dịch vụ logistics của Vùng, đủ sức đáp ứng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa, điều tiết hợp lý giữa các phương thức vận tải, góp phần giảm tải cho vận chuyển đường bộ. Đẩy mạnh đầu tư phát triển hệ thống giao thông công cộng kết nối các đô thị vệ tinh liên vùng”, ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết thêm.

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Văn Thể, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải mong muốn TP Hồ Chí Minh và ĐBSCL liên kết phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ và chặt chẽ.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Thể, Bộ Trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, vừa qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách, triển khai nhiều giải pháp để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội ĐBSCL. Qua đó, vùng đất này đã có sự phát triển rõ rệt, đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa quan trọng, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Cơ sở hạ tầng giao thông từng bước được đầu tư đồng bộ, đảm bảo phục vụ tốt hơn cho các hoạt động kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân không ngừng cải thiện.

“Một khi giao thông phát triển đi trước sẽ tạo động lực để kinh tế, xã hội của toàn vùng phát triển theo. Bên cạnh đó còn giảm chi phí cho doanh nghiệp và cho xã hội khi lưu thông hàng hóa, dịch vụ. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với các tỉnh thành ĐBSCL khẩn trương rà soát, chọn các dự án “ưu tiên” đầu tư cấp bách cho giao thông vùng ĐBSCL, từ các nguồn vốn như trái phiếu Chính phủ, vốn tập trung, vốn ODA, các chương trình mục tiêu… xây dựng hạ tầng giao thông ĐBSCL phát triển bền vững. Ngoài ra, để đột phá về giao thông, việc đầu tư cần làm nhanh và có trọng điểm, tập trung đầu tư cho những tuyến đường có kết nối tốt với lợi thế phát triển kinh tế”, ông Nguyễn Văn Thể cho biết thêm.

Bài, ảnh: Hoàng Tuyết/Báo Tin tức
Thủ tướng thăm, chúc mừng các nhà báo lão thành tại TP Hồ Chí Minh
Thủ tướng thăm, chúc mừng các nhà báo lão thành tại TP Hồ Chí Minh

Nhân kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, sáng 18/6/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác đến thăm và chúc mừng một số nhà báo có nhiều đóng góp cho sự phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN