ĐBSCL Ứng phó và thích nghi với biến đổi khí hậu - Bài 3: U Minh Hạ bốn bề là nước mặn

Nếu như rừng tràm U Minh Thượng của Kiên Giang được bao bọc bởi vùng nước ngọt khá rộng của huyện U Minh Thượng và các huyện vùng đệm như An Minh, An Biên, Vĩnh Thuận thì rừng tràm U Minh Hạ thuộc địa phận huyện U Minh, Trần Văn Thời, Thới Bình, tỉnh Cà Mau, nước ngọt gần như không còn.

Xâm nhập mặn từ hướng sông Đốc chảy qua và từ sông Gành Hào qua thành phố Cà Mau đổ xuống sông Trẹm vào sông Cái Tàu đã làm cho rừng U Minh Hạ ngập tràn nước mặn.

Nhưng đáng lo ngại nhất là sự tác động của biến đổi của khí hậu ở biển Tây Nam là huyện U Minh, một trong những huyện có bờ biển Tây Nam dài nhất của tỉnh Cà Mau với 42/92 km đê ven biển toàn tuyến, do sạt lở đê biển. Năm nay, tỉnh Cà Mau duyệt kinh phí và triển khai nước rút để hoàn thành dự án chống sạt lở đê biển Tây Nam lên đến 175 tỷ đồng.

Trong đó xã Khánh Tiến có 17,5 km đê bờ biển cận kề với rừng U Minh Hạ. Hiện nay xã đã có 4,7 km đê bị sạt lở đi sâu vào đất liền 70 m, trên tuyến đê này nước biển lấn vào tận chân đê và nhiều cống kiên cố bị phá vỡ: Tại Rạch Dinh, biển nước lấn sâu phá toàn bộ cống Rạch Dinh... Hiện nay, huyện U Minh đang nhanh chóng xây hệ thống cống mới toàn tuyến, và chống sự sạt lở bất thường của đê biển Tây Nam.

Cống và tuyến đê Rạch Dinh, xã Khánh Tiến, huyện U Minh, Cà Mau, đang bị sóng biển đánh lở tận chân đê và phá cả cống.


Anh Nguyễn Hoàng Ghi, Trưởng trạm Thủy lợi huyện U Minh cho biết, sự bất thường sạt lở đê biển chỉ diễn ra trong 4 năm trở lại đây, nhưng đã làm mất hoàn toàn ven rừng phòng hộ của xã Khánh Tiến. Điều đáng quan tâm là từ xa xưa đến giờ là đất bồi và lấn biển, chưa bao giờ bờ biển Tây Nam có hiện tượng lở như vậy. Đến mùa gió Tây Nam sóng biển êm đềm ít khi có sóng to, nay ngọn sóng vượt qua khỏi bờ đê tại vùng này (cao trình đê 2,5 m). Tại cửa Biện Nhị, quan trắc cho thấy nước biển Tây Nam dâng cao hơn 0,1 m so với tháng 3/2010.

Để khắc phục sự bất thường của sóng biển dâng cao, xã Khánh Tiến, huyện U Minh nhanh chóng làm đê kè lưới thép cao trình trên 2,5 m nhằm đối phó kịp thời sạt lở mùa mưa 2011. Để đối phó với sóng biển đánh cao bất thường so với những năm trước, không chỉ riêng tại ven biển xã Khánh Tiến, mà là nhu cầu bức xúc trên toàn tuyến đê và cống biển Tây Nam của huyện U Minh. Hiện nay huyện đã hoàn thành 2 cống ngăn từ biển như Hương Mai, Tiểu Dừa; 2 cống đang xây dựng Biện Nhị, Rạch Dinh và 2 cống dự kiến thi công là cống T25 và T29.

Mặc dù huyện U Minh vất vả chống xâm nhập mặn từ biển Tây Nam như vậy, nhưng cũng không tránh khỏi mặn xâm nhập từ dòng chảy của sông Gành Hào và các con sông khác đổ vào. Từ trung tuần của tháng 3/2011, xâm nhập mặn đến tận chân đê rừng U Minh Hạ và nhiều vùng đệm do nhân dân đã tự phát chuyển dịch sang nuôi tôm sú.

Thực trạng cho thấy, U Minh Hạ vùng ngọt và ngập úng còn rất mỏng manh. Rừng tràm U Minh Hạ chỉ còn cái lõi và xâm nhập mặn đang đe dọa. Trước tình trạng xâm nhập mặn và nước biển ngày càng dâng cao cộng với sự nuôi tôm tràn lan thiếu quy hoạch tổng thể cũng như xây dựng hệ thống thủy lợi một cách bất cập và thiếu khoa học thì rừng U Minh Hạ có khả năng biến mất bất cứ lúc nào.

Quốc Thái - Lê Hiền

Bài cuối: Ứng phó và thích nghi

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN