Theo Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, do mực nước sông và mực nước nội đồng vào mùa lũ năm nay ở ĐBSCL xuống thấp nhất trong vòng 30 năm qua nên nước biển ngày càng dâng cao, sông Cửu Long (sông Tiền và sông Hậu) biên độ nước vào mùa khô sẽ rất thấp. Vì vậy, xâm nhập mặn Tây Sông Hậu, Bắc Sông Hậu ngày càng sâu vào đất liền trên các tuyến Biển Đông và biển Tây Nam. Bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nề nhất là các tỉnh Bến Tre, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng…
ĐBSCL đang phải đối mặt với tình trạng khô hạn. Ảnh: Thái Hiền |
Trước thực trạng trên, các bộ, ngành chuyên môn cũng như các tỉnh ven biển đang nghiên cứu và tiếp nhận hình thành đê quốc gia từ Quảng Ngãi đến tận Hà Tiên (Kiên Giang) để ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cao. Chương trình đê biển quốc gia là cần thiết nhưng các địa phương có tuyến đê đi qua đã nhanh chóng huy động nhân dân trồng lại rừng ven biển, rừng phòng hộ. Tại cửa Trần Đề, huyện Long Phú chạy dài xuống huyện Vĩnh Châu (Sóc Trăng) và cửa Nhà Mát, thị xã Bạc Liêu chạy dài xuống Gành Hào, huyện Đông Hải (tỉnh Bạc Liêu)… vách rừng trồng theo chương trình của tỉnh và chương trình nước ngoài tài trợ chưa đầy 10 năm - nhưng đã tạo thành một thảm rừng phòng hộ rất đẹp và phát huy tác dụng rất lớn cho vùng đệm bảo vệ tuyến đê ven biển vững chắc hơn, bên trong đê nhân dân nuôi trồng và phát triển kinh tế ven biển rất trù phú…
Các khu rừng đước ngập mặn và rừng tràm ngập úng của ĐBSCL đang được các địa phương xây dựng vùng rừng đệm dầy hơn, nhất là các khu rừng quốc gia, các khu sinh quyển ngập mặn Mũi Cà Mau, Phú Quốc - Kiên Giang, rừng tràm ngập úng U Minh Hạ, U Minh Thượng… để tạo vành đai rừng ven biển, rừng nguyên sinh bên trong ngăn lũ, chống gió và ứng phó với biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đi vào sâu đất liền và điều hòa khí hậu trong vùng.
Để tạo cuộc sống thích nghi với biến đổi khí hậu thất thường, hiện nay, các tỉnh ở ĐBSCL đang triển khai bố trí lại cây trồng vật nuôi, cụ thể là mô hình lúa - tôm của huyện An Minh (Kiên Giang). Ngoài kịch bản bố trí dân cư, huyện đã tổ chức quy hoạch vật nuôi chủ yếu là đưa diện tích một vụ lúa mùa, một vụ nuôi tôm sú lên 32.000 ha, là huyện có diện tích tôm - lúa lớn nhất trong vùng ĐBSCL và cả nước. Năm 2010 đã thu hoạch đạt 22.165 tấn thủy sản các loại, trong đó tôm sú nguyên liệu xuất khẩu đạt 10.647 tấn. Ngoài nuôi tôm, trên diện tích trồng lúa huyện còn nuôi xen cua biển cùng trên diện tích kết hợp này, đã đem lại hiệu quả kinh tế rất cao. Mặt khác, diện tích lúa mùa góp phần đưa sản lượng lúa của huyện lên 102.990 tấn.
Nhưng mô hình lúa - tôm ĐBSCL, nhất là các huyện ven biển như An Minh phát triển chưa nhiều, ước tính có khoảng 100.000 - 150.000 ha kết hợp một vụ lúa, một vụ tôm, trong khi đó mô hình này còn khả năng nhân rộng ra gấp nhiều lần. Nguyên nhân chính là hệ thống thủy lợi chưa đồng bộ, chưa chủ động từ các địa phương dẫn đến mô hình lúa - tôm giậm chân tại chỗ. Các mô hình nuôi tôm sinh thái, nuôi tôm dưới tán rừng ngập mặn ở các vùng đệm khu sinh quyển như huyện Năm Căn (Cà Mau) cũng đang được chính quyền quan tâm mở rộng.
Theo các nhà khoa học, biến đổi khí hậu làm nước biển dâng cao thì các tỉnh ven biển nên chọn tôm sú và các loài thủy sản sinh thái mặn làm chủ lực, còn vùng sinh thái ngập úng, nước ngọt như An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long… nên lấy cá da trơn (như: Cá tra, cá ba sa, cá lăng) làm thủy sản có giá trị làm vật nuôi chính. Hiện nay, Hiệp hội Nuôi chế biến cá tra An Giang đã xây dựng mô hình chuỗi liên kết nâng cao giá trị cá tra xuất khẩu. Mô hình liên kết 4 nhà đang được triển khai không những đối phó với việc mực nước sông Cửu Long xuống thấp mà là một mô hình kinh tế bền vững, đảm bảo quyền lợi của các bên trong quá trình nuôi chế biến cá tra xuất khẩu.
Quốc Thái - Lê Hiền