Để cha mẹ yên tâm khi gửi trẻ - Bài 2

Nếu trẻ thường xuyên bị dọa dẫm, quát mắng, chịu đòn roi sẽ dễ bị sang chấn tâm lý, rơi vào tự kỷ, ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý và thể chất. Những di chứng này sẽ theo các em đến suốt cuộc đời… Đó là nhận định của các chuyên gia tâm lý giáo dục về việc giáo dục trẻ trong trường mầm non.


Những sang chấn tâm lý khó lường


Theo các chuyên gia tâm lý, trẻ bị bạo hành không chỉ bị tổn thương về mặt thể xác, mà tinh thần, trí tuệ đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Điều đáng nói hơn, những di chứng này sẽ ám ảnh, đeo bám các em trong suốt cả cuộc đời.

Trẻ em rất cần một môi trường an toàn để phát triển tâm lý và thể chất. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Theo TS Lê Văn Hảo, Viện Tâm lý học, lâu nay người lớn vẫn hay đe dọa trẻ và coi đó là một hình thức "giáo dục", mà không biết rằng nó sẽ ảnh hưởng rất xấu tới tâm lý trẻ. "Vì sự chú ý của trẻ chỉ có giới hạn, nên người lớn phải nhắc đi nhắc lại lời đe dọa của mình, khiến cho trẻ thường xuyên “sợ” như sợ đòn roi, rồi sợ ma, sợ phù thủy, thậm chí sợ... "công an". Về lâu dài điều này rất có hại vì nó ảnh hưởng tới tâm lý trẻ", TS Lê Văn Hải chia sẻ.


Cũng theo TS Lê Văn Hảo, trong nhiều trường hợp trẻ mắc lỗi, người lớn thường dùng các hình phạt hà khắc như đánh đập, mắng chửi để mong muốn trẻ thay đổi, sửa sai và không phạm lỗi đó nữa. Song kết quả thường không như mong muốn. Thay vì làm theo ý người lớn, nhiều trẻ trở nên khó bảo hơn, lì lợm và chống đối. Cũng có nhiều trường hợp trẻ trở nên khép mình hơn, trầm cảm và thiếu tự tin. Hậu quả là trẻ thường học tập kém, phát triển không toàn diện về thể chất, tinh thần, thậm chí mối quan hệ của trẻ với người lớn ngày càng trở nên tồi tệ.


Còn Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - khoa Tâm lý giáo dục, trường đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh cho rằng: Nếu trẻ bị bạo hành hoặc sống và tiếp xúc lâu với môi trường có bạo hành từ nhỏ sẽ khiến các em ngại giao tiếp và rất khó thiết lập những mối quan hệ tốt với người lớn. "Khi trẻ bị bạo hành sẽ có cách nhìn nhận và suy nghĩ không thiện cảm, sợ hãi với bảo mẫu và giáo viên. Khi đó, việc đến lớp với trẻ là một sự sợ hãi tột độ. Trẻ đến lớp bằng thái độ miễn cưỡng, không giao tiếp dần rơi vào lo âu, sợ sệt và trầm cảm”, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho biết.


Cũng theo các chuyên gia tâm lý, nạn bạo hành có thể gây những phản ứng chống đối hoặc phòng vệ ngoài mong muốn ở trẻ. Khi liên tiếp bị quát mắng, đánh đập trẻ sẽ có tâm lý chống đối, hành động chống đối để phòng vệ. Một lần, hai lần, ba lần,… n lần sẽ khiến trẻ phát triển tính chống đối, ngang bướng, lầm lì, ít nói, mất tự tin. Và điều không ai mong đợi là các em sẽ bắt chước hành động bạo hành của chính cô giáo. Đây là nguy cơ tiềm ẩn để phát triển tính cánh bạo lực khi trưởng thành.


Ảnh hưởng đến nhân cách


Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất - Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội) nhận định: “Trẻ bị bạo hành luôn sống trong sợ hãi, trí não và thể chất phát triển không bình thường. Những tác động ngoại cảnh này khiến trẻ bị sang chấn tâm lý đột ngột, có ám ảnh xấu với giáo viên, nhà trường. Tai hại hơn là những tổn thương tinh thần này sẽ theo các em suốt cuộc đời, ảnh hưởng đến việc phát triển nhân cách, lối sống sau này”.


Về vấn đề này, bác sỹ CK II Dương Đình Phúc - Chủ nhiệm khoa Nội Tâm thần kinh, Bệnh viện 354 (Hà Nội), đã tiếp xúc và điều trị cho nhiều bệnh nhân là trẻ em, cho biết: Từ kinh nghiệm của bác sĩ thì nếu thường xuyên dọa nạt, bạo hành trẻ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của trẻ, khiến trẻ không thể phát triển thể chất bình thường. Bị bạo hành lâu dài trẻ sẽ còi cọc, chậm lớn… Không những thế, sức khỏe tâm thần cũng bị ảnh hưởng trầm trọng.


Những biểu hiện khi trẻ bị bạo hành như: Có thể thay đổi tính nết, trở nên lạnh lùng, ít nói, lì lợm, dễ nổi tính hung bạo, bất cần, hay cáu gắt… Thậm chí là có những hành động độc ác với người và súc vật. Với những đứa trẻ trầm tính, bạo hành sẽ khiến trẻ sống khép kín hơn, ngại giao tiếp, buồn rầu, xa lánh mọi người và luôn có cảm giác sợ hãi, ghét bỏ thầy cô giáo, trường học. “Điều đáng lo lắng hơn là bạo hành sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Trẻ sẽ phát triển theo hai chiều hướng, một là trở nên hung bạo; hai là trở nên nhút nhát, tự ti và mặc cảm. Dù phát triển theo chiều hướng nào cũng là vô cùng tệ hại vì đó không phải là sự phát triển tất yếu, bình thường của một đứa trẻ mà đã bị ngoại cảnh chi phối, tác động”, bác sỹ Phúc phân tích.


Lê Vân - Thu Hòe


Bài cuối: Tăng giáo viên mầm non đứng lớp

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN