Các cơ quan chức năng trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các hiệp hội đại diện cho quyền lợi doanh nghiệp và người tiêu dùng, các cơ quan truyền thông cần trao đổi và phân tích các tồn tại, bất cập, từ đó đề xuất các giải pháp hiệu quả chấn chỉnh thị trường mũ bảo hiểm trong thời gian tới.
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú Tại tại buổi tọa đàm “Tăng cường quản lý sản xuất và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông” do Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông quốc gia (UBATGTQG) và Tổng cục Đo lường Chất lượng (Bộ GTVT) tổ chức ngày 8/5 tại Hà Nội
.
Đội QLTT số 12 kiểm tra cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm tại kiốt 3, C15 Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân. Ảnh: Quang Quyết - TTXVN |
* Lập lại kỷ cương Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT cho biết: Sau 2 tháng triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm theo tinh thần Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông, lực lượng QLTT cùng các lực lượng chức năng bước đầu lập lại kỉ cương trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm. Trong số 3672 cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm bị kiểm tra, số cơ sở có hành vi vi phạm hành chính chiếm 48% và phần lớn là lần đầu vi phạm.
Cùng với đó, các đơn vị đã kiểm tra 53.836 chiếc mũ là hàng hóa không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc và không ghi nhãn hàng hóa theo quy định. Các hành vi vi phạm khác bao gồm: Vi phạm về đăng kí kinh doanh, không treo biển hiệu của cơ sở kinh doanh, không niêm yết giá, niêm yết giá không đúng quy định, kinh doanh sai nội dung đăng ký, chất lượng không phù hợp với tiêu chuẩn, không có dấu hợp quy, không công bố tiêu chuẩn sản xuất.
Cũng theo ông Hùng, hiệu quả của công tác kiểm tra, xử lý của lực lượng QLTT được phản ánh qua việc đổi hơn 100.000 mũ bảo hiểm từ ngày 22/3 đến 16/4 của UBATGTQG, cho thấy ý thức của người dân trong việc đội mũ đạt chuẩn để tự bảo vệ mình đã được nâng lên. Mọi người đã ý thức được tác hại của việc đội mũ bảo hiểm không đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, tình trạng kinh doanh các loại mũ có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm, mũ nhựa, mũ thời trang không đảm bảo chất lượng tại một số tuyến phố, tuyến đường giao thông và trên lòng đường, vỉa hè ở một số thành phố lớn đã giảm đi rõ rệt, không còn hiện tượng bày bán công khai như trước đây. Các cơ sở sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu các loại mũ không bảo đảm chất lượng có kiểu dáng giống mũ bảo hiểm cũng ý thức được rằng khó có thể tiếp tục cung cấp các loại mũ này ra thị trường vì nhu cầu không còn nhiều.
* Đồng bộ và quyết liệt Để việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thực sự mang lại hiệu quả, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sản xuất chân chính cung cấp các loại mũ bảo hiểm bảo đảm chất lượng, cũng như người tiêu dùng yên tâm khi mua và sử dụng mũ bảo hiểm, Thứ trưởng Tú cho rằng thời gian tới, các cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý triệt để hơn. Đặc biệt, công tác phối hợp cần thực hiện đồng bộ, thường xuyên, liên tục, có trọng tâm, trọng điểm và quyết liệt hơn.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp sản xuất mũ bảo hiểm cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc bảo đảm chất lượng, đồng thời tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng để ngăn ngừa các loại mũ bảo hiểm kém chất lượng, mũ giả, mũ nhái lưu thông trên thị trường. Các cơ quan truyền thông và hiệp hội cần thực hiện tốt vai trò của mình trong việc tuyên truyền, hướng dẫn nhằm nâng cao ý thức cộng đồng để việc kinh doanh, sử dụng mũ bảo hiểm từng bước đi vào nền nếp.
Đại diện các Chi cục QLTT đề nghị trích nguồn kinh phí giám định của UBATGTQG giao cho Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng để phục vụ công tác giám định chất lượng mũ bảo hiểm của lực lượng QLTT. Các cơ quan liên quan như Bộ GTVT, Bộ Khoa học và Công nghệ rà soát, sửa đổi, bổ sung đầy đủ quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm, cũng như nâng chế tài xử phạt để làm cơ sở pháp lý chặt chẽ cho các cơ quan thực thi kiểm tra, xử lý triệt để, hiệu quả và bền vững các vi phạm về sản xuất, kinh doanh mũ bảo hiểm.
Các chi cục cũng đề nghị ban hành và sử dụng 1 mẫu tem CR do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý và thống nhất (về kích cỡ, màu sắc và các thông tin khác được phép in trên tem) để thuận tiện cho công tác quản lý, kiểm tra, xử lý mũ bảo hiểm của các lực lượng chức năng. Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn và cập nhật các loại mũ bảo hiểm đã hợp quy thông tin công khai các cửa hàng, đại lý bán mũ bảo hiểm để tạo thuận lợi cho người tiêu dùng nhận biết khi mua mũ bảo hiểm.
Theo Phó Chủ tịch UBATGT QG Nguyễn Hoàng Hiệp, UBATGTQG với vai trò là cơ quan liên ngành trong công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông đã phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Công an, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Giao thông vận tải triển khai chiến dịch truyên truyền và triển khai đợt cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về sản xuất, kinh doanh và sử dụng mũ bảo hiểm giả cho người đi mô tô, xe máy, xe đạp máy và khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mũ bảo hiểm tham gia chương trình này.
Mục đích là thông qua việc đổi mũ đạt chất lượng; thu hồi các loại mũ không phải mũ bảo hiểm, mũ kém chất lượng để tiêu hủy; đồng thời tạo điều kiện cho người nghèo, thu nhập thấp có thể trang bị cho mình mũ bảo hiểm đạt chất lượng. Bên cạnh đó, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, buôn bán các loại mũ bảo hiểm trong việc sản xuất, kinh doanh, buôn bán, sử dụng các loại mũ bảo hiểm đảm bảo chất lượng.
Để cuộc chiến với mũ bảo hiểm kém chất lượng đạt kết quả, Cục QLTT đề xuất: Không chỉ trong thời điểm này mà lâu dài, các hoạt động kiểm tra, kiểm soát phải thường xuyên, liên tục. Cùng với đó, công tác hậu kiểm phải quyết liệt, thậm chí “đánh” vào thi đua của từng lực lượng. Đồng thời, phải có chế tài mạnh hơn khi xử lý các trường hợp vi phạm bởi hiện nay chỉ tập trung vào phạt hành chính thì không xử lý triệt để.
Đối với những đơn vị, doanh nghiệp và hộ sản xuất - kinh doanh mũ bảo hiểm kém chất lượng, không đạt tiêu chuẩn, cần xử phạt nặng, như: Rút giấy phép, tự bỏ kinh phí để tiêu hủy... Đặc biệt, nhanh chóng thành lập đội đặc nhiệm thay mặt các lực lượng trên cả nước xử lý các điểm kinh doanh mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Địa phương nào bỏ ngỏ, buông lỏng kiểm soát sẽ xử lý người đứng đầu cơ quan quản lý tại địa phương. Bên cạnh đó, cần gấp rút thành lập Tổng cục QLTT để chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới địa phương, góp phần ổn định thị trường.
Uyên Hương