Để đê biển Tây an toàn trong mùa mưa bão

Cà Mau đã bước vào cao điểm của mùa mưa bão năm nay. Thời tiết mỗi lúc thêm cực đoan, khắc nghiệt đe dọa đến sự an toàn của các tuyến đê, đặc biệt là khu vực đê biển Tây.

Chú thích ảnh
Một đoạn đê biển Tây (xã Khánh Bình Tây Bắc, tỉnh Cà Mau) hầu như đã không còn rừng phòng hộ che chắn (ảnh minh họa).

Trước đó, dù bước vào mùa mưa bão chưa lâu nhưng do ảnh hưởng của tình trạng mưa to, gió lớn đã khiến tại khu vực đê biển Tây xuất hiện thêm nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng thuộc huyện Trần Văn Thời và huyện U Minh với tổng chiều dài khoảng 1.700m.

Trong đó, nghiêm trọng nhất là tại ba điểm sạt lở mới gồm: đoạn T25 - T29 dài 1.000m; đoạn T29 - Khánh Hội dài 500m và đoạn bờ bắc vàm Lung Ranh dài khoảng 200m. Ba đoạn này ở phía bên ngoài không có kè kiên cố nên sóng đã đánh mạnh vào thân đê, một số vạt rừng trên đoạn đê có cây đã bật gốc, nguy cơ vỡ các đoạn đê này ngày càng nghiêm trọng nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục phó Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, cho biết, trong mùa mưa bão năm nay đê biển Tây tiếp tục có nhiều vị trí sạt lở. Trong đó, nhiều vị trí nguy hiểm như: đoạn từ Giồng Cát đến Tiểu Dừa thuộc xã Khánh Tiến, huyện U Minh. Khu vực này có 4 vị trí sạt lở, tổng chiều dài khoảng 421 m, dù phía bên ngoài đã có kè cơ bản.

Gần đây nhất, vào ngày 30/8, lực lượng quản lý đê điều của tỉnh đã phát hiện đoạn kè áp mái phía bờ Nam khu di tích Hòn Đá Bạc, thuộc ấp Kinh Hòn (xã Khánh Bình Tây) bị sụp lún. Tại đoạn kè dài 1,5 km đã xuất hiện nhiều lỗ hổng, đất bị sụp lún, sâu vào thân kè 2 mét. Phần cát, đá trong thân kè đã bị cuốn trôi ra bên ngoài. Hiện nay, hàng ngày sóng biển tại khu vực này khá lớn nên cần có giải pháp xử lý nhanh, nếu không nguy cơ sụp lún đoạn đê này là rất lớn.

Trước tình hình đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thanh Triều đề nghị Hạt Quản lý Đê điều phân công lực lượng theo dõi tình hình sụp lún của đoạn kè này để báo cáo; cần kiểm tra lại chân khay của kè, nếu bị hư hỏng thì sử dụng rọ đá, đá hộc để làm chân khay, sau đó trải vải địa kỹ thuật và xếp đá hộc vào bên trong vị trí sụp lún để ngăn cản sóng biển tiếp tục khoét sâu vào thân kè. Về lâu dài, cần khôi phục lại hiện trạng kè như kết cấu ban đầu để đảm bảo sự ổn định của kè.

Ðê biển Tây có chức năng bảo vệ vùng sản xuất ở các huyện Trần Văn Thời, U Minh. Tuy nhiên, hằng năm, thân đê tiếp tục bị xâm hại, tác động. Nghiêm trọng nhất vào mỗi mùa mưa bão, sóng, gió khiến các công trình xây dựng, gia cố liên tục bị gián đoạn.

Trước tình hình đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lê Thanh Triều chỉ đạo đơn vị thi công tranh thủ thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công vì đây là công trình khẩn cấp nên phải làm khẩn trương kể cả làm ban đêm. Lực lượng công nhân thi công cần phải thực hiện nghiêm việc phòng, chống dịch COVID-19, khai báo số lượng công nhân thi công với chính quyền địa phương để theo dõi và quản lý. Chi cục Thủy lợi phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành công trình trên nhằm bảo vệ an toàn cho tuyến đê biển Tây trước mùa mưa bão sắp đến.

Theo Chi cục Thủy lợi tỉnh Cà Mau, kinh nghiệm hộ đê từ những năm trước cho thấy, nhiều khu vực đê dù phía bên ngoài có kè ly tâm chắn sóng nhưng sóng biển vẫn từng lúc xoáy sâu và ảnh hưởng lớn đến an toàn đê. Thời gian qua, tỉnh Cà Mau đã phải thực hiện hàng loạt công trình khẩn cấp như: kè thân đê, bơm bùn vào phía trong chân đê để tạo phản áp..., tất cả những công việc, giải pháp công trình mà xưa nay trên khu vực đê biển Tây chưa từng áp dụng.

Được biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã tiếp tục kiến nghị đến các bộ, ngành ở Trung ương sớm đầu tư xây dựng tuyến đê biển Tây đoạn từ thị trấn Sông Ðốc, huyện Trần Văn Thời đến thị trấn Cái Ðôi Vàm, huyện Phú Tân dài 23 km để bảo vệ khu vực sản xuất an toàn còn lại. Các tổ chức quốc tế cần sớm triển khai các hiệp định đã ký với Chính phủ Việt Nam về đầu tư xây dựng công trình đê biển trên địa bàn tỉnh Cà Mau.

Ngoài ra, để chủ động ứng phó, ngay từ đầu mùa mưa bão năm nay, UBND tỉnh Cà Mau đã ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp thực hiện các công trình, dự án xử lý sạt lở khẩn cấp đê biển Tây. 

Theo dự báo, thời tiết từ nay đến cuối năm vùng biển Nam Bộ nói chung và Cà Mau nói riêng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng do mưa bão, áp thấp nhiệt đới. “Lá chắn” cho hệ sinh thái rộng lớn cùng hàng trăm ngàn hộ dân sinh sống, canh tác phía trong đê lại tiếp tục bị uy hiếp… Cà Mau đang rất cần được các cấp bộ, ngành từ trung ương đến các địa phương đặc biệt quan tâm hơn về nguồn lực, tạo điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất để đê biển Tây vững chắc bước qua không chỉ mùa mưa bão năm nay mà cả những năm tiếp theo.

Tin, ảnh: Huỳnh Anh (TTXVN)
Đê biển Tây Cà Mau xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng
Đê biển Tây Cà Mau xuất hiện nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng

Theo thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, do ảnh hưởng của cơn bão số 2 vừa qua, khiến khu vực đê biển Tây xuất hiện thêm 3 điểm sạt lở nghiêm trọng thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh, với tổng chiều dài khoảng 1.700m.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN