* Nhiều vi phạm pháp luật về lao động
Trong những năm qua, nhờ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với mục tiêu hướng về cơ sở, tổ chức công đoàn thành phố Hà Nội đã tập trung triển khai nhiều hoạt động thiết thực quan tâm, bảo vệ quyền lợi cho công nhân viên chức lao động. Các cấp công đoàn đã chủ động nắm bắt diễn biến tư tưởng, tâm tư của người lao động và kịp thời giải quyết các phát sinh vướng mắc, nhất là những vấn đề nhạy cảm trong quan hệ lao động, liên quan đến vấn đề lương, thưởng trong dịp cuối năm và thực hiện tăng lương tối thiểu mới.
May hàng xuất khẩu tại Xí nghiệp 2, Garco 10 Long Biên, Hà Nội. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Tuy nhiên, theo Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến, do khó khăn chung của nền kinh tế, tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thử thách, đã ảnh hưởng trực tiếp đến việc làm, đời sống của một bộ phận công nhân viên chức lao động. Nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể và thu hẹp quy mô sản xuất dẫn đến tỉ lệ công nhân lao động thất nghiệp cao (từ 7% - 8%); thu nhập của người lao động chỉ đạt bình quân khoảng 4 – 4,5 triệu đồng/người/tháng. Mức tiền lương thực tế này không đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động do giá cả hàng hóa tiêu dùng và các dịch vụ xã hội thiết yếu liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, các vấn đề về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, cháy nổ, tai nạn giao thông - lao động, dịch bệnh, quá tải bệnh viện...vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cũng ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động. Đáng lo ngại là tình trạng doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của người lao động có chiều hướng gia tăng. Hiện toàn thành phố Hà Nội có hơn 20.000 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội với số tiền lên tới hơn 2.000 tỷ đồng; trong khi đó, các chế tài xử lý doanh nghiệp chưa đủ sức răn đe.
Tình trạng vi phạm pháp luật về lao động tại các doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước còn diễn ra khá phổ biến; điều kiện làm việc của công nhân trực tiếp sản xuất trong các doanh nghiệp vừa và nhỏ chậm được cải thiện. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Hà Nội vẫn là một trong 10 địa phương có số vụ tai nạn lao động và cháy nổ cao nhất cả nước. Hằng năm, trung bình ở Hà Nội xảy ra 140 vụ tai nạn lao động nghiêm trọng và chết người, 200 người mắc các bệnh nghề nghiệp...
* Để doanh nghiệp là “ngôi nhà thứ 2” của người lao động
Từ những hạn chế, bất cập trong việc thực thi các văn bản pháp luật về lao động, Chủ tịch Liên đoàn Lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nêu ý kiến, các cấp công đoàn cần chủ động tham gia góp ý xây dựng các chính sách, pháp luật có liên quan trực tiếp đến đoàn viên và người lao động, trong đó chú trọng chế tài thực thi pháp luật nhằm bảo vệ quyền lợi công nhân.
Đại diện cho hơn 140 nghìn đoàn viên, công nhân lao động, Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội Đinh Quốc Toản kiến nghị, Nhà nước và thành phố Hà Nội cần sớm có những biện pháp tích cực hơn để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và môi trường kinh doanh lành mạnh, góp phần ổn định đời sống, việc làm của công nhân lao động. Ông Toản cho biết, với tinh thần đổi mới và bằng những việc làm cụ thể, ngay từ những tháng đầu năm 2016, tại Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội, công đoàn đã tổ chức tốt hội nghị đối thoại giữa lãnh đạo thành phố, doanh nghiệp với công nhân lao động, hạn chế đến mức thấp nhất tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể xẩy ra. Công đoàn đã vận động công nhân lao động tích cực học tập nâng cao tay nghề, phát huy sáng kiến cải tiến kỹ thuật, thi đua lao động sản xuất, tạo ra những sản phấm chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước…
Chia sẻ suy nghĩ của mình, chị Trần Thị Hoa, công nhân Công ty TNHH Một thành viên Vườn thú Hà Nội đại diện cho trên 1.000 người lao động trong công ty mong muốn các tổ chức công đoàn đồng hành cùng doanh nghiệp chăm lo tốt hơn cho người lao động về cả đời sống vật chất và tinh thần. Đặc biệt, trong Tháng Công nhân này, các hoạt động cần được triển khai đồng bộ, hiệu quả, không mang tính thời điểm mà cần được duy trì liên tục, lâu dài.
Tháng Công nhân năm 2016, với mục tiêu tạo dấu ấn trong cán bộ đoàn viên, công nhân lao động và xã hội, Chủ tịch Liên đoàn lao động Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh, các cấp công đoàn Thủ đô sẽ tập trung phối hợp và tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động và các chế độ chính sách đối với người lao động . Qua đó, các cấp công đoàn kịp thời giải quyết vướng mắc, kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý vi phạm, để doanh nghiệp thực sự là “ngôi nhà thứ 2” của người lao động.