Để giải quyết hiệu quả tranh chấp môi trường - Bài cuối

Kinh nghiệm từ một số quốc gia có thể là gợi ý tốt để xây dựng mô hình chính sách giải quyết tranh chấp môi trường tại Việt Nam.“Điều đáng nói là chúng ta đang dùng cơ chế hành chính để giải quyết tranh chấp về môi trường” - ông Lê Minh Đức, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách công nghiệp nhận xét.

 

Bất cập cơ chế hành chính


Bản chất các vụ tranh chấp môi trường là tranh chấp giữa người dân và doanh nghiệp gây ô nhiễm. Chính quyền đứng trung gian, và người dân mong chờ chính quyền cơ sở (phường/xã) can thiệp. Trong khi đó, cơ quan hành chính - chính quyền cơ sở - không phải bên gây ô nhiễm, nên chỉ tiếp nhận đơn chứ không có trách nhiệm trả lời đơn thư của dân.


 

Nhà máy hoạt động, xả nước thải tràn lan, gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Công Thử -TTXVN

Trên thực tế, cơ quan hành chính địa phương chỉ giải quyết các tranh chấp môi trường khi có xung đột xảy ra, với cách nhìn như là giải quyết các xung đột gây mất trật tự an ninh. “Giải quyết để không còn xung đột chứ không phải giải quyết vấn đề môi trường, nên không xử lý triệt để được vấn đề” - ông Lê Minh Đức bình luận.


Việc sử dụng cơ chế hành chính để giải quyết tranh chấp môi trường chỉ là phương án tạm thời. Theo đề xuất của nhóm nghiên cứu, điều cần làm hiện nay là thu hẹp cách biệt trong đánh giá ô nhiễm, “làm sao có cơ chế tiếp cận thông tin trực tiếp của người dân về ô nhiễm, ví như có một lực lượng cảnh sát 113 về môi trường để dân phản ánh nhanh tình trạng ô nhiễm.


Tại Đà Nẵng, khu công nghiệp Thọ Quang nằm trong thành phố gây ô nhiễm, dân có phản ứng từ năm 2010. Khi nhà máy xử lý nước thải hoạt động thì mùi của khu công nghiệp gây ô nhiễm, dân kéo sang. Địa phương không có biện pháp giải quyết hiệu quả. Thành phố buộc phải can thiệp, lập đường dây nóng, ra văn bản chốt thời gian yêu cầu nhà máy xử lý ô nhiễm... thì dân mới dịu bức xúc. “Chính quyền can thiệp như vậy là rất quyết liệt. Dù có thể chưa giải quyết triệt để nhưng thái độ, cách làm đã xoa dịu được dư luận” - ông Đức nhận xét.


Rõ ràng việc tiếp nhận thông tin một cách chủ động (đường dây nóng”, và có “phán quyết” từ chính quyền (ra thời hạn) là điều phần nào đáp ứng nguyện vọng người dân.


Với những tranh chấp cần đền bù, kéo dài, cũng theo nhóm nghiên cứu, cần thành lập Ban Môi trường (tạm gọi) hoặc Ban Đền bù (có đại diện tỉnh, xã, bên thiện hại, doanh nghiệp gây ô nhiễm...). Những khi “có vấn đề”, dân chỉ việc tìm trực tiếp tới Ban này để phản ánh trực tiếp và được xử lý. Như vậy, tình trạng lòng vòng đơn thư, kiện tụng kéo dài, căng thẳng bức xúc sẽ được giảm bớt và việc xử lý trực tiếp sẽ hiệu quả hơn.


Cần một “tòa án” môi trường


Ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) đưa ra gợi ý, trên cơ sở quan điểm của GS Lawrence Susskind (Hoa Kỳ): “Giải quyết tranh chấp môi trường cần một trung gian định hướng, lý tưởng nhất là một hòa giải viên chuyên nghiệp, được cả hai bên chấp nhận”. Việc hòa giải tập trung vào tìm giải pháp có lợi cho cả hai bên chứ không phải chỉ là lấy bên này chuyển cho bên kia.


Tại Hàn Quốc, Luật giải quyết tranh chấp môi trường đã có từ 1990, sửa đổi 7 lần. Tại quốc gia này cũng có Ủy ban giải quyết tranh chấp môi trường ở cấp quốc gia và địa phương, với nhiệm vụ giải quyết tranh chấp, xác định thiệt hại, nghiên cứu và kiến nghị chính sách, tuyên truyền giáo dục... theo phương thức trung gian, hòa giải, trọng tài. Tại Nhật Bản, một Ủy ban điều phối tranh chấp môi trường cũng đã có, ở cấp quốc gia (với những vụ việc nghiêm trọng, trên dịa bàn nhiều tỉnh) và cấp địa phương. Ủy ban này, từ năm 1970 - 2009 giải quyết hơn 800 vụ kiện tụng, tranh chấp về môi trường ở cấp trung ương và 1.247 vụ ở cấp địa phương.


“Đây là hai mô hình hiệu quả” - ông Nguyễn Minh Đức, Ban pháp chế (Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - VCCI) nhận xét. Đây cũng có thể là gợi ý một mô hình giải quyết tranh chấp môi trường ở nước ta hiện nay. “Kinh nghiệm dành cho Việt Nam là thành lập cơ quan chuyên về giải quyết tranh chấp môi trường (hoặc hỗ trợ giải quyết); xác định quy chế hòa giải tại cơ quan bảo vệ môi trường các cấp”.


Nhưng về lâu dài, tại Việt Nam, một tòa án môi trường là điều hết sức cần thiết. Bởi môi trường là lĩnh vực đặc thù, cần tòa chuyên trách, chuyên sâu. Tại Mỹ, tòa Tư pháp chung giải quyết tất cả các vụ việc khiếu kiện tập thể; tại một số bang (ví như Vermont) có riêng tòa chuyên môn về môi trường, có quyền tài phán (cả hành chính, dân sự, hình sự, công nhận hòa giải, công nhận giám định...). Tại Mỹ cũng có dịch vụ hỗ trợ giải quyết tranh chấp, trong đó có Viện giải quyết xung đột môi trường, độc lập với các cơ quan nhà nước khác; cung cấp dịch vụ miễn phí hoặc có thu phí.


Đây cũng là nhận định của nhóm nghiên cứu “Đánh giá tác động của ô nhiễm môi trường khu công nghiệp nhìn từ góc độ cộng đồng”. Tất nhiên kèm theo việc thành lập Tòa án môi trường sẽ là nhiệm vụ hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định hướng dẫn về trình tự khiếu kiện; đào tạo nâng cao năng lực của các thẩm phán, các chủ tòa đặc thù. Tất nhiên sẽ cần một lộ trình cho công việc này.


Còn trước mắt, vẫn còn sự lựa chọn khác. Theo đề xuất của ông Nguyễn Minh Đức (Ban Pháp chế - VCCI) là: Xác định quy chế hòa giải tại cơ quan bảo vệ môi trường các cấp. Mục tiêu không gì khác là nâng cao thẩm quyền và tính trách nhiệm của các đơn vị tiếp xúc trực tiếp với các bức xúc của dân về môi trường.

 

Thùy Hương


 

Để giải quyết hiệu quả tranh chấp môi trường
Để giải quyết hiệu quả tranh chấp môi trường

Nhiều vụ khiếu kiện về môi trường kéo dài vì người dân bức xúc trước nạn ô nhiễm mà không được giải quyết thỏa đáng. Học tập những mô hình tốt từ các quốc gia sẽ giúp Việt Nam xây dựng được chính sách hiệu quả nhằm giải quyết các tranh chấp môi trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN